Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt tăng mạnh

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc xanh áp đảo trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới trong tuần qua (từ 19 đến 25-8) đẩy chỉ số MXV-Index tăng 1,4% lên 2.135 điểm, giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt tăng mạnh.

26.8-cn.png

Bảng giá nguyên liệu công nghiệp tuần từ 19-8 đến 25-8. Nguồn: MXV

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, 9/9 mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp đồng loạt tăng giá. Trong đó, giá một số mặt hàng chủ lực tăng đột biến.

Giá cà phê Robusta hợp đồng tháng 11 tăng mạnh 5,91%, lập đỉnh lịch sử mới; trong khi giá cà phê Arabica tăng thêm 1,31%, lên mức cao nhất trong 5 tuần qua.

Dự báo không khí lạnh tăng cường sẽ khiến nhiệt độ Brazil giảm xuống và xuất hiện mưa lớn hơn mức bình thường. Điều này có thể gây sương giá làm giảm triển vọng nguồn cung vụ cà phê mới và tạo hỗ trợ với giá.

Với cà phê Robusta, tình trạng nguồn cung khan hiếm tại Việt Nam cũng đang hỗ trợ giá mặt hàng này. Ghi nhận trong sáng nay (26-8), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cao hơn khoảng 1.700 đồng/kg so với cùng thời điểm tuần trước, dao động 119.000 - 119.800 đồng/kg.

Đóng cửa, giá ca cao tăng 10,2% lên mức 7.811 USD/tấn. Sản lượng thu hoạch thấp, nguồn cung khan hiếm đã giữ giá ca cao neo bền bỉ ở vùng giá cao.

Ngoài ra, giá bông bật cũng tăng hơn 5% trong tuần qua, từ mức thấp nhất gần 4 năm. Đồng USD suy yếu tạo điều kiện để lực mua trở lại chiếm ưu thế.

26.8-kl.png

Bảng giá kim loại tuần từ 19-8 đến 25-8. Nguồn: MXV

Khép lại tuần giao dịch vừa qua, bảng giá kim loại giữ vững sắc xanh trong bối cảnh đồng USD tiếp tục lao dốc và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi những tín hiệu cho thấy đã sẵn sàng cắt giảm lãi suất.

Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim đều hướng đến tuần tăng giá thứ hai liên tiếp, với mức tăng lần lượt là 3,37% lên 29,8 USD/ounce và 0,38% lên 966,1 USD/ounce.

Đáng chú ý, đồng USD đã lao dốc mạnh trong tuần trước, chỉ số Dollar Index chốt tuần giảm 1,7% xuống 100,72 điểm, mức đóng cửa thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây. Điều này đã tạo động lực kép hỗ trợ cho giá bạc và giá bạch kim duy trì đà tăng trong tuần trước.

Đối với kim loại cơ bản, đồng USD suy yếu cũng là động lực chính hỗ trợ cho giá các mặt hàng trong nhóm. Đáng chú ý, giá quặng sắt đã lấy lại sắc xanh sau 4 tuần giảm giá liên tiếp, chốt tuần với mức tăng 4,46% lên 96,11 USD/tấn.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, giá nhôm LME bứt phá gần 7,5% lên 2.542 USD/tấn, mức cao nhất hơn một tháng trở lại đây. Triển vọng tiêu thụ lạc quan hơn tại Trung Quốc kết hợp với rủi ro nguồn cung nguyên liệu thô thắt chặt đã thúc đẩy giá mặt hàng này tăng mạnh vào tuần trước.

Nguồn:Theo Hà Nội mới Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51