Cách chọn mua và sử dụng nồi áp suất

Nồi áp suất đa năng chống dính tuy đắt hơn, nhưng lại tiện dụng hơn kiểu nồi áp suất truyền thống khi đun nấu.

Có hai loại nồi áp suất cơ bản, loại truyền thống cấu tạo đơn giản, thường chỉ phục vụ chức năng hầm và loại đa năng kiểu mới, với nhiều tính năng, có thể phục vụ nhiều nhu cầu nấu ăn khác nhau.

Người dùng nên dựa vào số lượng thành viên trong gia đình để quyết định chọn loại nồi áp suất có dung tích bao nhiêu

Nồi áp suất truyền thống

Được cấu tạo bằng nhôm hoặc thép không rỉ. Nồi nhôm có trọng lượng nhẹ, dẫn nhiệt tốt, vệ sinh nhanh chóng nhưng độ bền và độ an toàn thực phẩm không cao. Nồi bằng thép không rỉ có đáy dày, nặng hơn, thời gian nấu lâu hơn nhưng độ bền và độ an toàn thực phẩm cao.

Khi chọn mua loại này, bạn cần chọn loại có tay cầm bằng nhựa cứng chắc chắn, nồi có tay cầm hai bên càng dễ sử dụng.

Bộ điều chỉnh áp suất gồm nhiều kiểu van như: van nhảy, van quả tạ (van quả lắc), van quả tạ kiểu mới. Van quả tạ được sử dụng nhiều ở loại - nó sẽ rung và kêu khi áp suất trong nồi đạt mức chuẩn nhưng hay thức ăn hay bị trào vào lỗ thông hơi. Bạn cần vệ sinh thường xuyên van để đảm bảo an toàn khi nấu.

Nồi có giá khoảng 500 nghìn đồng đến một triệu đồng tùy từng kích cỡ và thương hiệu. Các thương hiệu bạn có thể tham khảo như Supor, Sunhouse, Goldsun...

Nồi áp suất đa năng

Ngoài chức năng hầm, nồi áp suất đa năng còn nấu được nhiều món khác như: súp, cháo, hầm, kho thịt...

Nồi đa năng có thiết kế giống nồi cơm điện, có chế độ ngắt tự động nên trong thời gian nấu bạn có thể tranh thủ làm việc khác, không phải đứng trông và canh giờ như nồi truyền thống.

Chất liệu nồi đa dạng như hợp kim đen, inox, nhôm...

Nồi áp suất đa năng chống dính đang dần thay thế nồi áp suất truyền thống nhờ sự tiện dụng và đa dạng về mẫu mã và xuất xứ. Nồi có giá khoảng 900 nghìn đồng đến hơn 2 triệu đồng tùy kích cỡ và thương hiệu. Các thương hiệu bạn có thể tham khảo: Bluestone, Sunhouse, Phillip, Sanyo...

Một vài lưu ý khi sử dụng nồi áp suất

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng nhà sản xuất đưa ra để biết thời gian nấu tối ưu cho từng loại thực phẩm.

Nên để áp suất trong nồi giảm tự nhiên, tránh khả năng xảy ra tai nạn khi mở đột ngột. Trường hợp cần tiếp thêm thức ăn vào nồi, bạn nên xả van đến khi hơi hết hoàn toàn mới mở nắp. Khi mở, bạn nên nghiêng người sang một bên để hơi nóng không ảnh hưởng đến mặt.

Tùy vào số người trong gia đình mà bạn chọn kích thước nồi cho phù hợp. Gia đình 2, 3 người nên dùng loại dưới 4 lít; gia đình 4, 5 người thì loại 6 lít. Không nên nghĩ mua nồi càng to càng tốt vì thời gian làm nóng sẽ lâu, lãng phí nhiên liệu.

Lượng thức ăn không nên để quá 2/3 nồi. Với những thức ăn có nước, có thể tạo nhiều bọt khi sôi thì không nên để quá 1/2 nồi. Vệ sinh các khớp nối của nồi thường xuyên bằng khăn mềm để tránh gỉ sét.

Lê Quốc (TH)

Tin liên quan