Hình ảnh đầu tiên khi đặt chân tới TP.HCM khiến bác sĩ nhói lòng

Hai tháng cùng các đồng nghiệp “chiến đấu” tại tâm dịch TP.HCM là những hồi ức khó quên với bác sĩ Nguyễn Thế Thiêm, thành viên đoàn chi viện Quảng Ninh.

Đến TP.HCM, tôi cảm nhận được sự khốc liệt của Covid-19

“Tôi đã từng đến TP.HCM công tác rất nhiều lần, nhưng đợt này vào chi viện, thực sự không thể tưởng tượng nổi thành phố lại thay đổi tới như vậy.

Bước xuống máy bay, cả sân bay vắng tanh. Các quầy hàng đóng kín, không khí ảm đạm. Di chuyển vào thành phố, đường sá không một bóng người. Chỗ nào cũng thấy dây giăng, rào thép gai và các chốt có công an, bộ đội, dân phòng đứng gác. Ngoài xe của chúng tôi, trên đường chỉ toàn xe cứu thương chạy ngược xuôi, vội vã.

Tới sân bệnh viện, lúc ấy tôi mới bắt đầu thấy người TP.HCM.

Xe bus chở bệnh nhân nối đuôi nhau đỗ xuống sân bệnh viện, mỗi xe khoảng 15-20 người. Trong sân lúc ấy có tới 30 xe như thế. Bà con lần lượt bước xuống xe, đi qua khu vực sàng lọc, đón tiếp rồi được chuyển tới khu buồng bệnh.

TP.HCM vốn đông đúc, thế mà thật buồn là giờ chỉ có thể gặp người dân trong bệnh viện. Chúng tôi đã có thời gian dài điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh, nhưng đến lúc ấy mới thực sự cảm nhận được sự khốc liệt của Covid-19.…”

Đã nhiều tháng trôi qua, hình ảnh về TP.HCM những ngày cuối tháng 7 vẫn in sâu trong ký ức của bác sĩ Nguyễn Thế Thiêm, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Ngày 30/7, bác sĩ Thiêm cùng các đồng nghiệp lên đường vào TP.HCM chi viện chống dịch Covid-19. Đoàn y bác sĩ Quảng Ninh gồm 75 người, nhận nhiệm vụ điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 12, TP Thủ Đức. Bệnh viện công suất tối đa 1.200 - 1.500 giường, mỗi ngày tiếp nhận cả trăm F0 mới.

Bác sĩ Thiêm kể, bệnh nhân thường vào viện theo gia đình khoảng 4 - 5 người, nhưng không thể ở cùng nhau. Những ca nhẹ sẽ được theo dõi tại tầng điều trị 1, 2, còn ca nặng phải chuyển tuyến tới cơ sở y tế thuộc tầng 3, 4. Do vậy, tình trạng con đi tìm cha, mẹ đi tìm con, cháu đi tìm ông diễn ra “như cơm bữa”.

“Bệnh nhân liên tục hỏi chúng tôi về tin tức người thân. Mà số lượng F0 khi ấy quá lớn, mỗi ngày có rất nhiều câu hỏi như thế. Nhiều hôm tới 2h đêm vẫn có cuộc gọi, chúng tôi lại tiếp tục tìm kiếm để họ an tâm”, anh Thiêm nói.

Điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 12, TP Thủ Đức - Ảnh: BSCC

Mỗi phòng bệnh sắp xếp từ 6-8 người, đa số không quen biết. Ngoài điều trị, nhân viên y tế phải giải quyết rất nhiều chuyện bên lề khác để bệnh nhân thoải mái hơn.

“Bệnh nhân này ho nhiều quá, bệnh nhân kia xem phim suốt đêm, đi lại liên tục nên người cùng phòng khó chịu. Những chuyện này chúng tôi đều phải tìm cách sắp xếp. Rồi có người chê đồ ăn chán, không chịu ăn; có người gào thét, chửi bới ầm ĩ. Có người ủ rũ, tâm trạng bất ổn. Bác sĩ phải động viên, giải quyết tất cả vấn đề tâm lý cho họ, song song xử lý tình huống bệnh”, bác sĩ Thiêm chia sẻ.

Anh đùa vui, thời điểm “rút quân”, về cách ly tại Quảng Ninh, anh mới có thể ngủ đủ 8 tiếng/ngày. Còn ở trong tâm dịch, mỗi ngày chỉ ngủ trung bình 3-4 tiếng, có hôm thậm chí không ngủ do phải hỗ trợ các ca cấp cứu.

Ở bệnh viện dã chiến không tồn tại khái niệm ngày đêm. Nhiều lúc nửa đêm, vừa chợp mắt, lại có bệnh nhân gọi chỉ để hỏi… “Internet ở bệnh viện truy cập thế nào”.

Khi bác sĩ là gia đình…

Bệnh viện Dã chiến số 12 được xây dựng tại một khu chung cư, không có các bệnh phòng với hệ thống tách biệt như cơ sở y tế thông thường. Bởi vậy ở khu vực cấp cứu, bệnh nhân có thể chứng kiến hết mọi diễn biến của những người xung quanh, thấy cả những trường hợp không may mắn qua đời.

Đa số bệnh nhân rất sốc, ám ảnh, có người run bần bật, co rút vì sợ hãi. Bác sĩ Thiêm tâm sự, ngoài việc cấp cứu ca nặng, kíp phải chia nhau động viên những người bệnh cùng phòng: “Cô nhắm mắt vào nhé, không sao đâu. Chỉ cần cô chịu khó uống thuốc, chăm vận động hơn, cô sẽ khỏi nhanh thôi”.

