Khởi công công trình Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Thêm một nốt nhạc vào bản trường ca sông Đà

Ngày 10-1-2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khởi công xây dựng Công trình Thủy điện Hòa Bình mở rộng có công suất 480MW, nâng tổng công suất của toàn bộ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đạt 2400 MW và với lợi thế là bậc cuối cùng của sông Đà, thủy điện Hòa Bình trở thành nhà máy thủy điện hiệu quả nhất Việt Nam.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: pv
 

Cách đây 41 năm, đúng 10 giờ sáng ngày 6-11-1979, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị  phát lệnh nổ mìn, khởi công xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà và khẳng định “Công trình Thủy điện Hòa Bình có một vị trí quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân, sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa của Việt Nam”. Ở vào thời kỳ những năm 60 của Thế kỷ XX, để có thể tiến tới khởi công đối với một công trình quan trọng như thủy điện Hòa Bình phải qua những chặng đường dài. Công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà được đặt ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (năm 1960), khi Đảng xã định: “Cùng một lúc, cách mạng Việt Nam phải tiến hành song song hai nhiệm vụ chiến lược là: Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và xây dựng XHCN ở miền Bắc. Đối với sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước ý thức rõ: Muốn xây dựng CNXH thì “điện khí hóa” phải đi trước một bước. Và để tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của đất nước, kinh nghiệm và khoa học - kỹ thuật của Liên Xô, thì xây dựng thủy điện là phương án kinh tế và có tính khả thi nhất. Vì lẽ đó, ngay từ đầu công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà đã được Đảng và Nhà nước quan tâm cho tiến hành điều tra, khảo sát, lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật làm tiền đề cho việc xây dựng công trình.

 


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu phát lệnh khởi công. 
 

Trong giai đoạn 1958-1963, Chính phủ giao cho Bộ Thủy lợi tiến hành khảo sát nghiên cứu địa chất trên toàn bộ lưu vực sông Đà chảy qua khu vực thành phố Hòa Bình hiện nay, được chọn để xây dựng công trình đầu mối thủy lực đầu tiên trng sơ đồ các bậc thang thủy điện trên sông Đà. Trên cơ sở đó, Liên Xô cử các chuyên gia sang Việt Nam để nghiên cứu, khảo sát và lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật (gọi tắt là TEO) cho công trình thủy điện Hòa Bình.

Đầu năm 1975, Ban Quản lý xây dựng Công trình sông Đà – một cơ quan ngang Bộ được thành lập, có nhiệm vụ quản lý, điều hành quá trình xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình và sau gần 10 năm, được sự chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, Ban ngành chức năng, sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của Đảng Cộng sản, Nhà nước Xô Viết, đặc biệt là sự tích cực, miệt mài làm việc của các chuyên gia Liên Xô, các nhà khoa học Việt Nam, đến cuối năm 1979, toàn bộ thiết kế công trình đã được hoàn thành.

 


Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành (phải) trao nhận 

hợp đồng tín dụng từ đại diện Ngân hàng Vietcombank.
 

Nguyên Trưởng Ban Quản lý xây dựng Công trình Thủy điện Hòa Bình Thái Phụng Nê vẫn nhớ như in thời gian xây dựng công trình trong điều kiện vô cùng khó khăn về đời sống vật chất, nhưng hàng vạn thanh niên từ các vùng nông thôn miền Bắc vẫn xung phong đến làm việc tại công trường. Hơn 500 kỹ sư và trung cấp kỹ thuật vừa tốt nghiệp đã được điều động, 800 chuyên gia là công trình sư, kỹ sư và công nhân lành nghề của Liên Xô có mặt trên công trường, họ kề vai sát cánh vừa đào tạo vừa học hỏi, vừa làm việc, ngày ba ca bốn kíp, lao động quên mình, thể hiện sức mạnh Công trình Hữu nghị Việt – Xô và chống lũ thành công với khẩu hiệu “cao độ 81 hay là chết”. Đó là cuộc ngăn sông lớn nhất ở Việt Nam. Và rồi, 9 năm ròng rã, kể từ ngày khởi công công trình, cuối năm 1988, Tổ máy số 1 chính thức phát điện. Sau đó, lần lượt 7 tổ máy được phát điện và ngày 20-12-1994, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được khánh thành, đánh dấu mốc son lịch sử về sự trưởng thành vượt bậc của ngành thủy điện Việt Nam, ghi công chiến thắng đợt đầu chinh phục dòng sông Đà hung dữ.

