Nguyên tắc nào xây dựng biểu giá điện bậc thang ?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa hoàn thành việc xây dựng và lấy ý kiến về Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt và đưa ra 3 phương án. Biểu giá điện bậc thang được xây dựng dựa trên những nguyên tắc nào? PV đã phỏng vấn ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, Bộ Công thương về nội dung này.
.jpg)
Thưa ông, vì sao phải xây dựng biểu giá bán điện theo bậc thang và biểu giá điện hiện hành được xây dựng dựa trên những nguyên tắc nào ?
Ông Đinh Thế Phúc: Không chỉ Việt Nam có biểu giá bán điện theo bậc thang. Trên thế, giới, rất nhiều nước áp dụng biểu giá bán điện bậc thang. Có những nước sử dụng 3 bậc, có nước 5 bậc, thậm chí có nước xây dựng biểu giá lên tới 8 bậc, 10 bậc tùy vào chính sách năng lượng của từng nước.
Biểu giá bán điện bậc thang ở Việt Nam được xây dựng với 3 lý do cơ bản: Thứ nhất, là do tính chất huy động của hệ thống điện, trên cơ sở thực tế hiện nay, Việt Nam đang có rất nhiều nguồn điện được sản xuất, theo nhiều công nghệ khác nhau, từ thủy điện, nhiệt điện than, chạy khí và chạy dầu diezel. Về nguyên tắc, việc huy động dựa trên cơ sở huy động từ những nhà máy có giá thành rẻ cho đến những nhà máy có giá thành cao. Việc xây dựng biểu giá điện bậc thang trong trường hợp này góp phần quan trọng vào giá thành điện chung. Bởi khi người sử dụng ít điện thì sẽ chỉ huy động nguồn điện giá rẻ và hạn chế việc phải huy động điện giá thành cao, và ngược lại.
Lý do thứ 2 liên quan đến khả năng chịu đựng của hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối điện, cũng với nguyên tắc: nếu cùng lúc sử dụng nhiều điện thì mức đầu tư cho hệ thống truyền tải lớn, dẫn đến chi phí tăng, ắt cũng sẽ tính vào giá thành điện.
Lý do thứ 3, cũng hết sức quan trọng, đó là việc xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang với mục đích điều tiết nhu cầu sử dụng điện nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; Đồng thời, thực hiện chính sách giá bán điện thấp cho khách hàng là đối tượng thu nhập thấp sử dụng ít điện năng. Ví dụ, tại biểu giá bán điện theo QĐ 28 của Thủ tướng Chính phủ thì bậc thang đầu tiên để ở mức thấp (50kWh).
Thưa ông, nhiều ý kiến đồng tình với phương án bỏ biểu giá điện bậc thang để thống nhất một mức giá chung 1.747 đồng/kWh mà EVN đề xuất. Quan điểm của ông thì sao ?
Ông Đinh Thế Phúc: Cách tính giá điện theo một bậc cũng có những ưu điểm nhất định. Cụ thể, cách tính tiền điện sẽ đơn giản hơn, đồng thời, sẽ giải quyết được việc mỗi khi có điều chỉnh giá điện sẽ đảm bảo không có chuyện thắc mắc về việc ghi chỉ số sớm hay muộn hay nghi ngờ việc dồn chỉ số v.v. Tuy nhiên, với tình hình cung cấp điện cũng như sử dụng điện của ta hiện nay tôi nghĩ nếu đưa về một giá điện sẽ không khuyến khích được việc tiết kiệm điện. Tôi không nói rằng khi đưa về một giá điện thì tất cả mọi người không tiết kiệm điện bởi vì rõ ràng anh dùng nhiều điện anh vẫn phải trả nhiều tiền, nhưng độ khuyến khích để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn thì nó không bằng được so với giá điện tính theo bậc thang. Nhưng việc áp dụng tới 6 bậc thang thì hiện nay đúng là hơi nhiều – mặc dù trên thế giới có những nước vẫn áp dụng đến 8-10 bậc.
Trên các phương tiên truyền thông thời gian qua cũng đã đưa ra các quan điểm về biểu giá bán lẻ điện bậc thang hiện hành chưa hợp lý. Với tinh thần cầu thị chúng tôi yêu cầu EVN tính toán, xem xét lại biểu giá bán điện bậc thang theo QĐ 28 của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá những bất cập để chiều chỉnh cho phù hợp.
Tuy nhiên, độ giãn cách giữa các bậc thang là bao nhiêu thì hợp lý và bao nhiêu bậc thang thì là hợp lý.. thì vấn đề này thì chúng tôi cũng đã yêu cầu EVN phải có đánh giá cụ thể trong quá trình thực tế thực hiện của mình cũng như là Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã có chỉ đạo EVN phải dự thảo các phương án và lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo nhân dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và chuyên gia… tứ đó tổng hợp phân tích để đưa ra một biểu giá bán điện hợp lý nhất.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, theo ông, cách tính nào là phù hợp nhất ?
Ông Đinh Thế Phúc: Ưu Việt nhất thì rõ ràng chúng ta sẽ phải kết hợp cả các phương pháp tính khoa học, dựa trên các nguyên tắc, triết lý về xây dựng biểu giá bán điện chung của rất nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhưng thứ 2 là chúng ta cũng phải làm sao cho nó phù hợp với thực tế của Việt Nam, tức là phải xây dựng làm sao để khuyến khích người sử dụng vẫn đảm bảo đủ điện cho mình nhưng cũng phải tiết kiệm. Tiết kiệm ở đây không phải chỉ cho người sử dụng mà là tiết kiệm tài nguyên cho đất nước. sử dụng nhiều điện cũng có nghĩa là sử dụng nhiều năng lượng sơ cấp như than, dầu, khí thì chúng ta không tiết kiệm được cho các thế hệ sau.
Việc xây dựng biểu giá mới với yêu cầu đặt ra là như vậy, tức là đảm bảo khuyến khích người sử dụng tiết kiệm. Thứ 2, cũng phải trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện Việt Nam, với nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam. Thì việc phù hợp với người sử dụng, với mức độ như thế nào thì nó sẽ phụ thuộc vào việc chúng tôi sẽ tổng hợp đánh giá qua việc lấy ý kiến của người sử dụng. Còn về nguyên tắc của chúng tôi thì vẫn muốn rằng xây dựng một biểu giá vừa đáp ứng được cho người sử dụng với mức giá hợp lý nhưng đồng thời cũng phải khuyến khích được người sử dụng tiết kiệm và hiệu quả.
Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông !
Nguyên Long/Icon.com.vn