Máy nước nóng không lắp dây tiếp địa dễ gây nguy hiểm cho người dùng

Khi thời tiết chuyển lạnh thì máy nước nóng trở thành thiết bị được dùng nhiều trong  gia đình vì sự tiện ích của chúng. Thế nhưng, nhiều trường hợp rò rỉ điện trên máy nước nóng đã xảy ra dẫn đến những hậu quả khó lường. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vấn đề nghiêm trọng này là do người dùng đã bỏ qua công đoạn nối dây tiếp đất cho máy nước nóng.

Trước đó đã có nhiều vụ tai nạn không mong muốn xảy ra mà nguyên nhân chính là do bình nóng lạnh bị rò điện. Vì vậy chúng ta nên thật sự chú ý và quan tâm nhiều hơn đến bình nóng lạnh và các thiết bị có sử dụng điện trong nhà để đảm bảo độ an toàn cao nhất cho các thành viên trong gia đình.

Trên thực tế, để xảy ra rò điện ở bình nóng lạnh hay bình nước nóng, lỗi chủ yếu thuộc về người sử dụng. Ngoài ra còn rất nhiều những nguyên nhân, suy nghĩ và hành động sai lầm mà thường ngày người sử dụng vẫn thực hiện mà không hề hay biết điều đó có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người.

Người dùng nên kiểm tra định kỳ máy nước nóng nhằm tránh những nguy hiểm tiềm ẩn

Vậy đâu là nguyên nhân rò rỉ điện ở máy nước nóng?

Việc lắp dây tiếp đất cho hệ thống điện vẫn còn khá xa lạ với nhiều gia đình ở Việt Nam. Và điều này có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng khi bạn vô tình chạm tay vào thiết bị bị rò điện hay lõi phích cắm.

Theo tiêu chuẩn an toàn sử dụng máy nước nóng, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng cần có dây nối đất và nhà sản xuất luôn cung cấp cổng nối đất trên vỏ máy, cho người dùng có thể tự đấu vào một cách dễ dàng.

Dây mayso của máy nước nóng dùng trong thời gian dài sẽ bị bám cặn, khi gặp nhiệt độ cao gây giãn nở và nứt khiến rò điện ra nguồn nước tắm. Nếu bình nước nóng được lắp dây tiếp đất, dòng điện sẽ đi qua dây này xuống đất thay vì truyền qua người dùng gây giật điện. Vì vậy, nhằm đảm bảo an toàn khi sử dụng, bình nóng lạnh luôn luôn phải có dây tiếp đất.

Theo kinh nghiệm của kỹ thuật viên lâu năm Đinh Văn Chiến, các gia đình ở tầng cao có thể tận dụng dây nối đất sẵn bằng kim loại như cọc chống sét, đường ống bằng kim loại... như một phương án hạn chế rủi ro. Ông Chiến nói thêm: "Các gia đình ở tầng cao có thể khoan mũi khoan vào sắt dầm để nối dây tiếp đất để giảm thiểu nguy cơ bị điện giật do bình nóng lạnh, cũng như các thiết bị khác". Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là người dùng không thể tính toán chính xác điện trở của dây tiếp đất.

Một số ý kiến cho rằng bình nóng lạnh có rơ-le tự ngắt nên sẽ tránh được các tai nạn đáng tiếc. Nhưng theo ông Chiến, "cách tốt nhất để đề phòng rủi ro nguy hiểm đến tính mạng khi sử dụng bình nóng lạnh là đợi nước đủ nóng, tắt bình rồi mới tắm". Nguyên nhân là do rơ-le tích hợp bên trong bình chỉ có nhiệm vụ điều chỉnh nhiệt độ nước (cấp điện khi nước nguội và ngắt khi nước đủ nhiệt độ).

Không giám sát khi thợ lắp đặt thiết bị

Việc giám sát và kiểm tra kỹ khâu lắp đặt là việc tất cả người dùng cần làm để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của mình và gia đình. Khi lắp đặt, lưu ý, thiết bị được lắp đặt theo đúng hướng dẫn từ nhà sản xuất, lựa chọn đúng loại dây dẫn công suất phù hợp và chất lượng để tránh bị quá tải, dẫn đến sự cố cháy chập điện. Dây dẫn cũng phải đáp ứng công suất yêu cầu của thanh đun hay aptomat đi kèm đủ công suất yêu cầu.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa khiến máy nước nóng lạnh rò điện là khả năng rò điện ra vỏ của rơle nhiệt độ. Vì vậy, để an toàn nhất thiết phải dùng dây nối đất cho bình. Đối với người cẩn thận trước khi sử dụng, nên bật bình nước đun nóng và ngắt aptomat trước khi tắm hoặc sử dụng nước nóng.

