Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh: 45 năm nhìn lại

45 năm nhìn lại, một chặng đường đầy khó khăn, thử thách, nhưng cũng rất nhiều niềm tự hào, hãnh diện về hành trình của một tập thể đồng lòng, đoàn kết gắn bó, vượt khó, vượt khổ, để đạt được những thành công như ngày hôm nay. Nhân dịp này, thầy Nguyễn Tấn Nghiệp, với 34 năm công tác, người dành gần như cả cuộc đời gắn bó với ngôi trường này, đã có những dòng tâm sự, vừa để ôn lại những truyền thống tốt đẹp, vừa là lời nhắn nhủ cho các thế hệ sau này…

Trường Cao đẳng Điện lực TP  Hồ Chí Minh tiền thân là trường Kỹ thuật Gia định của chế độ cũ, sau ngày miền Nam giải phóng, Trường được bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp tiếp quản, đến 20/10/1976 tại QĐ số 101/TTg của Thủ tướng Chính phủ và QĐ  số 05/VPQĐ của bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp, Trường được bàn giao cho Bộ Điện Than mà trực tiếp là Công ty Điện lực miền Nam quản lý, lúc đó Trường mang tên Trường Công nhân kỹ thuật điện. Năm 1997 tại QĐ số 818/QĐ –TCCB  của Bộ trưởng Bộ Công  nghiệp, Trường được nâng cấp và đổi tên thành Trường Trung học điện 2 trực thuộc Công ty Điện lực 2. Ngày 06/04/2000  tại QĐ số 25/2000/QĐ – BCN  của Bộ Trưởng Bộ công nghiệp, Trường được chuyển về trực thuộc Tổng công ty Điện lực  Việt Nam. Đến ngày 21/09/2005 tại QĐ  số 5314/QĐ- BGD& ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường được nâng cấp và đổi tên thành Trường Cao đẳng Điện lực TP. Hồ Chí Minh.

Nhớ ngày đầu tiếp quản Trường, đoàn cán bộ lúc đó có 03 người: Ông Ung Thẩn – Hiệu Trưởng Ông Trần Nguyên Thái – Hiệu phó: Ông Lê Văn Trấm – Trưởng phòng Tổ  chức ký nhận bàn giao cơ sở vật chất  gồm: 03 dãy nhà trệt, 1 dãy xưởng với tổng diện tích xây dựng khoảng 1.300m2; Diện tích bằng rộng khoảng 03 hecta lúc ấy đồng ruộng và cỏ hoang là chủ yếu. Tổng giá trị tài sản bao gồm: Nhà xưởng, trang thiết bị, phương tiện làm việc, đồ dùng dạy học là 55.325đ53 (tiền Ngân hàng Việt nam thới điểm đó). Nhân lực bàn giao có 28 cán bộ, giáo viên, nhân viên Nhà trường cũ. Những công việc đầu tiên cho năm học mới đầy dẫy những khó khăn, có cả những ngập ngừng, e ngại của thời kỳ mới giải phóng. Nhưng rồi những ngổn ngang  đã được người mới, người cũ; thầy và trò bắt tay nhau giải quyết: Các khóa học dở dang tiếp tục chương trình đào tạo cũ bổ sung một số chuyên đề về đường lối, chính sách của Đảng và Chính quyền Quân quản;  các khóa Công nhân 77A, Trung cấp Phát dẫn điện, Nhiệt điện 77 đã được khẩn trương  tuyển sinh, khai giảng…

