Đảm bảo an toàn trong vận hành, cung ứng điện mùa mưa bão tại Kon Tum

   Để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, việc vận hành, cung ứng điện trong mùa mưa bão; Sở Công thương tỉnh Kon Tum phối hợp với các đơn vị phân phối điện, truyền tải điện, thuỷ điện và các đơn vị lien quan đứng chân trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng và triển khai phương án phòng chống lụt bão, sẵng sàng ứng phó khi xảy ra thiên tai.

   Trước hết, để xây dựng phương án sát thực tiễn, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, Sở Công thương tỉnh Kon Tum đã xác định rõ những công trình, vị trí trọng điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng cao trong mùa mưa bão. Theo đó,  trong hệ thống lưới điện truyền tải có đường dây cao thế 500 kV, 220 kV, 110 kV đi qua địa bàn tỉnh hầu hết nằm trên các sườn đồi núi, địa hình phức tạp, dễ bị ảnh hưởng do mưa bão; hệ thống điện trung thế có tổng chiều dài là 1.636 km có nhiều đoạn đi qua vùng đồi núi, đồng ruộng và vượt sông, đến mùa mưa lũ có khả năng ngập lụt, nước chảy xoáy có thể sạt lở móng trụ, đổ trụ, đứt dây điện...  Những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng cao, dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất là các địa bàn huyện Tu Mơ Rông, Kon Plong, Đăk Glei, Đăk Tô, Kon Rẫy, Sa Thầy, Ngọc Hồi.

 

   Trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn có các công trình thủy điện đã đi vào vận hành và đang xây dựng, việc đảm bảo an toàn cho các nhà máy và các hồ đập là một vấn đề quan trọng. Đó là những công trình lớn, có tác động rộng như các nhà máy thủy điện: Ia Ly, Sê San, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, Sê San 4A trên sông Sê San, có lòng hồ thuộc hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai;  Nhà máy thủy điện Plei Krông trên sông Pô Cô; Nhà máy thủy điện Đăk Đrinh có lòng hồ thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi và các đập, hồ chứa của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn... Ngoài ra, còn có các công trình thủy điện đang thi công như thủy điện thượng Kon Tum, thủy điện Đăk Mi 1.

 

   Để chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống lụt bão, các nhà máy, đơn vị đã thực hiện kiện toàn lại Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, chuẩn bị đầy đủ vật liệu, phương tiện, lương thực nhu yếu phẩm, thành lập đội xung kích chủ lực phòng chống lụt bão, lập phương thức vận hành hệ thống điện trong mùa mưa bão của mỗi đơn vị.

 

Công nhân PC Kon Tum kiểm tra lưới điện, phát quang hành lang tuyến

 

   Đối với Công ty Điện lực Kon Tum, Truyền tải điện Kon Tum, Chi nhánh Điện cao thế Kon Tum cần tăng cường công tác kiểm tra hệ thống lưới điện nhằm phát hiện các tồn tại có nguy cơ gây mất an toàn để kịp thời xử lý, đảm bảo vận hành an toàn. Đặc biệt, các đơn vị chú trọng kiểm tra để đảm bảo an toàn tuyệt đối ở các điểm cột vượt sông, vượt đường, cột có độ cao lớn và các vị trí hãm, néo quan trọng; thực hiện nghiêm túc  việc phát quang hành lang lưới điện.

 

   Đồng thời, các đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với các địa phương bảo vệ các đường ra vào trạm biến áp, ngăn ngừa các hiện tượng lấn chiếm gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành; kịp thời kịểm tra, phát hiện đường dây không đảm bảo an toàn, hướng dẫn các hộ dùng điện sau công tơ các biện pháp đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ... Tất cả các biện pháp trên nhằm hướng tới mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, các công trình hạ tầng do bão, lũ gây ra.

 

   Tiêu biểu như Công ty Điện lực Kon Tum, đơn vị cam kết thực hiện tốt phương án đảm bảo nguồn điện liên tục phục vụ cho các cơ quan, đơn vị chỉ đạo, cảnh báo, dự báo, thông tin liên lạc ở cấp tỉnh, huyện và thành phố. Bảo vệ hệ thống điện, thiết bị điện, trạm biến thế; đồng thời xử lý khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây điện bị hư hỏng, chuẩn bị 10 máy phát điện dự phòng khi có sự cố xảy ra để cung cấp điện cho những cơ quan trọng yếu...

 

   Cùng với ngành Điện, các công ty thuỷ điện cũng đã xây dựng phương án phòng chống lụt bão, bảo vệ an toàn đập của đơn vị; cam kết thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; huy động lực lượng trực; chuẩn bị phương tiện, vật tư, dụng cụ sẵn sàng triển khai công tác ứng phó khi cần thiết. Các đơn vị này cũng dự trữ vật liệu, lương thực tại chỗ, đảm bảo khắc phụ hậu quả, duy trì sản xuất.

 

   Đặc biệt, trong trường hợp có bão mạnh, siêu bão các đơn vị còn thực hiện thêm một số nội dung như: triển khai thực hiện các phương án bảo vệ đập, đảm bảo an toàn đập và phòng chống lụt bão cho vùng hạ du; thực hiện việc điều tiết xã lũ phải đảm bảo an toàn cho khu vực hạ du và thượng du của đập; phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp kịp thời để nhân dân chủ động phòng tránh lũ bão.

 

   Công ty thủy Điện Yaly và các đơn vị có công trình thủy điện lớn cũng chủ động dự phòng các trang thiết bị, vật tư thay thế đầy đủ đảm bảo đủ khả năng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Trong trường hợp xảy ra thiên tai, các đơn vị phân phối điện, truyền tải điện, các công ty thuỷ điện sẽ phải nhanh chóng di dời, sơ tán dân, tài sản ở khu vực xung yếu vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất đến nơi kiên cố, an toàn, bảo đảm an toàn tính mạng người dân đến nơi sơ tán; đảm bảo an toàn vận hành các công trình lưới điện, thủy điện và các công trình, cơ sở hạ tầng trên địa bàn.

 

   Với tinh thần chủ động, phương án sát thực, quyết tâm cao của các đơn vị, doanh nghiệp ngành điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum; chắc chắc việc vận hành, cung ứng điện trong mùa mưa lũ năm nay sẽ được đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đông Lưu

Tác giả: Đông Lưu
Tin liên quan