Karaoke xin được mở cửa, người hát đeo khẩu trang

Sau thời gian dài phải tạm dừng hoạt động, các chuỗi karaoke tại TP.HCM đang dần kiệt quệ, có nơi đóng cửa trả mặt bằng, có nơi phải mở quán bán thức ăn mang về.

Dù TP.HCM đã mở cửa trở lại cho một số hoạt động kinh doanh nhưng các chuỗi, cửa hàng đơn lẻ trong lĩnh vực Karaoke vẫn đóng cửa, một số khác chuyển hướng kinh doanh.

Karaoke đóng cửa nhiều chi nhánh

Ông Lê Hoàng Việt, quản lý chuỗi karaoke Nnice Premier cho hay, chuỗi này đã quyết định dừng hẳn chi nhánh trên đường Điện Biên Phủ (quận 3, TP.HCM), dù đây được coi là chi nhánh trọng điểm của hệ thống khi chưa có dịch COVID-19. 

Trong suốt hai năm qua, hệ thống đã liên tục đóng, mở cửa theo ảnh hưởng của dịch COVID-19.

"Hiện nay Nnice còn 7 chi nhánh, ước tính chi phí để chi trả cho 7 chi nhánh này tốn cả tỉ đồng/tháng. 

Mặc dù, chúng tôi được các chủ mặt bằng hỗ trợ rất nhiều về chi phí thuê, có nơi giảm đến 80% nhưng doanh thu trong suốt 4-5 tháng nay đều bằng 0. 

Ban lãnh đạo của Nnice phải bỏ tiền túi cũng như vay ngân hàng để chi trả cho tiền mặt bằng, đồng thời trợ cấp cho nhân viên.

Chúng tôi vẫn hi vọng sớm có hướng dẫn về việc mở cửa trở lại để doanh nghiệp có thể phục hồi kinh tế" - ông Việt chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện chuỗi karaoke Icool cho biết, kể từ công văn dừng hoạt động karaoke đầu tiên vào tháng 3-2020 thì tính tới thời điểm hiện tại ngành này đã phải đóng cửa hơn 9 tháng.

Karaoke xin được mở cửa, người hát đeo khẩu trang - ảnh 1
Karaoke phải đóng cửa nhiều tháng trời do dịch COVID-19. Ảnh: Nguyễn Yên

"Chúng tôi không có nguồn thu nhưng các chi phí vẫn phát sinh để duy trì cơ sở hàng tháng. Khả năng thanh toán cho nhà cung cấp, chủ nhà, lãi vay ngân hàng đã không còn nữa.

Chi phí hỗ trợ cho hơn 600 nhân viên và cộng tác viên cũng vượt ngoài khả năng. Nếu tình trạng đóng cửa kéo dài, chuỗi 20 chi nhánh sẽ rơi vào tình trạng kiệt quệ, ICOOL đành phải đóng cửa" - đại diện hệ thống chia sẻ.

Dù đơn vị này vẫn đang nỗ lực đàm phán với các chủ nhà để giữ được 20 chi nhánh hiện có nhưng vị đại diện cho hay doanh nghiệp đang phải vay mượn để trợ cấp cho nhân viên và duy trì các cơ sở, máy móc.

Mới đây, để có thêm một phần kinh phí bù cho việc chăm sóc thiết bị, Icool đã phải chuyển sang bán thức ăn mang về ở chi nhánh Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) dù trung bình mỗi ngày quán chỉ thu được từ 2,5-3 triệu đồng.

Đại diện một chuỗi kinh doanh karaoke bị ảnh hưởng nặng trong đợt dịch, ông Tạ Quang Hùng, Giám đốc Marketing tại Kingdom cho biết trước dịch hệ thống có gần 10 chi nhánh. Thế nhưng từ năm ngoái đến nay, hệ thống chỉ còn ba cơ sở gồm một quán karaoke và hai nhà hàng.

Hiện nay để duy trì kinh tế, Kingdom phải đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ở hai nhà hàng với hình thức bán mang về, đồng thời làm thêm mảng bất động sản và thực phẩm đông lạnh.

"Dù vậy, những lĩnh vực này không thể giúp nuôi cả hệ thống" - đại diện Kingdom nói.

Đề xuất mở cửa hoạt động từ 30-10

 Trước những khó khăn trên, hệ thống Karaoke Icool đã có công văn gửi Chủ tịch UBND TP.HCM về việc đề xuất mở cửa hoạt động lại ngành này từ 30-10.

Doanh nghiệp này cho rằng karaoke không phải là môi trường nguy hiểm, bởi nhóm người đi hát đều quen biết nhau và hát trong các phòng riêng tách biệt.

Mỗi lượt hát đều được thay bọc mic và người hát vẫn đeo khẩu trang. Đồng thời, không gian các chi nhánh đều rộng và có thể giới hạn số người theo quy định của Bộ Y tế.

Do đó, ICOOL đã đại diện cho nhiều doanh nghiệp karaoke gia đình khác, đề xuất được hoạt động trở lại từ ngày 31-10 với 10 biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho khách hàng và nhân viên. Trong số này có quy định chỉ nhận khách có thẻ xanh.

Phía Nnice cũng thông tin đã soạn sẵn đơn kiến nghị, chỉ chờ thời điểm thích hợp gửi đi.

"Hiện nay chúng tôi vẫn đang quan sát và chờ xem hướng dẫn mới của UBND TP trước nghị quyết số 128 của Chính phủ. Chúng tôi vẫn luôn bảo trì máy móc, thiết bị và sẵn sàng nhân lực để hoạt động trở lại" - ông Việt nói.

Với Nghị quyết 128 về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", các cơ sở karaoke sẽ được hoạt động hoặc hoạt động hạn chế khi dịch ở cấp độ 1.

Dịch vụ này sẽ ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế ở cấp độ 2 và không được hoạt động ở các cấp độ 3, 4. Với tình hình tại TP.HCM hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này kỳ vọng sẽ sớm được đón khách trở lại.

Tác giả: THU HÀ
Nguồn:plo.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51