EVNSPC hưởng ứng Tuần lễ Quốc Gia an toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ
Lực lượng công nhân kỹ thuật làm việc trên lưới điện trên cao và tiếp xúc với nguồn điện trong Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) là rất lớn. Công việc hàng ngày luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ mất an toàn, vì vậy chủ động, tích cực thực hiện có hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là việc làm thường xuyên của toàn thể CBCNV.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ đối với sự phát triển bền vững của Tổng công ty, nên trong nhiều năm qua, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh song song đó công tác ATVSLĐ-PCCN luôn được lãnh đạo và Công đoàn EVNSPC quan tâm và chủ động phối hợp thực hiện hiệu quả.
Qua công tác kiểm tra thực tế, nhìn chung các đơn vị thực hiện tốt các nội dung về ATVSLĐ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất tại một số đơn vị trực thuộc thực hiện chưa sâu sát, còn mang tính hình thức, chưa thật sự quan tâm để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót; công tác tổ chức huấn luyện cho người lao động trực tiếp chưa được quan tâm đúng mức, chưa chuyên sâu cho từng loại hình công việc; ý thức chấp hành quy trình, quy phạm an toàn lao động tại cơ sở chưa đồng đều, vẫn còn chủ quan.

Với mục tiêu loại trừ các nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn trong lao động sản xuất hàng ngày tại các đơn vị trong Tổng công ty, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của Tập đoàn giao năm 2016 và những năm tiếp theo, đòi hỏi phải có sự nổ lực phấn đấu của từng cấp quản lý và của những người làm công tác an toàn với một số công tác trọng tâm sau:
Kiện toàn bộ máy làm công tác an toàn, tổ chức đào tạo, bố trí những người tận tâm, có trách nhiệm và có chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của công việc. Nâng cao trình độ cho lực lượng làm công tác an toàn chuyên trách tại các cơ sở để dần đáp ứng theo quy chế của Tập đoàn.
Đổi mới công tác huấn luyện, sát hạch về an toàn lao động, nội dung huấn luyện cần phải ngắn gọn, thiết thực, dể hiểu, dể nhớ, chỉ rõ các công việc cụ thể cần làm tránh lý thuyết suông, phù hợp với từng đối tượng, công việc cụ thể và được duy trì thường xuyên, liên tục.
Nội dung huấn luyện phải lưu ý đến phương pháp và kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…Từng công nhân, đơn vị công tác, tổ, đội sản xuất phải nhận biết được hết các nguy cơ, rủi ro khi thực hiện từng công việc cụ thể, từ đó đề ra các biện pháp phù hợp nhằm ngăn ngừa các yếu tố có thể gây mất an toàn; tổ chức thực hành thành thạo các phương pháp cấp cứu tai nạn lao động, các phương pháp tách người bị điện giật ra khỏi nguồn điện, phương pháp hô hấp nhân tạo và hà hơi thổi ngạt kết hợp với ép tim ngoài lồng ngực trên hình nhân, các phương pháp sơ cấp cứu người bị tai nạn; thường xuyên kiểm tra, sát hạch nhân viên vận hành, công nhân lao động phải nắm vững sơ đồ lưới điện trong phạm vi quản lý và thành thạo khi thao tác các thiết bị trên lưới điện.
Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động cải thiện điều kiện lao động; triển khai các phong trào thi đua, phong trào sáng kiến, sáng tạo nhằm giảm thiểu các nguy cơ mất ATVSLĐ và tăng hiệu quả sức lao động; tăng cường các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người lao động và đảm bảo kiểm soát hiệu quả các yếu tố, nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; xây dựng và duy trì ý thức chấp hành tốt các quy trình, quy định về công tác an toàn cho người công nhân lao động đồng thời có chế tài đủ mạnh đối với những tập thể, cá nhân vi phạm những quy định về ATVSLĐ.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về ATVSLĐ có hiệu quả, thiết thực cho cán bộ quản lý và công nhân lao động nhận thức đầy đủ, thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của mình trong công tác ATVSLĐ; xây dựng, kiểm tra, đánh giá và có các biện pháp khắc phục những nguy cơ mất ATVSLĐ tại đơn vị, cơ sở.
Công đoàn các cấp tham gia chủ động, phát huy mọi nguồn lực, đổi mới phương pháp hoạt động thật cụ thể, thiết thực hoạt động có hiệu quả nhằm không ngừng bảo đảm an toàn, sức khỏe và cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, qua đó phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong công tác ATVSLĐ nhằm xây dựng ngành ngày càng lớn mạnh.
Ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ: “An toàn là trách nhiệm của mọi người, an toàn là hạnh phúc của mỗi gia đình”, do đó phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được coi là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm hạn chế các sự cố, tai nạn lao động, cháy nổ xảy ra. Lãnh đạo các cấp, mỗi người lao động cùng nhau chung sức và nỗ lực để thực hiện tốt mọi giải pháp, góp phần thực hiện mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ xảy ra, đảm bảo sự phát triển bền vững của Tổng công ty.
Theo EVNSPC