Quy hoạch điện VII: Nhiều cơ chế tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

Nhìn lại 10 năm thực hiện Quy hoạch điện VII, Việt Nam đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế cũng như sinh hoạt của nhân dân.


Ảnh minh họa.
 

Đây là tiền đề quan trọng để Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng Quy hoạch điện VIII trong giai đoạn tiếp theo.

Nhiều thành quả

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016 - 2020 trên toàn hệ thống là 21.650MW; trong đó, các nguồn điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư 7.185MW (33,2%), các nguồn điện do doanh nghiệp (DN) khác đầu tư 14.465MW (66,8%). Lưới điện đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, có liên kết với các nước trong khu vực; đảm bảo cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo; trong đó lưới điện truyền tải 500kV đạt 2.746km, lưới điện 220kV đạt 7.488 km; tổng dung lượng các trạm biến áp (TBA) đạt 61.666MVA.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện (không tính các nguồn điện được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT) giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 858.660 tỷ đồng (tương đương gần 40 tỷ USD, trung bình 7,9 tỷ USD/năm). Trong đó, 75% cho đầu tư phát triển nguồn điện; 25% cho đầu tư phát triển lưới điện.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, sau 10 năm thực hiện Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Hệ thống điện được vận hành ổn định, an toàn và tin cậy, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Cơ cấu nguồn theo chủ sở hữu khá đa đạng, có sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư tư nhân. Chỉ số tiếp cận điện năng đã có bước tiến vượt bậc, trong vòng 5 năm (2013-2018) đã cải thiện 129 bậc, vươn lên vị trí 27/190 quốc gia và nền kinh tế vào năm 2019 và hiện đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.

Cụ thể, tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh, tăng 2,35 lần so với năm 2010. Hạ tầng cung cấp điện được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao thời gian qua; nguồn điện các loại đạt 93,7% tổng công suất đặt so với quy hoạch; lưới điện truyền tải được xây dựng khoảng 70 - 90% của cả giai đoạn 2016 - 2020.

Công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo được chú trọng và thực hiện vượt chỉ tiêu của Đảng và Chính phủ đề ra, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo.

Thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1) hoàn chỉnh đã chính thức vận hành ngày 01/7/2012 và đạt được các kết quả tích cực. Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2) được vận hành thử nghiệm từ 2017 - 2018 và vận hành chính thức từ ngày 01/1/2019

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn điện truyền thống gặp nhiều khó khăn, điện hạt nhân đã dừng, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu đề xuất cho Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo nhằm bổ sung nguồn điện cho nền kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết quả, đến cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam đã đạt trên 8.000MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất đặt của hệ thống điện.

Tiếp tục đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song dự báo, giai đoạn 2021 – 2030, với tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu thụ điện vẫn tăng cao. Để đáp ứng yêu cầu này, ngay từ năm 2019, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch điện VIII với nhiều điểm mới, khắc phục những tồn tại của Quy hoạch điện VII.

Nếu như Quy hoạch điện VII được xây dựng với các quan điểm khá cứng, từ quy mô, tiến độ và vị trí triển khai dự án, thậm chí cả nhà đầu tư phát triển các dự án... và phải điều chỉnh nhiều lần. Do đó, việc phát triển nguồn và lưới điện có phần hạn chế như nhiều dự án chậm tiến độ, tốc độ phát triển lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về phát triển năng lượng tái tạo…

Chính vì vậy, Quy hoạch điện VIII đã được nghiên cứu, cải tiến, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi trong giai đoạn mới đó là đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ; phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo và hạn chế phát triển nhiệt điện than gắn với khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện. Theo đó, nguồn phát điện sẽ theo hướng đa dạng hơn để đảm bảo an ninh cung cấp điện, cơ cấu và phân bổ hợp lý hơn trong từng khu vực, vùng/miền và trên toàn quốc. Chương trình phát triển lưới điện sẽ được xây dựng để đảm bảo đáp ứng được tiêu chí N-1, riêng đối với các thành phố lớn, mật độ phụ tải cao, lưới điện sẽ được xây dựng để đáp ứng tiêu chí N-2. Việc phát triển lưới điện được thiết kế đảm bảo giải tỏa các trung tâm nguồn lớn, các trung tâm năng lượng tái tạo, các nguồn điện gió xa bờ quy mô lớn… Lưới điện nông thôn tiếp tục được cải tạo nâng cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân.

Theo Chương trình phát triển nguồn điện giai đoạn tới năm 2030, được dự báo ở mức khoảng 8,6% giai đoạn 2021 - 2025 và 7,2% trong giai đoạn 2026 - 2030. Dự kiến, tổng công suất nguồn điện sẽ tăng thêm khoảng gần 80.000MW so với năm 2020, trong đó các nguồn điện lớn như nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến sẽ tăng thêm khoảng trên 30.000MW; các nhà máy điện gió và điện mặt trời dự kiến tăng thêm khoảng gần 30.000MW.

Tới năm 2030, công suất đặt toàn hệ thống dự kiến đạt khoảng 138.000MW và tới năm 2045, khoảng 302.000MW, trong đó ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng từng vùng/miền bảo đảm an toàn hệ thống; nhiệt điện than có xu hướng giảm dần, tăng nhanh nhiệt điện khí trong cơ cấu phát triển nguồn điện. Mức phát thải khí CO2 sẽ giảm dần, đáp ứng các chỉ tiêu mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế.

Để thực hiện các mục tiêu trên, trong Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương cũng đề xuất nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành điện bền vững.

Nguồn:Theo: Báo Công Thương Sao chép liên kết
Tin liên quan