Việc lắp đặt dây tiếp địa cho máy nước nóng rất cần thiết trong việc phòng tránh tai nạn điện

Không bảo hành hoặc kiểm tra thiết bị định kỳ

Bình nóng lạnh cũng như tivi, tủ lạnh… hoặc bất cứ đồ dùng nào trong nhà, chúng có thể hỏng hoặc trục trặc bất ngờ. Tuy nhiên, bạn thường bỏ qua khâu kiểm tra, đánh giá tình trạng hoạt động, trong khi chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Bạn nên dùng bút thử điện kiểm tra bình nước nóng thường xuyên.

Phụ thuộc vào thiết bị chống giật

Thiết bị chống giật được nhiều gia đình sử dụng kèm với bình nóng lạnh, song bạn cần nhớ rằng tuổi thọ của phụ kiện này chỉ có giới hạn. Dù đã lắp thiết bị chống giật, không vì thế mà bạn được bỏ qua bước ngắt điện trước khi tắm hoặc nối dây tiếp đất cho bình.

Chọn mua thiết bị giá rẻ

Nguyên nhân của tai nạn về điện có thể bắt đầu từ việc bạn chủ quan, tự mua bình nước nóng, tự lắp đặt không đúng kỹ thuật, ham hàng rẻ không rõ nguồn gốc. Vì thế, chọn thiết bị có bảo hành tại địa chỉ bán có uy tín nên là ưu tiên hàng đầu khi mua sắm.

Cắm điện liên tục 24/24 hoặc trong nhiều giờ

Nguyên lý hoạt động của bình nóng lạnh giống như chiếc ấm đun nước bằng điện, tức là làm nước nóng bằng điện trở (dây mayso). Mặc dù bình nóng lạnh được thiết kế hiện đại hơn chiếc ấm đun nước nhưng nguy cơ gây giật điện cho người sử dụng của 2 thiết bị này là như nhau. Hiện tượng rò điện của bình nóng lạnh sẽ xảy ra khi có sự thông mạch từ dây mayso với môi trường bên ngoài. Điều này sẽ trở thành sự thật, khi lớp cách điện của mayso bị ăn mòn hoặc bong tróc trong quá trình sử dụng và gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Để phòng tránh cháy nổ và điện giật khi sử dụng bình nóng lạnh, các chuyên gia đưa ra một số lưu ý như:

Lắp đặt thêm hệ thống chống giật và chống cháy nổ: Nên chọn loại bình nóng lạnh có khả năng chống bỏng, chống giật, có chế độ bảo hành tốt. Nếu loại bình gia đình đang sử dụng không có hệ thống này, người dùng có thể lắp thêm hệ thống chống giật cho bình nước nóng hay đơn giản là nối dây tiếp đất để bảo vệ an toàn cho người sử dụng, nhất là loại bình nóng nhanh.

Nên thường xuyên kiểm tra xem bình nóng lạnh có bị rò rỉ điện hay lỏng các bộ phận hay không. Nếu phát hiện ra bình nóng lạnh rò rỉ nước ở các khớp nối giữa bộ phận, lúc này cần nhanh chóng xử lý bởi hiện tượng này chứng tỏ hệ thống bình nóng lạnh đang bị hở và có thể dẫn đến nổ bình tại các vị trí bị hở.

Vệ sinh bình nóng lạnh (đầu vòi sen, nguồn cấp nước) mỗi tháng 1 lần. Nếu nguồn nước không đảm bảo, hãy ngắt điện và vệ sinh bình để tránh hiện tượng bị gỉ sét, ăn mòn và rò rỉ điện. Chỉ nên tắm khi đã cắt cầu dao điện hoặc công tắc ở bình nóng lạnh phòng khi bị rò điện.

Tác giả: Nhật Anh
Nguồn:Điện và Đời sống Sao chép liên kết
Tin liên quan