Cơ chế mua bán điện trực tiếp: Doanh nghiệp nào hưởng lợi?
Những công ty hiện đang sở hữu các dự án năng lượng tái tạo sẽ được hưởng lợi chính; trong đó, dự án nằm gần khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Theo giới phân tích, Chính phủ đã đẩy nhanh việc hoàn thiện các nghị định quan trọng như quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà. Đây là những bước đi then chốt trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách, mở đường cho làn sóng phát triển năng lượng tái tạo mới trong trung và dài hạn. Nhờ vậy, những công ty hiện đang sở hữu các dự án năng lượng tái tạo được cho là sẽ hưởng lợi.
Vào ngày 3/7, Chính phủ đã ban hành Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), cho phép các nhà máy năng lượng tái tạo bán điện trực tiếp cho khách hàng doanh nghiệp lớn, thay vì chỉ bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) như trước đây. Nghị định là nền tảng hướng đến xây dựng thị trường điện cạnh tranh, cũng như cung cấp thêm lựa chọn đầu ra cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo.
Cơ chế DPPA dự kiến sẽ tác động lớn đến ngành năng lượng tái tạo. DPPA cho phép các nhà máy điện tiếp cận với khách hàng doanh nghiệp uy tín. Điều này giúp cải thiện khả năng vay vốn, thu hút nguồn vốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo mới. Đối với bên tiêu thụ, DPPA giúp các doanh nghiệp lớn thực hiện cam kết sử dụng năng lượng sạch.
Với việc ban hành liên tiếp các văn bản quan trọng như cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và khung giá điện khí LNG, Chính phủ đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ việc thúc đẩy năng lượng sạch. Tiếp nối những nỗ lực này, các chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) kỳ vọng cơ chế giá điện năng lượng tái tạo mới sẽ sớm được ban hành, khơi thông trở lại dòng vốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.
Các chuyên gia cho rằng, cơ chế DPPA có thể khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào các dự án năng lượng tái tạo trong nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững về môi trường và nâng cao hiệu quả của thị trường điện ở Việt Nam.
SSI kỳ vọng cơ chế DPPA giúp giảm sự phụ thuộc vào EVN và lưới điện quốc gia, cơ chế DPPA sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh tốt hơn cho các bên tham gia cũng như giải quyết vấn đề tài chính của EVN.
Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như tiếp tục mở rộng công suất điện (đạt trên 150.000 MW vào năm 2030 và đạt gần 600.000 MW vào năm 2050); trong đó, năng lượng tái tạo dự kiến sẽ đóng vai trò chính trong quá trình thực hiện lộ trình này.
Việc khuyến khích tăng cường năng lượng tái tạo (đặc biệt là ở miền Bắc) có thể giảm, giải quyết vấn đề thiếu điện của Việt Nam về dài hạn. Ngoài ra, cơ chế này còn cho phép phòng ngừa rủi ro thông qua việc quy định về hợp đồng kỳ hạn.
Theo khảo sát do Bộ Công Thương thực hiện vào cuối năm 2023, trong số 67 dự án điện tái tạo tham gia khảo sát, 24 dự án điện tái tạo (1.773 MW) mong muốn tham gia cơ chế DPPA với tư cách là bên bán, trong khi 17 dự án điện tái tạo khác (2.836 MW) cân nhắc tham gia. Về phía người mua, 20 (996 MW) trong số 41 đại diện được khảo sát mong muốn tham gia cơ chế.
Về dài hạn, SSI kỳ vọng cơ chế sẽ một trong những bước quan trọng đầu tiên nhằm khuyến khích phát triển thị trường bán buôn điện Việt Nam (VWEM) sau này tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Việt Nam (VREM).
Tuy nhiên, việc triển khai DPPA vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong ngắn hạn như cần duy trì nguồn điện ổn định hơn và phát triển nguồn điện từ Hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) để hỗ trợ ổn định lưới điện quốc gia và giảm thất thoát điện năng trong bối cảnh nguồn điện tái tạo không ổn định.
SSI lưu ý rằng tiềm năng tăng công suất năng lượng tái tạo trên lưới điện quốc gia trong tương lai từ việc triển khai cơ chế DPPA phải đi kèm với các chính sách điều độ hợp lý hơn để giải quyết vấn đề với khả năng chịu tải của lưới điện, cũng như việc phát triển các nguồn điện ổn định hơn trên lưới điện như điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và triển khai công nghệ BESS (công nghệ tích trữ năng lượng với dung lượng lớn) vào sản xuất điện.
Tuy nhiên, theo đánh giá của EVN, giá bán lẻ điện hiện nay thấp hơn chi phí sản xuất điện khí, LNG và điện từ công nghệ BESS tạo ra rào cản cho việc phát triển các nguồn điện này.
Trong trung và dài hạn, SSI kỳ vọng những điều chỉnh tăng thêm hoặc việc triển khai mô hình hai thành phần cho giá bán lẻ điện sẽ giúp giảm bớt và giải quyết tình trạng này.
Do cơ chế DPPA còn khá mới nên có thể phát sinh một số vấn đề khó tránh khỏi trong quá trình triển khai. Ví dụ như đối với hình thức mua bán trực tiếp thông qua đường dây truyền tải riêng, người mua và người bán có thể gặp khó khăn trong việc đàm phán hợp đồng do thiếu cơ chế hướng dẫn.
