Thách thức nào cho thương mại điện tử?

Tiềm năng phát triển thương mại điện tử còn rất rộng lớn, bởi thương mại điện tử đã chiếm khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

“Chưa bao giờ nền kinh tế số - hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số với thương mại điện tử, lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay”. Đây là nhận định của Tiến sỹ Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nêu lên tại Tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 14/8.

Việt Nam trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới

Đề cập đến những đóng góp của thương mại điện tử cho sự phát triển của kinh tế số, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đóng góp khoảng 15%-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia.

 

Các khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: VGP

Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã xác định mỗi hộ nông dân, mỗi hộ kinh doanh đều có thể trở thành những cửa hàng trực tuyến trên thương mại điện tử để tăng cường khả năng tiếp thị, quảng bá các dịch vụ của mình.

Hiện nay, Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9 nghìn chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn COVID-19. Mục tiêu đặt ra là doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 và chúng ta có thể đạt được mục tiêu này.

“Không gian cho thương mại điện tử ở Việt Nam có thể đạt được mức trung bình của thế giới là rất rộng mở”, theo ông Trần Minh Tuấn.

Ông cũng cho biết thêm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ gia đình, hộ kinh doanh nông dân, các cửa hàng bán buôn, bán lẻ được chuyển đổi số, đưa lên không gian mạng.

Hiện nay, trên các sàn thương mại điện tử nông sản có khoảng 5,2 triệu hộ nông dân mở cửa hàng. Hằng năm, có hơn 1,1 triệu hộ kinh doanh có doanh thu từ bán nông sản qua hình thức giao dịch thương mại điện tử. Đây là những định hướng lớn của Chính phủ trong việc thúc đẩy và coi thương mại điện tử là một trong những động lực lớn, quan trọng nhất để phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

Theo Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh, năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Tiềm năng phát triển thương mại điện tử còn rất rộng lớn, bởi thương mại điện tử đã chiếm khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Hiện nay, có khoảng 80% người dùng Internet đã mua sắm trực tuyến và hoạt động thương mại điện tử.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đã chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân, nâng cao năng lực, ứng dụng và triển khai thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức chuỗi liên kết vùng trong thương mại điện tử… để phát triển thương mại điện tử đồng bộ, toàn diện và thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương.

Cho rằng thương mại điện tử là bộ phận cấu thành rất quan trọng của nền kinh tế số, đây là lĩnh vực gắn liền tốt nhất "ảo" với "thực", Tiến sỹ Võ Trí Thành nhận định, không phải ngẫu nhiên chúng ta coi chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam - là một nước đi sau - có thể bắt kịp, đi cùng với thời đại, với các nước. Thương mại điện tử đã đem lại sự phát triển vượt trội.

Ông Thành nêu con số, riêng Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 90 nghìn người kinh doanh online. Thương mại điện tử tạo ra rất nhiều việc làm. Riêng năm 2023, doanh thu của thương mại điện tử là 3,5 triệu tỷ đồng, thu ngân sách khoảng 100.000 tỷ đồng; những con số này chắc chắn trên thực tế còn cao hơn. Thương mại điện tử tạo ra sự phát triển đồng đều hơn, giảm bớt khoảng cách về thu nhập.

Tối ưu hóa hiệu quả của chuỗi cung ứng

Ở góc độ chính sách, Tiến sỹ Võ Trí Thành nêu thực tế, trong quá trình phát triển của thương mại điện tử, khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần dần bị thu hẹp, đó là một phần của quá trình phát triển nhưng cũng có thể tạo ra những tác động không mong muốn.

 

TS. Võ Trí Thành và bà Lại Việt Anh. Ảnh: VGP

Đây là việc chúng ta phải quan tâm về mặt chính sách, để không ai bị thiệt thòi, bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, vấn đề này còn liên quan đến nhiều câu chuyện về thể chế, về xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng làm sao để phát triển đem lại lợi ích tốt nhất.

Theo Tiến sỹ Võ Trí Thành, đối với thương mại điện tử có 3 vấn đề lớn chúng ta phải xử lý. Trước hết là các văn bản, khung pháp lý ứng xử với dữ liệu, bởi đây là nguồn lực mới, một nhân tố sản xuất mới và toàn bộ các hoạt động, dù là công nghệ hiện đại đến đâu đều dựa trên dữ liệu, nhất là dữ liệu lớn (Big Data). Thứ hai là các nền tảng kết nối, trao đổi điện tử với sự tham gia của rất nhiều bên liên quan, cùng các vấn đề về trách nhiệm, tranh chấp nếu có. Thứ ba là tuân thủ các cam kết, thỏa thuận hợp tác và chuẩn mực quốc tế về dịch chuyển hàng hóa, dòng thông tin, dòng tài chính.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, trong vòng 7-8 năm qua, Shopee đã làm việc với rất nhiều nhà kinh doanh nhỏ lẻ và thấy rằng Việt Nam có thế mạnh rất lớn về sản xuất, ví dụ như ngành may mặc. Tuy nhiên, những sản phẩm này chưa tiếp cận được nhiều trong thị trường nội địa vì hiểu biết về thị trường này của các nhà kinh doanh xuất khẩu chưa nhiều; cách tiếp cận người tiêu dùng qua thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn mới; nhu cầu và thị hiếu của thị trường Việt Nam cũng khác với thị trường xuất khẩu.

Shopee đã làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu để giúp họ cung cấp cho thị trường nội địa trước. Người sản xuất tập trung vào sản xuất, còn Shopee lo vấn đề vận hành, quảng bá sản phẩm ra thị trường và đã thu được những kết quả rất tốt. Shopee cũng giúp doanh nghiệp xuất khẩu ra thị trường khác; có những chương trình huấn luyện, giúp mọi người tiếp cận những công nghệ mới, những cách tiếp cận thị trường mới như livestream, dùng người nổi tiếng để quảng bá…

Để thúc đẩy việc tạo nên những chuỗi giá trị và cung ứng, bà Lại Việt Anh nêu quan điểm, từ phía Nhà nước, cần gắn những định hướng phát triển chuỗi cung ứng trong thương mại điện tử với những quy hoạch phát triển vùng, hệ thống phân phối. Mắt xích quan trọng nhất là thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong những vùng kinh tế trọng điểm, để có thể tối ưu hóa hiệu quả của chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, làm việc với những sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa có hàm lượng sản xuất tại Việt Nam cao, đặc biệt là các mặt hàng nông sản; xây dựng và phát triển những thương hiệu trực tuyến cho hàng hóa Việt Nam, hướng đến đưa sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài; quy hoạch và phát triển mạng lưới logistics.

Nguồn:BNEWS/TTXVN Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51