Triển khai các dự án thí điểm phát triển dự án điện gió ngoài khơi
Ngày 26/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.
Một dự án điện gió ngoài khơi ở Trà Vinh. Ảnh: TTXVN
Báo cáo của Bộ Công Thương đã nêu một số khó khăn, vướng mắc chính trong phát triển điện gió ngoài khơi liên quan đến quy hoạch; chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư; điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài; đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP); triển khai đầu tư xây dựng và cấp phép xây dựng; quy định pháp luật về biển; xác định tài nguyên gió là tài sản công.
Bên cạnh đó là các vấn đề về an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia; giá điện; tín dụng; tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với thiết bị, thi công xây dựng, an toàn cháy nổ...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ Công Thương cũng đang làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) để xúc tiến các bước chuẩn bị triển khai 2 dự án thí điểm.
Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Quy hoạch không gian biển quốc gia đã được phê duyệt. Vướng mắc đối với việc giao khu vực biển để điều tra, đo đạc, khảo sát sẽ được tháo gỡ khi sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2021/NĐ-CP (quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển).
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện giao biển cho 1 dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore, khoảng 10 dự án điện gió trên biển ở vùng 6 hải lý. Bộ Công Thương có thể tham khảo các quy định, thủ tục hành chính để vận dụng cho dự án điện gió ngoài khơi.
Lãnh đạo EVN, PVN cho biết đã triển khai các bước chuẩn bị để có thể triển khai dự án thí điểm phát triển dự án điện gió ngoài khơi.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi đã được đặt ra từ lâu, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Do đó, Đề án phải lựa chọn những dự án cụ thể, chỉ ra những vướng mắc về pháp lý, nghiên cứu khảo sát, chính sách, thủ tục đầu tư, tài chính, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ… trong quá trình thực hiện toàn bộ dự án. Từ đó, Đề án đề xuất phương án thí điểm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Dành thời gian phân tích, chỉ ra hướng xử lý một số khó khăn, vướng mắc cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành chứ không vướng về pháp luật. Đơn cử như lựa chọn địa điểm triển khai dự án điện gió ngoài khơi cần sự thống nhất của Bộ Giao thông vận tải (liên quan đến tuyến đường biển quốc tế), Bộ Quốc phòng (nếu là khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh).
Tương tự, Bộ Công Thương cần rà soát kỹ vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư, xuất khẩu điện, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài… thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị tháo gỡ.
“Việc triển khai thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi là quá trình "vừa làm, vừa hoàn thiện" nhằm hình thành đầy đủ cơ chế, chính sách pháp luật đi kèm cho từng loại dự án phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu, sản xuất hydro xanh. Vì vậy, Đề án không chỉ giới hạn ở 2 đề án thí điểm của EVN, PVN”, Phó Thủ tướng nói.