Lọc ảo để tuyển sinh thuận lợi

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trước 17 giờ ngày 16/9, khi kết thúc quá trình lọc ảo từ hệ thống của Bộ GD&ĐT, các trường đại học (ĐH) công bố điểm chuẩn trúng tuyển cho thí sinh.

Mỗi thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển duy nhất một nguyện vọng xét tuyển vào đại học

Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng tăng cao

Một số trường trong nhóm lọc ảo miền bắc đã công bố điểm chuẩn vào các ngành theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ngay trong tối 15/9 để thí sinh được biết. Cụ thể, đến 19 giờ ngày 15/9, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã công bố điểm trúng tuyển vào trường năm 2021. Một số ngành có điểm chuẩn tương đối cao như Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng với 28,3 điểm, Kinh doanh quốc tế với 28,25 điểm, Kiểm toán với 28,1 điểm. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng công bố điểm chuẩn trúng tuyển hệ đại học chính quy năm 2021 với điểm chuẩn ngành Sư phạm tiếng Anh là cao nhất với 28,53 điểm.

Theo công bố mới cập nhật của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, điểm trúng tuyển các nhóm ngành tại trụ sở chính Hà Nội và cơ sở II - TP Hồ Chí Minh tương đối đồng đều và có mức điểm thấp nhất là 28,05 của tổ hợp A00; điểm trúng tuyển của các ngành tuyển sinh tại cơ sở Quảng Ninh (ngành Kế toán, ngành Kinh doanh quốc tế) cho các tổ hợp A00, A01, D01, D07 đều là 24 điểm. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có điểm chuẩn ngành cao nhất là 28,4 điểm.

Trước đó, chiều ngày 15/9, Trường ĐH Nha Trang đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT, theo đó, điểm dao động từ 15 - 24.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những tưởng thí sinh sẽ ít điều chỉnh theo hướng tăng thêm nguyện vọng (NV). Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT cùng nỗ lực của các sở GD&ĐT địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để thí sinh điều chỉnh NV. So sánh với con số thống kê năm ngoái, số thí sinh cũng như tỷ lệ thí sinh điều chỉnh NV năm nay tăng vọt. Năm 2020, cả nước chỉ có 220.000 thí sinh điều chỉnh NV, chiếm 34% thí sinh đăng ký xét tuyển. Điều này cũng có nghĩa số thí sinh ảo cũng sẽ tăng lên.

Năm 2021, Bộ GD&ĐT đã xây dựng hệ thống xét tuyển, lọc ảo chung toàn quốc, cùng với hai nhóm xét tuyển, lọc ảo phía bắc gồm 54 trường do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì; và phía nam có 89 trường do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì. Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho các trường về thông tin tuyển sinh trên Cổng thông tin tuyển sinh, thống kê NV thí sinh, phần mềm xét tuyển (các trường phải cập nhật đúng phiên bản phần mềm xét tuyển), lọc ảo... để giúp các trường thực hiện tuyển sinh thuận lợi.

Theo đó, các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu, xác định điểm trúng tuyển vào các ngành/nhóm ngành đào tạo. Nếu các trường xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát thực tế, dẫn đến tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì nhà trường, cá nhân liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo Điều 29 của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Những trường tuyển không đủ chỉ tiêu trong đợt 1 có thể tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung. Các nhóm trường xét tuyển, lọc ảo và tất cả các trường (trong và ngoài nhóm trường xét tuyển) phải chủ động trong quá trình tuyển sinh và tương tác với phần mềm xét tuyển, lọc ảo theo lịch chung.

PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Khác với hệ thống xét tuyển, lọc ảo chung toàn quốc của Bộ GD&ĐT, nhóm các trường lọc ảo phía bắc tham gia chỉ có tính chất nội bộ. Tuy nhiên, về cơ bản trong nhóm sẽ không có thí sinh ảo. Phần mềm làm việc theo nguyên tắc: Xét NV của thí sinh đến khi nào trúng tuyển thì ngừng. Như vậy, sẽ không có trường hợp thí sinh trong nhóm trúng tuyển nhiều ngành, nhiều trường, mà chỉ có thể trúng tuyển một ngành của một trường.

Tham gia nhóm xét tuyển miền bắc, các trường sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức trong lọc ảo. Ngoài ra, các trường có thể thay đổi phương án xét tuyển linh hoạt và được thực hiện bằng phương thức trực tuyến. Căn cứ chỉ tiêu, số lượng đăng ký xét tuyển nguyện vọng, phần mềm sẽ xử lý, xác định điểm chuẩn và tìm ra những thí sinh trúng tuyển. “Hệ thống phần mềm này sẽ giúp 54 trường thành viên tốn ít công sức nhất trong việc bảo đảm chỉ tiêu và điểm chuẩn. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ảo trong toàn miền bắc và hỗ trợ giảm tải lọc ảo cho Bộ GD&ĐT”, PGS, TS Nguyễn Phong Điền khẳng định.

Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một trường duy nhất

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Quy chế tuyển sinh cũng quy định các trường nhập thông tin/ danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học lên hệ thống để không tham gia xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trên thực tế, một thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường, ngành khác nhau nhưng qua hệ thống lọc ảo chung, thí sinh chỉ trúng tuyển duy nhất vào một trường ĐH với NV ưu tiên cao nhất có thể. Với những quy định và sự hỗ trợ này, các trường hoàn toàn có thể yên tâm, không gặp khó khăn trong việc tuyển sinh.

Trong việc xét tuyển, lọc ảo, nhà trường cần thực hiện đầy đủ các bước theo thời gian quy định, bảo đảm tính đồng bộ toàn hệ thống. Các trường phải tuân thủ thời gian lọc ảo của Bộ GD&ĐT và nguyên tắc: Đến thời gian lọc ảo ở lần tiếp theo nếu trường không tải kết quả dự kiến để lọc ảo thì hệ thống sẽ sử dụng kết quả dự kiến ở bước lọc ảo trước đó để lọc. Tuy nhiên, các trường cần lưu ý, phần mềm lọc ảo chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà trường gửi lên hệ thống, không có chức năng điều chỉnh chỉ tiêu, điểm chuẩn mà trường đã xác định.

Đặc biệt, các trường phải tuân thủ và thống nhất thực hiện quy định: Danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào trường là danh sách thí sinh được phần mềm lọc ảo toàn quốc gửi lại trường (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do trường tải lên hệ thống) sau khi lọc ảo lần cuối vào ngày 15/9, nhà trường tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.

Nguồn:Theo Nhân dân Sao chép liên kết
Tin liên quan