Các chuyên gia nhìn nhận, những công ty hiện đang sở hữu các dự án năng lượng tái tạo sẽ được hưởng lợi chính. Về tính hiệu quả tài chính, các dự án nằm gần khu vực sản xuất như khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã cổ phiếu: HDG) được đánh giá là một trong những doanh nghiệp dự kiến hưởng lợi lớn nhất từ việc triển khai cơ chế DPPA.
Tập đoàn Hà Đô đang sở hữu 8 nhà máy năng lượng, bao gồm 5 nhà máy thuỷ điện, 2 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 500 MW.
Hiện tập đoàn này đang lên kế hoạch triển khai các dự án điện gió với tổng công suất khoảng 828 MW; trong đó, dự án trang trại điện gió An Phòng công suất 350 MW của tập đoàn này đã được bổ sung vào Quy hoạch Điện VIII.
Ngoài ra, Tập đoàn Hà Đô cũng đã được UBND tỉnh Ninh Thuận trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy điện gió công suất 50 MW và được UBND tỉnh Lạng Sơn trao Biên bản ghi nhớ đầu tư cho dự án nhà máy điện gió công suất 80 MW.
Nhà máy điện gió Mũi Dinh (Ninh Thuận). Ảnh: Công Thử - TTXVN
Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã cổ phiếu REE) và Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (mã cổ phiếu GEG) cũng là hai doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi từ cơ chế DPPA. Đối với Cơ Điện Lạnh, công ty đang triển có các dự án điện gió V1-3 Giai đoạn 2, V1-5, và V1-6 với tổng công suất khoảng 128 MW. Điện Gia Lai đang có 2 dự án năng lượng tái tạo chờ triển khai là Nhà máy Điện mặt trời Đức Huệ 2 (49 MWp) và Nhà máy Điện gió VPL Bến Tre - Giai đoạn 2 (30 MW).
Với Công ty cổ phần BCG Energy thuộc Tập đoàn Bamboo Capital (mã cổ phiếu BCG) là doanh nghiệp năng lượng tái tạo quy mô lớn cũng được dự báo sẽ hưởng lợi từ DPPA.
BCG Energy đang vận hành các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn với tổng công suất lên tới hơn 560 MW. Theo Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, BCG Energy sở hữu danh mục 8 dự án điện gió với tổng công suất lên đến gần 1 GW được phê duyệt ưu tiên thực hiện tới năm 2030.
Hiện công ty này đang đẩy mạnh triển khai nhiều dự án như Điện gió Đông Thành 1 (80 MW), Đông Thành 2 (120 MW) tại tỉnh Trà Vinh; Khai Long 1 (100 MW) tại Cà Mau nhằm đưa vào khai thác thương mại ngay trong năm 2025.
Đối với các dự án điện mặt trời mái nhà, ngoài 74 MW công suất đang vận hành, BCG Energy hiện đang triển khai thêm 23 dự án điện mặt trời áp mái khác, đặt mục tiêu đến hết năm 2024 nâng tổng công suất mảng này lên mức 150 MW.
Đáng chú ý, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC) vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán cho BCG Energy với tên mã là BGE. Cổ phiếu BGE dự kiến sẽ giao dịch trên thị trường UPCOM trong thời gian tới.
Theo chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect), giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành năng lượng tái tạo dần được định hình khi chính phủ hoàn thiện cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA), cũng như xây dựng cơ chế đấu thầu cho dự án năng lượng tái tạo. Giai đoạn mới sẽ có tính cạnh tranh lành mạnh hơn.
Điện năng lượng tái tạo dự kiến sẽ là nguồn điện chính trong dài hạn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện năm 2050.
Việt Nam sẽ áp dụng cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho khoảng 1.000 MW điện năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu cần có giải pháp đột phá để khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái phục vụ tự tiêu, cũng như hoàn thiện cơ chế đấu thầu.
VNDirect kỳ vọng vào một cơ chế cạnh tranh hơn, nhưng vẫn đủ hấp dẫn để khuyến khích nhà đầu tư tham gia. Trong giai đoạn đầu, VNDirect nhận thấy các doanh nghiệp phát triển hạ tầng điện bao gồm xây dựng nhà máy và lưới điện như Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (mã chứng khoán: PC1), Công ty cổ phần FECON (mã chứng khoán: FCN), Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVS), Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (mã chứng khoán: TV2) sẽ được hưởng lợi sớm nhất nhờ khối lượng công việc lớn theo Quy hoạch điện VIII.
Ngoài ra, những nhà phát triển điện năng lượng tái tạo hàng đầu, có khả năng đàm phán giá, tiềm lực tài chính và kinh nghiệm dồi dào trong ngành sẽ có lợi thế vươn lên trong giai đoạn này như Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG), Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã chứng khoán: GEG) và Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán: REE).
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đánh giá rằng, các văn bản pháp lý quan trọng lần lượt được ban hành sẽ dần định hình khung pháp lý mới từ đó giải quyết các vấn đề để phát triển ngành điện.
Định hướng nhất quán về mục tiêu Net zero trước 2050, các văn bản pháp lý tập trung giải quyết các nút thắt trong các lĩnh vực liên quan đến LNG và năng lượng tái tạo.