TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀ GIÁO DỤC, RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CÔNG CHỨC TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, đồng thời là sự kế thừa tư tưởng đạo đức phương Đông và những tinh hoa đạo đức của nhân loại, đặc biệt là tư tưởng đạo đức cũng như tấm gương đạo đức của Mác, Ăng-ghen, Lênin.  Đó chính là sự nâng lên tầm cao mới những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và là sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa đạo đức truyền thống và đạo đức của thời đại mới.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có phạm vi bao quát rất rộng về đối tượng, về lĩnh vực hoạt động của con người, từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng, từ gia đình đến xã hội, từ giai cấp đến dân tộc, từ quốc gia đến quốc tế…Đặc biệt Người quan tâm một cách sâu sắc đến lĩnh vực đạo đức cá nhân, đảng viên, khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Điều đó, không chỉ làm phong phú, sâu sắc thêm truyền thống đạo đức của dân tộc, mà còn có giá trị thực tế rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

 

Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có bao gồm bốn phẩm chất chung, cơ bản nhất:

Một là, trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Hai là, thương yêu con người. Người cho rằng yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất, bởi vì nếu không có tình yêu thương con người thì không thể nói đến cách mạng, càng không thể nói đến CNXH.

Ba là, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Theo quan điểm của Người, cần, kiệm, liêm, chính là những đức tính không thể thiếu của một con người, nếu thiếu đi một đức thì sẽ không thành người. Người cũng chỉ rõ khi đã có cần, kiệm, liêm, chính thì sẽ dẫn đến chí công vô tư và khi đã chí công vô tư thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư sẽ làm cho con người vững vàng trước mọi thử thách, cám dỗ.

Bốn là, tinh thần quốc tế trong sáng gắn liền với chủ nghĩa yêu nước chân chính, chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi, sô vanh nước lớn, kỳ thị chủng tộc…

Ngoài việc nêu ra những phẩm chất chung, cơ bản của đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ muốn xây dựng, rèn luyện, hình thành được đạo đức cách mạng cần phải nói đi đôi với làm, phải nêu tấm gương đạo đức; xây phải đi đôi với chống; phải tu dưỡng đạo đức suốt đời, ở mọi lúc mọi nơi, mọi điều kiện, hoàn cảnh, từ cái nhỏ đến cái lớn, từ việc chung đến việc riêng…và Người nhấn mạnh để xây dựng được nền đạo đức cách mạng cần phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, địa phương, phải lôi cuốn, phải thôi thúc trách nhiệm đạo đức cá nhân để mọi người tự bồi dưỡng, rèn luyện, phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng.

Những nội dung của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, được thể hiện trong các bài viết, những lời căn dặn sâu nặng ân tình của Người và đặc biệt được Người tập trung làm rõ trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và trong Di chúc mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa.

Những điều căn dặn tâm huyết ấy mãi mãi có ý nghĩa đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, đối với công tác xây dựng Đảng nói chung, đối với việc giáo dục, rèn luyện đạo đức của đội ngũ công chức trong giai đoạn hiện nay nói riêng, khi mà đạo đức công vụ đang là vấn đề bức xúc của xã hội.

Đạo đức công chức là một phạm trù phản ánh các quan hệ giữa người với người trong hoạt động công vụ, trước hết gắn liền với hoạt động của những người làm việc trong bộ máy nhà nước nói chung.

Khác với các loại hoạt động thông thường, công vụ là hoạt động dựa trên cơ sở sử dụng quyền lực nhà nước. Hoạt động công vụ là hoạt động có tổ chức và tuân thủ theo những quy chế bắt buộc, theo trật tự có tính thứ bậc chặt chẽ, chính quy, hiện đại, liên tục. Hoạt động công vụ luôn luôn đòi hỏi sự thống nhất nhuần nhuyễn giữa các quy định pháp lý và đạo đức của người cán bộ, công chức.

Đạo đức công chức được dư luận xã hội đánh giá thông qua những yếu tố chi phối hành vi trong công vụ như: Hành vi đó có đúng với pháp luật quy định hay không; hành vi đó có thể hiện hiệu quả cao hay không; hành vi đó có hiểu hiện đúng thái độ ứng xử của người phục vụ không; hành vi đó thể hiện “cái lý” và “cái tình” với người khác như thế nào; hành vi đó có phù hợp với đạo đức chính trị không…Đạo đức công chức được thể hiện thông qua rất nhiều mối quan hệ như: Giữa công chức với công dân; giữa cấp trên và cấp dưới; giữa công chức với nhau; giữa công chức với gia đình họ; giữa công chức với cộng đồng xã hội…Vì vậy, cần phải kết hợp rèn luyện, giáo dục nghĩa vụ pháp lý với đạo đức công chức, trong đó cần quan tâm đúng mức công tác giáo dục đạo đức công chức trong cơ chế thị trường hiện nay. Nếu không đảm bảo sự thống nhất giữa trách nhiệm pháp lý và đạo đức công chức thì công chức có thể làm đúng quy định pháp luật nhưng không nhiệt tình, năng suất không cao, thái độ phục vụ không tốt, việc có lợi cho  mình, cho người thân làm trước, làm nhanh, còn của người khác thì làm sau, làm chậm, chỉ có lý mà không thấu tình…

Những phẩm chất đạo đức của người công chức nói chung bao gồm:

Thứ nhất, là sự ngay thẳng, nghĩa là không gian dối, khi xem xét đánh giá hay thực thi một việc gì thì nói đúng như nó vốn có, làm đúng những gì đã được giao, được quy định, không bớt xén, làm việc không tính đến có ai theo dõi kiểm tra hay không.

