Phát triển kênh tín dụng chính thức, đẩy lùi tín dụng đen

Tình trạng tín dụng đen ở nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp. Việc cho vay nặng lãi diễn ra phổ biến, công khai. Vì vậy, để đẩy lùi tín dụng đen cần phải phát triển mạnh kênh tín dụng chính thức, ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân.

Hình ảnh tại Hội thảo .(Ảnh: M.P) 

Ngày 12/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp cùng Báo Lao động tổ chức Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức". Hội thảo nhằm làm rõ bức tranh tổng thể, những hệ luỵ của hoạt động tín dụng đen đến cuộc sống người dân. 

Tại Hội thảo, Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao. Các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội… mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên….. vay tiền. Các đối tượng hình sự hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức hụi, nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền “vay nóng” phục vụ cho các nhu cầu bất chính, tiêu xài cá nhân…

Tuy nhiên, trong hơn 2 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen đã có những chuyển biến tích cực. Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân từng bước được nâng cao; tình trạng treo biển, dán tờ rơi, quảng cáo giảm mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, việc các kênh cung cấp tín dụng phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vốn của tất cả các phân khúc khách hàng từ món vay giá trị lớn đến món vay tiêu dùng nhỏ lẻ. Nhiều tổ chức tín dụng đã đa dạng hóa cách thức tiếp cận khách hàng để mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng thông qua phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…). 

Tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là tín dụng dành cho những khu vực dễ bị tổn thương, có nguy cơ là nạn nhân của tín dụng đen như doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp, nông thôn, vay tiêu dùng, phục vụ đời sống cấp bách, người nghèo, đối tượng chính sách... vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, có lĩnh vực còn tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, mặc dù trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đã cho thấy sự đồng hành, quan tâm của ngành ngân hàng chung tay cùng xã hội ngăn ngừa hoạt động “tín dụng đen”. 

Tuy nhiên, Theo Phó Thống đốc, bên cạnh những kết quả tích cực đó còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”, trong cung ứng tín dụng chính thức hiện nay đang phải đối mặt.

Cụ thể,  việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với các diễn biến mới của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen sẽ gặp nhiều trở ngại, nhất là tình trạng các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng sang sử dụng công nghệ cao để hoạt động. 

Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng liên quan đến hoạt động tín dụng đen ngày càng gia tăng phức tạp. Trong khi việc triển khai các giải pháp quản lý nhà nước trên không gian mạng còn hạn chế, nhất là trong việc định danh số tài khoản mạng xã hội, ngăn chặn các số thuê bao không chính chủ, kiểm soát các ứng dụng điện thoại (app), website có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi... 

“Mặc dù các tổ chức tín dụng đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tuy nhiên một số bộ phận người dân còn tìm đến vay tiền từ “tín dụng đen” do để phục vụ nhu cầu vay vốn không hợp pháp (cờ bạc, ma tuý, kinh doanh phi pháp,...) hoặc do thói quen tiêu dùng, tâm lý e ngại tiếp xúc với ngân hàng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay. 

Đặc biệt, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 vừa qua, khó khăn về kinh tế có thể làm tình hình “tín dụng đen” trở nên căng thẳng hơn khi: người dân có nhu cầu vay vốn để phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh nhưng chưa đáp ứng điều kiện tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng sẽ có xu hướng tìm đến các nguồn vay không chính thống, tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. 

Do đó, theo Phó Thống đốc, cần đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”. Cùng với đó, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn như xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen. 

Ngoài ra, Phó Thống đốc nhấn mạnh đến việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác./.

Tác giả: Nhật Anh
Nguồn:Theo : Đảng Cộng Sản VN Sao chép liên kết
Tin liên quan