Ai đã từng gắn bó, chia sẻ những vất vả, lo toan trong những ngày đầu tiên đó, chắt chắn vẫn còn lưu giữ trong ký ức của mình những kỷ niệm không thể nào quên: Nước cho ăn uống cả Trường phải mua từng xitéc một, nước cho tắm giặt là dóng kênh Trùm Bích dùng chung cho cả thầy và trò nội trú. Không chỗ ở, học sinh được Xã Thạnh Lộc  bố trí ở “Khu nhà tiền  chế” gần chợ Thạnh Lộc bây giờ, một số lớn được Cô Ba, người sáng lập khu “Cô nhi viện”, ở Phường Thanh Xuân ngày nay, “cưu mang”. Thời khóa biểu phải xếp từng ngày bởi các thầy cô giáo mới, theo quyết định phân công, chưa chịu về hoặc không chịu về nhận nhiệm sở. Giờ thực hành, thực tập được  thay bằng giờ lao động dọn dẹp cỏ hoang … Có thầy giáo tốt nghiệp Đại Học  Bách Khoa mới về tuần trước tuần sau sau đã phải lên lớp dạy; Thời gian chuẩn bị, tài liệu, trang thiết bị để giảng dạy thực hành hầu như không có gì. Ấy vậy mà phải dạy cả ca đêm do thiếu xưởng thực tập và dụng cụ đồ nghề.

Sự bắt đầu là như thế đó! Những khó khăn, những bề bộn cũng đã dần dần được khắc phục bằng tâm huyết  của nhũng người trong cuộc. Theo thời gian, “Trạm bơm và xử lý nước ngầm” được xây dựng, trang thiết bị cho nghề Đường dây và Trạm biến áp được xin về cùng với 05 máy tiện cơ khí. Vài phòng học được lấy làm chỗ ở nội trú cho học sinh nữ, mấy gian nhà lá được cất nhanh giữa khu ruộng ngập nước và cỏ lác để làm chỗ ở cho học sinh nam. Nhiều dãy nhà  cấp 4 được mọc lên trong  đó có Hội trường mái lợp fibro xi măng trống trước rỗng sau, bỡi do thầy và trò Ban Gò hàn lắp  dựng từ các loại vật tư tận dụng được xin về từ  Tổng kho Thủ đức. Ruộng nước, ao nuôi cá được xan lấp dần, cỏ hoang, lao  sậy rồi cũng thưa dần…

Dù được sự quan tâm, chắt chiu đầu tư của lãnh đạo Công ty Điện lực 2 thời kỳ đó, dù với rất nhiều nổ lực và tâm huyết của Ban Giám hiệu, song cũng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cơ chế của  thời bao cấp, nên việc xây dựng cơ sở  vật chất, đầu tư trang thiết bị đào tạo vẫn chưa tương xứng với một cơ sở đào tạo chuyên ngành Điện lực khu vực miền Nam. Cột móc quan trọng đánh dấu  sự thay đổi cơ bản  Nhà trường là Quyết định số 495/TTg  ngày 02/08/1996  của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt dự án cải tạo và xây dựng  Nhà trường thành “Trung tâm Đào tạo ngành điện miền Nam”. Dự án được khởi công  vào cuối năm 1996, khánh thành đưa vào sử dụng  vào dịp 20/11  năm 1999. Tổng mức đầu tư của dự án  được quyết toán trên 64 tỷ đồng, trong đó có hơn 36 tỷ  thuộc nguồn vốn vay của Ngân hàng  Thế giới  (World Bank) dùng để mua sắm trang thết bị đào tạo, và dịch vụ tư vấn nước ngoài. Phần còn lại khoảng 28 tỷ đồng do Tổng công ty  Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng gồm: Hội trường 300 chỗ, 20 phòng học chuẩn, Khu nhà xưởng, Khu phòng thí nghiệm, Bãi thực hành lưới điện, Hệ thống điện nước… Trong số các trang thiết bị đào tạo hiện đại  có Bộ Mô phỏng hệ thống điện (Power System Simulator)  trị giá hơn 7 tỷ đồng. Đây là thiết bị  mô phỏng toàn bộ  dây truyền sản xuất, truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện năng. Trên thiết bị này có thể tiến hành các thí nghiệm: Hòa đồng bộ máy phát điện, tăng giảm công xuất, vận hành lưới truyền tải, phân phối… Đặc biệt có hệ thống Relay kỹ thuật số hiện đại  giống như thực tế. Bãi thực tập lưới điện có diện tích hơn 5000m2   trong đó có phần mô phỏng cho một Trạm trung gian 110 kV được lắp  đặt  đầy đủ các trang thiết bị  trên lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối. Ngoài ra Trường cũng có Khu nhà nghỉ  khang trang  200 giường, dành cho diện cán bộ đi học với hệ thống máy điều hòa  không khí,TV cáp, Internet  và các tiện nghi khác.