Thứ hai là tính trung thực, có nghĩa là trước sau như một trước một vấn đề và trước mọi hoàn cảnh. Tính trung thực là phẩm chất cần thiết đối với người công chức bởi vì công chức là những người nắm được những vấn đề quan trọng. chưa công bố ra bên ngoài; họ là những người được tiếp nhận thông tin trước và họ cần thành khẩn khi có sơ suất trong cộng vụ, không được biến báo, không được đổ lỗi cho người khác.

Thứ ba là, sự tự trọng, là thái độ tự rèn luyện bảo vệ những phẩm chất tốt đẹp của bản thân trong mọi hoàn cảnh. Tự trọng là phẩm chất tích cực của đạo đức và nhân cách con người nói chung và đối với người công chức nói riêng lại càng cần thiết hơn.

Thứ tư là, tính tiết kiệm, đó là sự tính toán hợp lý, hiệu quả mọi chi phí để thực hiện tốt mọi công việc, không gây lãng phí, thất thoát tài sản. Đối với nền công vụ ở trình độ pháp quyền chưa cao như ở nước ta thì tính tiết kiệm cũng là yêu cầu lớn đối với đạo đức công chức.

Những chuẩn mực đạo đức công chức nói trên, là sự cụ thể hóa những phẩm chất đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta. Vì vậy để rèn luyện, giáo dục đạo đức công chức một cách thiết thực, cần quán triệt một cách sâu sắc, nhuần nhuyễn, sáng tạo và cụ thể tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, công chức, phải thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng mà Người đã đề ra và cần phải làm cho cuộc vận động này trở thành một phong trào sâu rộng trong đội ngũ công chức gắn với sự ủng hộ, giám sát của nhân dân.

Trong mỗi giai đoạn cách mạng bao giờ cũng đặt ra những nhiệm vụ mới, với những khó khăn, thách thức mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, phải vươn lên một tầm cao mới, ngày càng được tôi luyện, sàng lọc trưởng thành để đáp ứng yêu cầu của cách mạng. Trong đó vấn đề tu dưỡng đạo đức là một đòi hỏi vừa cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài đối với công tác xây dựng Đảng và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và phát triển đất nước.

Đối với việc giáo dục, rèn luyện đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức của bộ máy nhà nước nói chung, các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng, trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:

- Đối với đội ngũ cán, công chức: Phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; không ngừng học tập, nâng cao trình độ, năng lực mọi mặt, luôn luôn bám sát thực tiễn, vận dụng được kiến thức vào thực tiễn; kiên trì tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng công tác; rèn luyện bản lĩnh và năng lực lãnh đạo, quản lý; kiên quyết đấu tranh chống lại dốt nát, nghèo đói, sự lười biếng, đố kỵ, tham nhũng, cửa quyền, sống xa hoa, buông thả; gần gủi với nhân dân, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, chống sự vô cảm trước những yêu cầu chính đáng của nhân dân.

- Đối với các tổ chức Đảng, các đoàn thể: phải tăng cường vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng trong các cơ quan hành chính nhà nước, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay. Các tổ chức quần chúng, phát huy vai trò tổ chức động viên, giám sát thành viên của tổ chức mình trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức công chức.

- Đối với Nhà nước và các tổ chức nhà nước: Xây dựng và hoàn thiện quy chế công vụ, đạo đức công chức thông qua hệ thống pháp luật và văn bản dưới luật vừa chung vừa cho từng loại chức danh cán bộ, công chức. Cụ thể hóa bằng các quy phạm pháp luật những giá trị đạo đức cho từng ngành nghề cụ thể.

Xây dựng và nâng cao đạo đức trong tình hình hiện nay đòi hỏi chúng ta phải quán triệt tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc xây dựng đạo đức mà Người đã nêu ra. Cần phải biết khai thác mặt tích cực, đồng thời kiên quyết chống lại mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường; vừa phải phát huy truyền thống đạo đức của dân tộc vừa phải biết kế thừa có chọn lọc những tinh hoa giá trị đạo đức của thời đại. Có như vậy chúng ta mới xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức có đủ tâm và đủ tầm để hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ, nhân dân và Đảng ta đã lựa chọn.

Tác giả: Đoàn Huyền/ Điện và Đời sống
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51