Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu gia hạn giá FIT điện gió đến 31/3/2022
Chủ tịch Quốc hội vừa qua đã nhất trí với đề xuất của tỉnh Ninh Thuận trong việc đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Thuận vào chiều ngày 6/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các kiến nghị, đề xuất cụ thể của tỉnh Ninh Thuận về sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời, nối lưới đối với các dự án điện mặt trời vận hành thương mại sau ngày 1/10/2021; chủ trương kéo dài thời gian về cơ chế hưởng giá hỗ trợ (giá FIT) điện gió theo Quyết định số 39 của Thủ tướng đến hết ngày 31/3/2022.
Đây là những vấn đề lớn đã được nêu tại Nghị quyết số 31 của Quốc hội và Nghị quyết số 115 của Chính phủ, đồng thời xuất phát từ thực tiễn của địa phương, một số vấn đề do vướng mắc chung như chính sách về giá điện năng lượng tái tạo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch bệnh Covid-19.
“Việc gia hạn giá FIT điện gió có thể xem là một trong những giải pháp trong kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, đặt trong bối cảnh như thế để chúng ta tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đối với cơ chế giá điện mặt trời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện mặt trời. Đây là vấn đề đang vướng nhưng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành.
Trước đó, tỉnh Ninh Thuận đề xuất cấp có thẩm quyền gia hạn thêm giá FIT với các dự án điện gió đến tháng 3/2020 và sớm có cơ chế giá mới cho điện mặt trời. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, 9 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. GRDP tăng khá, đạt mức 9,45%, thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất cả nước; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cao (7,61%), đặc biệt, nhóm ngành năng lượng tái tạo tiếp tục phát huy hiệu quả, tăng 58,5% đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đến thời điểm hết ngày 31/10/2021, đã có 69 dự án điện gió (chiếm 65% trên tổng số dự án đăng ký) với tổng công suất 3.298,95 MW đã được công nhận vận hành thương mại (COD). Như vậy, nếu bao gồm cả 15 dự án điện gió đã được công nhận COD và vào vận hành từ trước đây, thì trong hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất 3.980,27 MW được công nhận COD.
31/10/2021 là thời hạn cuối cùng để các dự án điện gió được xét công nhận COD và được hưởng giá hỗ trợ (FIT) theo Quyết định số 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mức giá bán điện 8,5 Uscents/kWh trên đất liền và 9,8 UScent/kWh trên biển trong thời hạn 20 năm.
Trong thời gian vừa qua, tiến độ thi công của nhiều dự án điện gió trên cả nước đã bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và không kịp tiến độ vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 để được hưởng giá FIT. Theo Quyết định 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau ngày 31/10/2021, Bộ Công Thương có trách nhiệm nghiên cứu và đề xuất phương án đấu thầu, xác định giá đối với các dự án điện gió thay cho cơ chế giá FIT.