Có hai công trình xây dựng  để lại nhiều dấu ấn, nhiều cảm xúc cho những người trong cuộc:

  1. Dự án xây dựng “Khu ký túc xá  học sinh 7 tầng 1.300 chỗ ở”: Công trình  được khởi động với rất nhiều thủ tục nhiêu khê để có được Sổ hồng cho khu đất hơn 2000 m2 tiếp giáp với khuôn viên hiện hữu của Trường dù địa phương rất ủng hộ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng  được đưa vào  sử dụng vào giữa năm 2007. Thời điểm đó Khu ký túc xá là tòa nhà cao nhất, khang trang và tiện nghi nhất đối với Phường Thạnh Lộc, Phường Thạnh Xuân lúc bấy giờ. Sinh viên - học sinh lần đầu tiên được sử dụng hệ thống thang máy, vài chục phòng có trang bị  máy điều hòa không khí, TV cáp , hệ thống Internet…
  2. Dự án xây dựng “Bờ kè Kênh Trùm Bích”: Do cốt nền thấp, khuôn viên Nhà trường tiếp giáp bờ Kênh Trùm Bích với gần 300 m chiều dài nên mỗi lần mưa lớn hoặc triều cường, sân trường ngập nước mênh mông, một hình ảnh làm “hổ thẹn” Nhà trường mỗi khí có các lớp cán bộ vể học tập. Công trình hoàn thành và được đưa vào sử dụng năm 2009 đã chấm dứt tình trạng các anh chị học viên, sinh viên, học sinh phải xắn quần  lội nước bì  bỏm mới tới  được phòng học.
 Thủ tướng Phan Văn Khải thăm và làm việc tại trường năm 2002

45 năm nhìn lại ! Những  chàng trai cô gái hừng hực sức sống về Trường công tác ngày nào nay đã là những Ông Nội, Bà Ngoại của những gia đình thành đạt. 45 năm qua, Nhà trường đã đào tạo cho ngành điện phía Nam hơn 30.000 Cử nhân cao đẳng, Kỹ thuật viên trung cấp và đặc biệt đội ngũ công nhân lành nghề của các đơn vị ngành điện phía Nam hầu hết đều tốt nghiệp từ Trường này. Những cậu học sinh nghịch ngợm ngày nào nay đã là cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi của  ngành Điện lực Việt Nam. Rất nhiều người thành đạt, nhiều người đã trở thành những kỹ sư đầu đàn, thạc sỹ, tiến sỹ và đang giữ những vị trí then chốt trong dây chuyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng. Có người là Chủ tịch, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc các Tổng công ty lớn thuộc EVN, danh sách giữ các chức vụ Giám đốc, Phó Giám đốc đơn vị cấp 3 ngày càng nhiều lên.

Tập thể thầy cô giáo Nhà trường năm 2008
 
Các thế hệ Lãnh đạo Nhà Trường và các cựu học sinh trong ngày lễ 19/11/2016

45 năm nhìn lại: Để vinh dự và tự hào vì những thành tựu mà chứng ta đã đạt được; để thắm thía những vất vả mà chúng ta cùng sẻ chia và nếm trải; để trân trọng và biết ơn những người đi trước đã chấp cánh cho thế hệ đi sau; để chiêm nghiệm và đúc kết những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá cho lịch sử xây dựng Nhà trường…

Và các Bạn ơi! Hãy chấp nối, xâu chuỗi nó lại để làm hành trang cho chặng đường phía trước các Bạn nhé.

                                                   ThS. NGUYỄN TẤN NGHIỆP

                                        Hiệu Trưởng, Bí thư Chi bộ giai đoạn 1995 - 2011

 

Tin liên quan