Người thợ điện trên đảo Cù Lao Chàm – Hội An

Cù Lao Chàm - Hội An là một trong 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, được Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển thế giới của UNESCO công nhận ngày 25/6/2009. Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, quân sự của một vùng biển đảo quan trọng của thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam nói chung, Cù Lao Chàm đã được cấp điện lưới quốc gia từ ngày 3/9/2016.

 

Với địa bàn cách trở đất liền khó khăn, những thợ điện của Điện lực Hội An (PC Quảng Nam) vẫn lặng thầm ngày đêm thực hiện nhiệm vụ trên biển đảo, theo dõi, quản lý, đảm bảo vận hành tuyến điện lưới, kể cả khi lễ tết hoặc mùa biển động, thời tiết xấu...

Người thợ điện trên đảo Cù Lao Chàm – Hội An

Cấp điện trên đảo Cù Lao Chàm

Nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió

Từ tháng 4/2016, PC Quảng Nam đã thực hiện tiếp nhận và bán điện cho người dân xã đảo Tân Hiệp bằng hệ thống máy phát điện. Đến khi xã đảo được đầu tư, cấp điện lưới điện quốc gia, PC Quảng Nam tiếp nhận và thành lập Đội Quản lý tổng hợp Tân Hiệp, với biên chế 4 lao động quản lý vận hành toàn bộ lưới điện trên đảo.

Là một vùng đảo có cảnh sắc đẹp, được xem là hòn đảo ngọc của Quảng Nam, Cù Lao Chàm là một điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Khi màn đêm buông xuống, những ánh đèn điện trên đảo tạo nên một bức tranh đẹp lấp lánh giữa biển khơi. Điện lưới không chỉ chiếu sáng trên đảo mà còn được người dân sạc vào các bình ắc quy, đêm đến mang ra những chiếc thuyền ngoài biển quanh đảo để đánh bắt hải sản. Nhìn từ xa, khung cảnh càng lung linh huyền ảo trên mặt biển đêm.

Để có được dòng điện liên tục, an toàn, đều đặn mỗi ngày nơi đầu sóng ngọn gió có sự góp sức không nhỏ từ những người thợ điện trên đảo, đang ngày đêm túc trực 24/24h lặng thầm làm nhiệm vụ trên đảo Cù Lao Chàm. Với tinh thần trách nhiệm cao, các anh đã ngày đêm bám biển đảo, duy trì việc cấp điện liên tục trên đảo, định kỳ kiểm tra phao biển (phao cảnh báo khu vực có cáp xuyên biển), phối hợp đồn biên phòng cảnh báo tàu thuyền neo đậu trong hành lang cáp ngầm dưới đáy biển… Đây là những công việc vừa áp lực, vừa tiềm ẩn nguy hiểm đối với các anh, nhưng với lòng yêu nghề và trách nhiệm với công việc, các anh luôn sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Kiểm tra phao biển hành lang tuyến cáp ngầm cấp điện cho đảo Cù Lao Chàm

Ông Huỳnh Viết Hải - Đội trưởng, chia sẻ thêm, định kỳ hàng tháng, các anh đều phải kiểm tra phao biển trên tuyến cáp ngầm xuyên biển, kiểm tra đèn cảnh báo, dây xích và phao… Để kiểm tra, đơn vị phải theo dõi thời tiết liên tục, nắm được thời điểm nào có thể thuê ghe, thuyền ngư dân để chở đến điểm kiểm tra. Khi đi kiểm tra, mọi người thường nhịn ăn trước đó ít nhất 4 đến 6 tiếng vì say sóng biển. Có hôm anh em ăn cơm trước khi đi thì ra đến nơi, say sóng, không còn gì trong bụng, người mệt lả, không có sức để kiểm tra, phải quay lại vào bờ. Có lần, một anh trong đội thực hiện kiểm tra phao biển xong, vào bờ thì đi không vững, muốn ngã lăn ra đất như người say rượu. Sau một tiếng đồng hồ mới có thể đi lại bình thường, người dân địa phương gọi đó là hiện tượng say sóng đất (say đất liền).

Vào mùa mưa bão, Cù Lao Chàm là nơi phải chịu ảnh hưởng đầu tiên. Những lúc như vậy, các anh phải tăng cường trực và kiểm tra các vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện để có cách ứng phó kịp thời. Mùa mưa là các anh phải nén nỗi nhớ nhà, ở lại ròng rã nơi biển đảo, vài ba tháng mới được về với gia đình, gặp vợ con một lần. Nhiều khi vội vã vào đến bờ, chưa kịp đưa con đi học thì đã vội vã quay ra vì có thông tin gió, bão hay áp thấp, phải thực hiện nhiệm vụ trực xử lý sự cố trên đảo. Những khi gia đình có việc đột xuất, các anh cũng khó có mặt kịp thời. Con cái học hành, các anh cũng chỉ có thể gọi điện qua các ứng dụng mạng xã hội để khuyên nhủ, động viên; mọi việc trong nhà đều phải nhờ vào sự đảm đang của người vợ...

Sự mến thương của bà con trên đảo

Từ khi có điện lưới quốc gia đến đảo, người dân Cù Lao Chàm vô cùng phấn khởi, bởi mọi người không còn phải thấp thỏm chờ đợi nguồn điện hoặc vội vã lúc gần đến giờ cắt điện như khi điện còn phải cấp từ các máy phát điện như trước kia. Giờ đây, bà con thoải mái dùng điện ban ngày lẫn đêm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Cũng từ đó, điện đã góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống của người dân, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành du lịch địa phương, nhiều nhà đầu tư đến Cù Lao Chàm để tìm kiếm cơ hội trong nhiều lĩnh vực.

Khi mới ra đảo nhận nhiệm vụ, các anh công nhân ngành điện thấy cuộc sống người dân địa phương rất nhiều khó khăn, vất vả nên các anh luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi có việc cần hỗ trợ như: sửa chữa hệ thống điện sau công tơ, bỏ chi phí thay thế thiết bị trong nhà bị hỏng, tư vấn người dân dùng đèn led thay cho các đèn sợi đốt để tiết kiệm điện… Đối với các chương trình, lễ lội và các hoạt động trên đảo, các anh luôn túc trực và đảm bảo nguồn điện phục vụ... Với tinh thần chịu khó và luôn giúp đỡ người dân và du khách, các anh đã để lại trong lòng mọi người sự mến thương, quan tâm như người thân của mình.

Vào mùa mưa, biển động thường là những ngày thiếu thốn về nguồn thực phẩm do tàu thuyền không thể ra vào đất liền, khi biết các anh thiếu thực phẩm, bà con nơi đây đã mang đến chia sẻ mọi thứ có trong nhà, nào là cá tôm, mực, rong biển khô và các loại hải sản đánh bắt được gần bờ. Nhiều khi đi làm nhiệm vụ trên đảo, người dân xem các anh như người trong nhà nên gặp bữa cơm gọi vào dùng cùng với gia đình, khi bắt được con cá ngon thì người dân cũng đem đến cho hoặc nấu sẵn mang đến các anh.

Sự mến thương của người dân trên đảo Cù Lao Chàm phần nào giúp các anh nguôi đi sự nhớ nhung gia đình, người thân, tạo thêm động lực, tăng thêm tinh thần chịu thương chịu khó để hoàn thành các nhiệm vụ của người thợ điện, tiếp tục trách nhiệm giữ cho nguồn điện liên tục, an toàn, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Nguồn:EVNCPC Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51