Khẩn trương tìm giải pháp mở cửa lại trường học

Việc xuất hiện ổ dịch trong trường học thời gian gần đây khiến nhiều người lo ngại về vấn đề cho học sinh trực tiếp đến trường khi SARS-CoV-2 vẫn thường trực. Mở cửa trường học trở lại đang là vấn đề được quan tâm khi cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì, Phú Thọ

Việc xuất hiện ổ dịch trong trường học thời gian gần đây khiến nhiều người lo ngại về vấn đề cho học sinh trực tiếp đến trường khi SARS-CoV-2 vẫn thường trực. Mở cửa trường học trở lại đang là vấn đề được quan tâm khi cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Diễn biến phức tạp

Sau ghi nhận 37 học sinh, giáo viên mắc Covid-19 từ ổ dịch trong cộng đồng, UBND thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa mới đây đã quyết định cho hơn 15.000 học sinh các cấp tạm dừng đến trường. Theo thống kê của y tế địa phương, số học sinh và cán bộ, giáo viên ở Bỉm Sơn thuộc diện F1 lên đến gần 2.800 người, còn F2 hơn 3.900 người. Ổ dịch này được phát hiện ngày 14/10, sau khi một cặp vợ chồng dương tính với SARS-CoV-2, có yếu tố dịch tễ phức tạp, đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Ngành giáo dục thị xã Bỉm Sơn, đang lên phương án tổ chức dạy học trực tuyến. Theo kế hoạch, lớp 1, 2 sẽ được ưu tiên dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này. Học sinh từ lớp 3 sẽ tổ chức dạy trực tuyến là chủ đạo, bổ trợ bằng các kênh giáo dục truyền hình.

Tại tỉnh Phú Thọ, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh, đến chiều 18/10, có 46 học sinh ở thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao và Phù Ninh mắc Covid-19. Ðáng chú ý, trong số này có chùm ca mắc tại Trường THCS Chu Hóa (thành phố Việt Trì) có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao. Trước diễn biến dịch có chiều hướng lây lan ra nhiều trường học, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh này tiếp tục có công văn yêu cầu các trường học trên địa bàn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà trường. Do có nhiều trường hợp F1, F2 liên quan nên sở cũng quyết định cho học sinh trên địa bàn huyện Phù Ninh và Tam Nông tạm dừng đến trường kể từ ngày 19/10.

Trong bối cảnh giáo viên, nhân viên các trường học ở nhiều nơi chưa được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19, việc triển khai tiêm vaccine cho các em cũng chưa được tiến hành, rất nhiều phụ huynh lo ngại việc cho con em trở lại trường. Chia sẻ của một hiệu trưởng trường THPT tại quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh), qua khảo sát nhanh tại trường, một trong những điều phụ huynh quan tâm nhất khi cho con trở lại học trực tiếp là trường học phải "sạch virus", nhất là những trường từng được bố trí làm điểm cách ly hay tiêm phòng. Có đến gần 70% số phụ huynh muốn cho con học online đến hết học kỳ 1, hoặc tới khi các em đã được tiêm vaccine đầy đủ, vị hiệu trưởng cho biết.

Tạo "bong bóng trường học"

Ngày 19/10, sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Ðào tạo ban hành Công văn số 4726 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Theo đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh đến lớp học trực tiếp, bảo đảm an toàn tại các cơ sở giáo dục; ưu tiên tiêm đủ liều vaccine cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên phục vụ. Các trường học được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung cần sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại… Trong đó, đối với các địa bàn cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình), tổ chức dạy học trực tiếp; sẵn sàng chuyển sang các hình thức khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ðây được xem là căn cứ thống nhất để UBND các tỉnh, thành phố ra quyết định mở cửa lại trường học thời gian tới. Tại Hà Nội, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Ðào tạo thì thành phố nay có 100% số xã, phường đã được phân cấp độ vùng dịch không có vùng đỏ, đủ điều kiện cho học sinh đi học trực tiếp. Tuy nhiên, Sở vẫn đang nghiên cứu để đưa ra phương án cho học sinh trở lại trường một cách phù hợp và an toàn nhất trong điều kiện bình thường mới.

Tương tự tại TP Hồ Chí Minh, từ ngày 20/10 cho học sinh trường tiểu học và THCS - THPT tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ đến trường học trực tiếp. Như vậy, khoảng 250 học sinh và 67 giáo viên, nhân viên của các trường học này là những học sinh, giáo viên đầu tiên của TP Hồ Chí Minh trở lại trường học trực tiếp sau thời gian ngừng đến trường do dịch Covid-19. Tuy vậy, theo Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng, thành phố đang có dịch ở cấp độ 2 do đó, kế hoạch dự kiến mở cửa trường trở lại từ tháng 1/2022, được xây dựng trước đó, hiện chưa thay đổi.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cùng với việc bảo đảm an toàn khi mở cửa lại trường học, cần có chính sách khắc phục ngay khoảng cách học tập từ hai góc độ. Một là, nhận dạng và đánh giá sự thiếu hụt học tập trong học sinh, sinh viên để có giải pháp khắc phục ngay khi học sinh quay lại trường, đặc biệt đối với nhóm dễ bị tổn thương. Hai là, lường trước số lượng và tỷ lệ học sinh bỏ học do Covid-19 để có giải pháp thiết thực khuyến khích các em quay lại trường.

Còn theo chuyên gia y tế, PGS, TS Nguyễn Huy Nga, trẻ em nếu mắc Covid-19 tỷ lệ chuyển nặng chiếm tỷ lệ thấp hơn so với người lớn. Tuy nhiên, để đến trường an toàn và không phải "đóng băng" toàn bộ nhà trường, mỗi trường cần phải có kế hoạch phòng, chống dịch và học sinh khi đi học cần tuân thủ 5K. "Ðể bảo đảm an toàn, các tỉnh, thành phố có thể tạo các "bong bóng trường học", tức là thầy, cô giáo và nhân viên trong trường phải tiêm đủ hai mũi vaccine, thực hiện nghiêm ngặt 5K, sẽ tạo được khu vực an toàn, không có nguy cơ lây nhiễm", vị chuyên gia nói.

Dựa vào kinh nghiệm các nước, nếu mở cửa trường học trở lại chúng ta cần cân nhắc các vấn đề: thời điểm (dựa vào tình hình dịch bệnh, vaccine), kế hoạch cách ly, thủ tục đón học sinh vào lớp mỗi ngày, vấn đề vệ sinh phòng học, kiểm tra sức khỏe và sàng lọc y tế, giới hạn số người trong lớp, tiếp xúc khi ăn uống chung, các biện pháp 5K, phản ứng khi có ca nhiễm, bố trí lớp học, quản lý giờ ra chơi, giãn cách vật lý.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em tại nước ta đang được gấp rút chuẩn bị. Hiện Bộ Y tế chưa quyết định lựa chọn vaccine nào để tiêm cho trẻ em, nhưng bộ sẽ sử dụng những vaccine phòng Covid-19 đã được nghiên cứu kỹ lưỡng để tiêm chủng an toàn cho trẻ. 

Nguồn:Theo: Báo Nhân Dân Sao chép liên kết
Tin liên quan