 


Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Đình Nhân báo cáo về

tiến độ thực hiện công trình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 

Ngay từ khi đi vào vận hành, có thể thấy rằng, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình thực sự là một cơ sở công nghiệp năng lượng lớn và có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân, thủy điện Hòa Bình còn đóng vai trò là công trình thủy lợi, được thiết kế với cấp đặc biệt, có khả năng cắt lũ và chủ động điều tiết được dòng chảy trong mùa khô. Công trình hạn chế cơ bản những tác động xấu bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng hạ du. Ngoài ra, đập chắn nước tạo vùng hồ có chiều dài trên 200km và dòng chảy phía hạ lưu về mùa khô được cải thiện với lưu lượng lớn hơn dòng chảy từ nhiên giúp cho tàu thuyền đi lại dễ dàng, là cầu nối giao lưu kinh tế giữa khu vực Tây Bắc và Đông Bắc bộ thuận lợi hơn. Điều này cho thấy, Công trình Thủy điện Hòa Bình đã đóng vai trò tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người dân sinh sống ở đồng bằng Bắc bộ và miền núi Tây Bắc.

Từ năm 2012, sau khi Công trình Thủy điện Sơn La đi vào vận hành, với lợi thế là bậc thang dưới cùng, được thừa hưởng toàn bộ dung tích nước điều tiết từ các hồ chứa của các bậc thang thủy điện phía trên, nên sản lượng điện bình quân hàng năm của thủy điện Hòa Bình tăng lên thành 9 đến 10 tỷ kWh, đứng đầu trong tất cả các nhà máy thủy điện ở Việt Nam.

 


Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành (phải) 

trao tặng quà cho Quỹ an sinh xã hội tỉnh Hoà Bình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 

Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân khẳng định, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với Hệ thống điện Việt Nam, góp phần tăng hiệu quả sử dụng nguồn nước sông Đà, khai thác tối đa lượng nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của công trình hiện hữu. Cùng với Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ phải đảm nhận vai trò nặng nền hơn trong việc duy trì ổn định phương thức vận hành của hệ thống điện, đặc biệt là yêu cầu về điều chỉnh tần số, phủ đỉnh công suất cao điểm và khả năng phản ứng nhanh nhạy trước các tình huống khi có sự cố lớn trên hệ thống điện, tăng độ an toàn, ổn định và hiệu quả vận hành Hệ thống điện Quốc gia, đặc biệt, trong bối cảnh nguồn điện năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng cao trong hệ thống điện như hiện nay.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm và tặng quà CBCNV Công ty Thuỷ điện Hoà Bình. 
 

Giám đốc Ban Quản lý dự án Điện 1 Bùi Phương Nam cho biết, Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Nhà máy nằm trên địa bàn phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập đâng, đập tràn với công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện nay. Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 99,62 ha, trong đó có 69,30 ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ việc thi công xây dựng dự án. Hiện nay, hệ thống giao thông phục vụ thi công đã được EVN đầu tư nâng cấp đáp ứng yêu cầu triển khai công trình. Mặt bằng các hạng mục khởi công, như: Khu vực hố móng nhà máy, cửa nhận nước, bãi thải, khu vực phụ trợ, lán trại đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt phương án bồi thường và bàn giao cho Chủ đầu tư.

Dự án sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa. Theo tiến độ dự kiến, tổ máy 1 của dự án sẽ phát điện vào quý III năm 2024, tổ máy 2 sẽ phát điện và hoàn thành công trình vào quý IV năm 2024.

