Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng: Cách nào?

Theo các chuyên gia, sử dụng hiệu quả năng lượng sẽ giúp Việt Nam đạt được cùng lúc rất nhiều lợi ích, đó là giảm phải nhập khẩu năng lượng, giảm đầu tư nguồn điện mới, giảm chi phí tiêu dùng năng lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường, hiện thực hoá mục tiêu đưa phát thải ròng về không vào năm 2050. 

Ảnh minh họa.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, kể từ năm 2015 Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng - với lượng nhập khẩu năm 2015 vào khoảng 17.074 KTOE (17 triệu 74 nghìn tấn dầu quy đổi/tương đương). Xu hướng nhập khẩu năng lượng đã tăng dần trong giai đoạn 2015-2020 và đạt mức nhập khẩu kỷ lục vào năm 2020 với 53.605 KTOE (53 triệu 605 nghìn tấn dầu quy đổi/tương đương), với gần 49% nhiên liệu tính theo cán cân xuất nhập khẩu (trong bối cảnh chúng ta vẫn đang có xuất khẩu dầu thô và than đá). 

Nhập khẩu năng lượng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên trong trung và dài hạn, với tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu năng lượng vào khoảng 33 - 37% vào năm 2025 và lên đến 50 - 58% vào năm 2035. 

Theo thiết kế của bản Quy hoạch điện VIII, Việt Nam vừa có xuất khẩu điện vừa có nhập khẩu điện, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ nhập khẩu lên tới khoảng 5.000 MW (có thể tăng lên 8.000 MW nếu điều kiện lưới điện cho phép) và phấn đấu xuất khẩu điện dự kiến từ 5.000 - 10.000 MW điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Song, theo nhiều chuyên gia, khả năng nhập khẩu điện trực tiếp của Việt Nam cao và hiện thực hơn là có thể xuất khẩu điện trong giai đoạn này.

Trong trước mắt, để giảm phải nhập khẩu điện, nhập khẩu năng lượng, Việt Nam cần áp dụng triệt để các giải pháp để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng. Bởi, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tăng với tốc độ nhanh chóng, trung bình đạt trên 10% trong giai đoạn 2011-2019. Thời gian chịu ảnh hưởng của Covid-19, tăng trưởng điện không ổn định. Trong 6 tháng đầu năm 2024 nhu cầu điện đã bật tăng trở lại, lên tới 12,4%. Hệ số đàn hồi về điện (là tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện so với tốc độ tăng trưởng GDP cùng năm) trong giai đoạn trước năm 2015 gần bằng 2 và đã giảm xuống khoảng 1,3 trong những năm gần đây. Mặc dù hệ số đàn hồi có xu hướng giảm đi nhưng còn chậm, tốc độ tăng nhu cầu sử dụng điện vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, thể hiện việc sử dụng điện còn kém hiệu quả. 

TS Lê Anh Tuấn - Phụ trách khoa Kinh tế quản lý, Đại học Điện lực cho rằng: "Rất hy vọng là có sự trợ giúp của phát triển công nghệ thì một số dạng năng lượng mới sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh nguồn điện lên. Bên cạnh đó là việc chúng ta cũng đang xác định định mức cho các công nghiệp và cố gắng yêu cầu các ngành công nghiệp là nỗ lực hơn nữa để giảm định mức tiêu thụ năng lượng của mình để làm sao cho sản xuất hiệu quả hơn".

Đồng quan điểm này, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, đi từ tiết kiệm đến sử dụng hiệu quả năng lượng là một quá trình hiện thực hoá việc giảm phát thải, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế quốc gia.

Dẫn chứng báo cáo thống kê năng lượng năm 2022, với tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Việt Nam lên tới hơn 98 triệu tấn dầu quy đổi, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng & phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh tới chỉ số “cường độ năng lượng” của Việt Nam và đưa ra khuyến nghị.

"Để sản xuất ra được 1.000 đô la GDP thì Việt Nam cần phải tiêu thụ khoảng 350 kg dầu quy đổi, trong khi Hoa Kỳ chỉ vào khoảng 100-101 kg dầu quy đổi, và thậm chí Nhật Bản luôn thấp hơn - chỉ khoảng 90 kg. Thái Lan, GDP họ cao hơn ta thế nhưng tiêu thụ điện của họ thì thấp hơn ta, đấy là điều chúng ta cũng cần suy nghĩ. Như vậy là chúng ta còn sử dụng chưa thật sự hiệu quả. Nếu dùng một cách hình ảnh là nếu chúng ta sử dụng điện, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn thì thay bằng việc phải sử dụng 98 triệu tấn dầu quy đổi hoặc là tiêu thụ điện thương phẩm 250 tỷ kWh/năm (số liệu 2023) mà chúng ta chỉ cần dùng một phần trong đó - thì nghĩa là chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho xã hội để phải đầu tư vào các nguồn năng lượng, các nguồn điện mới, chi phí nhập khẩu năng lượng cũng như là sẽ tiết kiệm được chi phí cho bản thân các cơ sở sử dụng năng lượng, qua đó giúp cho nền kinh tế xanh hơn và hiệu quả hơn. Tôi cho rằng, điều này có vai trò rất quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả".

Tác giả: PV
Nguồn:Icon.com.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51