Khởi sắc vùng hoa Đà Lạt: Nhờ điện
Đà Lạt được nhắc đến như xứ sở của các loài hoa. Ai đã đến đây cũng phải một lần ngây ngất trước sắc màu hoa lộng lẫy khắp nơi. Hoa Đà Lạt đã có mặt rộng rãi trên thị trường và là thương hiệu hoa nổi tiếng trong cả nước.
Từ những năm đầu thập niên 90, nhờ sự phát triển công nghệ và chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng, cùng với nguồn điện lưới quốc gia được mở rộng khắp nhằm cung cấp đủ năng lượng cho việc sản xuất, những người trồng hoa Đà Lạt bắt đầu mạnh dạn tiếp cận với phương pháp trồng hoa công nghệ cao, từng bước đưa thương hiệu hoa Đà Lạt chinh phục thị trường hoa cao cấp trong nước và xuất khẩu ra thế giới.
Đến thăm làng hoa Thái Phiên - một làng hoa nổi tiếng của Đà lạt với truyền thống trồng hoa gần 60 năm, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước sự phát triển chuyên nghiệp của nơi này. Ðứng từ đỉnh Hòn Bồ nhìn xuống, làng hoa Thái Phiên tựa như một khu công nghiệp với hàng loạt nhà kính trồng hoa trải dài tít tắp... Cả làng hoa hiện có hơn 1.150 hộ dân trồng hoa, đa số đều đã áp dụng công nghệ mới trong nhà kính với hệ thống chiếu sáng và hệ thống tưới hoàn toàn tự động, cho sản lượng hoa hàng năm đạt hơn 300 triệu cành.

Ông Nguyễn Đức Dũng, một nông dân làng hoa Thái Phiên cho biết: “Trồng hoa thì phải thắp điện chiếu sáng cho đến khi cây đạt chiều cao tương đối mới ngắt điện được. Đôi lúc hơn 1 tháng mới ngắt điện, tùy theo mức độ phát triển của cây. Nếu không thắp điện chắc chắn cây hoa không có được chiều cao đạt yêu cầu. Thời gian ngắt điện chiếu sáng và cây ra nụ chỉ cách nhau hơn 1 tháng. Nếu chiếu sáng 1 sào vườn hoa với khoảng 100 bóng đèn tiết kiệm điện thì chi phí tiền điện khoảng 1 triệu đồng. Nhưng thu nhập từ tiền bán hoa cao hơn nhiều lần.”
Khác với làng hoa Thái Phiên nổi tiếng nhờ hoa cúc, làng hoa Vạn Thành sở hữu đặc sản là hoa hồng. Từ năm 1997 đến nay, nhờ ứng dụng công nghệ cao, sử dụng điện trong phương pháp tưới - bón phân bằng hệ thống phun tự động, trồng nhiều giống hoa cao cấp nhập khẩu với chủng loại đa dạng... sản phẩm hoa hồng nơi đây nhanh chóng làm thay đổi đời sống nhiều người dân Vạn Thành. Tính bình quân trên mỗi ha chuyên canh hoa hồng, trừ chi phí đầu tư, nhà vườn có thể thu lãi không dưới 40 triệu đồng/sào.
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ cao đã tạo bước đột phá cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, đồng thời làm thay đổi lớn trong tư duy của những người làm nông tại địa phương. Nếu năm 2003, bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp ở Lâm Ðồng chỉ đạt 27 triệu đồng/ha, thì hiện tại đã đạt 80 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh hiện có hơn 11 nghìn ha canh tác ứng dụng công nghệ cao, trong đó có hơn 6.000 ha hoa, sản lượng đạt hơn 1,8 tỷ cành/năm. Diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chỉ chiếm 3%, nhưng đã đem lại từ 18% đến 20% tổng giá trị sản xuất. Tháng 12-2011, nhãn hiệu "Hoa Ðà Lạt" đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng chỉ độc quyền trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam.
Cùng với sự nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ của những bàn tay lao động, sắc hoa Đà Lạt ngày càng trở nên lung linh rạng rỡ hơn, không chỉ mang đến vẻ đẹp rực rỡ để ngắm nhìn mà còn góp phần tích cực làm thay đổi đời sống kinh tế, văn hóa, du lịch của cả vùng đất cao nguyên này. Và đằng sau vẻ rực rỡ đó có sự đóng góp âm thầm của ngành Điện với nguồn năng lượng như một sứ mệnh cao cả, góp phần tạo dựng và phát triển những vùng đất với diện mạo mới ngày càng hoàn thiện, văn minh và tươi đẹp hơn.
Theo: Icon.com.vn