Việt Nam tham gia tích cực Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 47 và các Hội nghị liên quan

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 47 (AEM 47) và các hội nghị liên quan đã diễn ra từ ngày 22 đến 25-8 tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. 

 Đây là sự kiện thường niên quan trọng để các Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và 9 nước đối tác trao đổi về tình hình hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN, cũng như giữa ASEAN và các nước đối tác, chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới.

 

Trong khuôn khổ Hội nghị AEM-47, về hợp tác kinh tế nội khối, các Bộ trưởng đã tham dự Hội nghị Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 29, Hội nghị Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) lần thứ 18, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Việt Nam (CLMV) lần thứ 7. Về hợp tác với các đối tác đối thoại, các Bộ trưởng đã tham gia Hội nghị tham vấn giữa ASEAN và 9 đối tác là Ấn Độ, Ca-na-đa, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Niu Di-lân, Ốt-xtrây-lia và Trung Quốc, dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Mê Công-Nhật Bản lần thứ 7, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp của ASEAN và các đối tác. Các Bộ trưởng cũng tham dự Hội nghị Bộ trưởng 16 nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 3.

Các trưởng đoàn tham dự AEM 47

Tại hội nghị, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN khẳng định quyết tâm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, mặc dù ASEAN đang phải đối mặt với những biến động kinh tế khu vực và toàn cầu. Đến hết tháng 7/2015, ASEAN đã thực hiện được 91,5% các biện pháp ưu tiên, có tác động lớn đối với thương mại và đầu tư đề ra trong Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC. Đối với các lĩnh vực như dịch vụ, vận tải, cơ sở hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại, ASEAN thống nhất sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành trong năm 2016. Việt Nam là một trong các nước đứng đầu về tỷ lệ thực hiện (94,5%), thể hiện chủ trương nhất quán của Chính phủ là tích cực và chủ động đóng góp cho việc xây dựng AEC.

 

Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, AFTA khẳng định ưu tiên của ASEAN trong thời gian tới là thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại trong khu vực. Ưu tiên này của ASEAN cũng phù hợp với nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam. Trên tinh thần đó, các Bộ trưởng hoan nghênh việc triển khai dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ, xây dựng Cơ chế một cửa ASEAN, quyết định sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN (ATR) để cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp…

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, các Bộ trưởng hoan nghênh việc tất cả các nước ASEAN đã hoàn thành Gói cam kết dịch vụ thứ 9 thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) và chỉ đạo thúc đẩy việc hoàn thành Gói 10 vào cuối năm nay.

 

Về hợp tác với các nước ngoài khối, chủ trương của ASEAN là tăng cường quan hệ kinh tế với các nước và khu vực đối thoại. Với Trung Quốc, ASEAN đang thúc đẩy việc hoàn tất các thủ tục pháp lý để ký kết văn kiện bổ sung nội dung thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại vào Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc. Với Nhật Bản, ASEAN nhất trí đặt mục tiêu hoàn tất văn kiện bổ sung nội dung thương mại dịch vụ, đầu tư và di chuyển thể nhân vào Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản vào cuối năm nay…..

 

Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng cũng đã thông qua về nguyên tắc Lộ trình tổng thể xây dựng AEC từ năm 2016 đến năm 2025 nhằm xây dựng ASEAN trở thành một nền kinh tế thống nhất và có tính liên kết cao, đảm bảo sự phát triển năng động, sáng tạo và toàn diện đồng thời chú trọng yếu tố con người và sẽ tiếp tục tích cực hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

 

Cao Quân.

Tác giả: Cao Quân
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51