Với anh Thiêm và các đồng nghiệp, bệnh nhân cũng giống như người thân. Những bệnh nhân không thể tự chăm sóc, y bác sĩ thay nhau bón từng thìa thức ăn, giúp đỡ họ thay quần áo, lau rửa, gội đầu.

“Nhiều khi không cần người bệnh nói cảm ơn, chỉ một ánh mắt xúc động hay nghe họ vui vẻ nói: “Nay cô ổn rồi cháu ạ”, chúng tôi thấy bao mệt mỏi tan biến hết, có mệt hơn nữa cũng vẫn chiến đấu được “, bác sĩ Thiêm chia sẻ.

Vui nhất là khi lần lượt từng F0 khỏi bệnh, được trở về với gia đình. Họ thường quay lại các clip cả nhà sum họp để gửi y bác sĩ, hoặc liên tục mời bác sĩ khi có thể hãy tới thăm nhà.

Ngày ra viện của các F0 điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 12 - Ảnh: BSCC

Bác sĩ Thiêm nhớ nhất một nam bệnh nhân trung tuổi, xin ở lại bệnh viện dù đã được điều trị khỏi. Người đàn ông tâm sự, ở viện anh còn được ăn uống, có chỗ ở, nếu về thì không biết đi đâu. Hỏi ra mới biết nhà anh chỉ có hai mẹ con, người mẹ vừa mất ở quê, anh muốn về thắp hương cho mẹ nhưng không thể. Còn về nhà trọ ở TP.HCM thì họ không đồng ý cho vào, mà cũng không còn gì để ăn vì thu nhập không có.

Các bác sĩ lại góp gạo, bánh kẹo, đồ ăn và giúp đỡ bệnh nhân để có chỗ ở ổn thỏa.

Anh Thiêm kể, bệnh viện dã chiến được một số nhà hảo tâm tới hỗ trợ thêm đồ ăn, hoa quả, nước giải khát. Bác sĩ giữ lại một phần, còn một phần chia đều cho người bệnh.

Giọt nước mắt nơi tâm dịch

“Cuộc chiến này rất phức tạp. Khi đi, chúng tôi cũng nghĩ là sẽ nhanh thôi, chắc chỉ khoảng 1 tháng tới hơn 1 tháng. Nhưng đến 2 tháng, gần 3 tháng rồi, ai cũng nhớ nhà. Nhất là anh em toàn những người trẻ, con còn rất nhỏ nên nỗi nhớ gia đình càng nhiều hơn”, anh Thiêm nói.

Ngày Vu lan báo hiếu, ngày con nhập trường, Tết Trung thu, bác sĩ Thiêm không ít lần thấy các đồng nghiệp của mình đứng trầm ngâm, nhìn xa xăm. Có người không giấu được xúc động, bật khóc khi nhìn con qua màn hình điện thoại.

“Chắc phải đến 2/3 trong chúng tôi từng rơi nước mắt. Nhất là khi nghe tin con ốm, hay ngày giỗ cha mẹ, rồi ngày sinh nhật con. Đảm bảo phòng dịch nên anh em không tụ tập, bởi vậy mỗi khi có thể đều động viên nhau cố gắng, rồi thấy clip nào vui vui lại chia sẻ, trêu đùa để người kia quên đi nỗi buồn”, anh Thiêm kể.

Bệnh viện chia tua trực thành 3 ca 4 kíp, tuy nhiên theo bác sĩ Thiêm, những hôm có đông bệnh nhân, dù không phải ca trực, anh em vẫn sẵn sàng mặc đồ bảo hộ, tiếp tục vào buồng bệnh để san sẻ với đồng nghiệp. Đã có nhân viên y tế ngất xỉu vì gắng sức cấp cứu bệnh nhân…

Giờ chào cờ của các y bác sĩ tại tâm dịch - Ảnh: BSCC

Bác sĩ Thiêm tâm sự, khi lên đường, mỗi bác sĩ chỉ xách theo một chiếc vali nhỏ nhưng tinh thần chiến đấu thì “to gấp nhiều lần chiếc vali”. Họ xác định, dù nhiều thử thách ra sao cũng phải thắng lợi mới trở về.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10, tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM đã dần lắng, các ca bệnh giảm đáng kế, các đoàn y bác sĩ chi viện bắt đầu “rút quân”.

Ngày 30/9, anh Thiêm kết thúc nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12, lên đường trở về Quảng Ninh. Ngày về, toàn bệnh viện chỉ còn điều trị khoảng 500 F0, giảm đáng kể so với con số 1.300 F0 những ngày cao điểm dịch bệnh. Khoảng sân từng có những chiếc xe cấp cứu nối dài với hình ảnh bà con “nườm nượp” nhập viện đã vắng lặng hơn.

Ngoài khuôn viên bệnh viện, đường phố TP.HCM bắt đầu đông đúc, dây giăng, rào thép gai thưa thớt dần.

“Giờ phút ấy, tôi cảm thấy tự hào dù mình chỉ là một hạt cát nhỏ bé, chỉ đóng góp một phần rất nhỏ nhoi. Thành phố đã ổn định hơn, cuộc sống người dân có thể sớm trở lại bình thường”, bác sĩ Thiêm nói.

Hiện tại, anh Thiêm đã kết thúc thời gian cách ly, trở về với cuộc sống bình thường. Anh kể, sau khi hết cách ly, việc đầu tiên anh làm khi về nhà là giúp vợ con sửa lại hệ thống nước rò rỉ, cái bóng điện bị hỏng trong những ngày anh đi chống dịch.

Tác giả: Nguyễn Liên
Nguồn:Vietnamnet Sao chép liên kết
Tin liên quan