 


 Hiệu lệnh khởi công công trình. 

Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hiện nay, hệ thống điện quốc gia đã lớn mạnh nhưng vai trò vị trí của Công trình Thủy điện Hòa Bình không hề thay đổi, vẫn luôn là nguồn điện chiến lược đa mục tiêu quan trọng hàng đầu Việt Nam. Các thủy điện bậc thang trên sông Đà đi vào vận hành, hiệu quả khai thác của Nhà máy thủy điện Hòa Bình được tăng lên. Với việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, sẽ giúp cho thủy điện Hòa Bình trở thành Nhà máy thủy điện có hiệu quả nhất Việt Nam hiện nay.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần chủ động của EVN trong phát triển nguồn và lưới điện đáp ứng phát triển nền kinh tế trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, đã có những bước phát triển nhanh chóng và nhiều thành tựu quan trọng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao nhiều năm liên tục với mức tăng trưởng điện thương phẩm ở mức bình quân 9,7%/năm. Đến năm 2020, EVN đã đưa cung cấp điện đến 100% số xã; 99,54% số hộ dân và đưa điện đến 11/12 huyện đảo, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước; công nghệ tự động hóa, điều khiển xa, kỹ thuật số được ứng dụng rộng rãi vào hệ thống điện, hầu hết các trạm biến áp 110-220 kV đã thực hiện điều khiển xa không cần người trực; tổn thất điện năng giảm mạnh hàng năm, đến nay xuống dưới 6,5%, đứng thứ 3 khu vực ASEAN và đã tiệm cận mức của các nước phát triển; công tác dịch vụ khách hàng có nhiều đổi mới, ngày càng hiện đại và thuận tiện, các dịch vụ điện lực đã đạt cấp độ 4 về dịch vụ công trực tuyến và đã kết nối Cổng Dịch vụ công Quốc gia; chỉ số tiếp cận điện năng có bước tiến vượt bậc, xếp thứ 27/190 quốc gia, góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. 

 


Thiết bị, xe máy tham gia thi công công trình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc và khẩn trương của EVN, tỉnh Hòa Bình và các Bộ ngành liên quan trong triển khai đảm bảo tiến độ dự án. Thủ tướng nhấn mạnh, do công trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng nằm ngay cận đầu thành phố Hòa Bình nên việc thi công sẽ gặp nhiều khó khăn, vì vậy, Chủ đầu tư và các nhà thầu thi công cần phải đảm bảo an toàn và cảnh quan môi trường của thành phố. Cần tạo dựng hình ảnh một công trình thủy điện an toàn, có không gian xanh – sạch – đẹp và kiến trúc hiện đại nhằm góp phần vào việc xây dựng thành phố Hòa Bình sạch đẹp và văn minh.

Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình công nghiệp thuộc nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và giao Ban QLDA Điện 1 làm đại diện Chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư là 9220,83 tỷ đồng, trong đó EVN tự thu xếp khoảng 30% và 70% còn lại bao gồm: nguồn vốn vay thương mại trong nước là 4000 tỷ đồng do Ngân hàng Vietcombank thu xếp và vốn vay thương mại nước ngoài không có bảo lãnh chính phủ là 70 triệu EUR của Cơ quan phát triển Pháp (AfD). Dự án có tổng công suất đặt 480 MW, bao gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân hàng năm khoảng 488,3 triệu kWh/năm. Tư vấn thiết kế dự án là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1. Tổ hợp nhà thầu thi công xây lắp chính của dự án là liên danh các đơn vị: Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) - Công ty cổ phần xây dựng 47 - Công ty cổ phần Lilama 10. Sau khi hoàn thành công trình NMTĐ Hòa Bình mở rộng với công suất 480 MW sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ NMTĐ Hòa Bình đạt 2400 MW.

Nguồn:Theo VOV Sao chép liên kết
Tin liên quan