Tổn thất điện năng ngang bằng nhiều nước tiên tiến: Còn dư địa để giảm?
Năm 2022, tỷ lệ tổn thất điện năng (TTĐN) của EVN ở mức 6,25%, giảm đã ngang bằng nhiều nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Năm 2023, TTĐN đang được đặt mục tiêu ở mức 6,15%. Tuy nhiên, trong bối cảnh đầy khó khăn của hệ thống điện hiện nay, để đạt được mục tiêu này là không dễ.
“Siết” tổn thất thương mại
Tháng 4/2023, qua khai thác chương trình Spider và theo dõi sản lượng bất thường của khách hàng, Phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện Công ty TNHH MTV Điện lực (PC) Đà Nẵng nhận thấy hộ khách hàng P.T.B (trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) có dấu hiệu bất thường về sử dụng điện. Qua kiểm tra hiện trường, nhóm công tác PC Đà Nẵng phát hiện khách hàng dùng 1 dây đơn M1x7mm2 đấu trực tiếp vào dây pha trước công tơ kéo đến phụ tải (không thông qua hệ thống đo đếm) sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Ngay sau khi phát hiện, kiểm tra viên điện lực đã lập biên bản vi phạm, tính toán sản lượng điện phải bồi thường là 18.326kWh, tương đương số tiền hơn 58 triệu đồng.
Đó là một trong rất nhiều các vụ trộm cắp điện đã được PC Đà Nẵng phát hiện, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm theo dõi, giám sát chỉ số sử dụng điện của khách hàng. Đối với lưới điện hạ áp, các điện lực trực thuộc PC Đà Nẵng thực hiện tính toán tổn thất hạ áp TBA công cộng trên Hệ thống Quản lý thông tin khách hàng (CMIS) hàng tháng. Đến ngày ghi chỉ số định kỳ, nếu xảy ra tổn thất TBA công cộng bất thường, Điện lực sẽ phải phúc tra chỉ số của tất cả các khách hàng thuộc TBA để tìm ra bằng được nguyên nhân.
Tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc, để giảm tổn thất điện năng hiệu quả, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã thường xuyên phân tích, xác định nguyên nhân gây tổn thất đối với các cấp điện áp; nhận diện, khoanh vùng các khu vực nguy cơ cao xảy ra tổn thất thương mại, từ đó, đưa ra các giải pháp xử lý cho từng khu vực. Các Công ty Điện lực tập trung, ưu tiên thực hiện kiểm tra sử dụng điện, chống trộm cắp điện đối với các khu vực, các đường dây trung áp, các trạm biến áp công cộng có tổn thất cao; tăng cường công tác kiểm tra sử dụng điện, kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng để ngăn ngừa hành vi lấy cắp điện của các khách hàng; phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm các vụ trộm cắp điện, kết hợp công tác tuyên truyền để giáo dục, răn đe, phòng ngừa... Các đơn vị Điện lực đã đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Nghị định số 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/1/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực, trong đó có nội dung tăng mức xử phạt đối với hành vi trộm cắp điện.
Ngoài ra, hàng tháng, các Công ty Điện lực cũng thường xuyên kiểm tra sản lượng điện bất thường của các khách hàng để kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng và thực hiện thay thế ngay các hệ thống đo đếm khi xảy ra sự cố, cháy hỏng; đồng thời tiến hành thỏa thuận truy thu sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng xảy ra sự cố hệ thống đo đếm. Các biện pháp đã được thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, theo thực tế tình hình khu vực để đảm bảo hiệu quả cao, giảm tổn thất điện năng phi kỹ thuật.
Tỷ lệ tổn thất điện năng của EVN giảm qua các năm |
Giảm TTĐN xuống mức 6,15% - Mục tiêu đầy thách thức
Theo Ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN, trong 10 năm qua, TTĐN đã giảm từ mức 8,87% (năm 2013) xuống còn 6,25% (năm 2022). Thực tế, TTĐN hiện nay đã ngang mức nhiều nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Tổn thất này phụ thuộc nhiều vào đặc điểm hệ thống điện và chi phí đầu tư cho hệ thống. Nếu muốn tiếp tục giảm TTĐN, sẽ phải đầu tư cải tạo hệ thống lưới điện và phải cân nhắc đến hiệu quả của dự án và khả năng thu hồi vốn đầu tư. Đối với vấn đề đầu tư, đây là trở ngại lớn nhất trong những năm qua trong thực hiện giảm TTĐN. EVN thực hiện đầu tư phát triển hệ thống điện theo Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Quy hoạch, nhiều công trình điện đã bị chậm tiến độ do thiếu vốn, ách tắc trong giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công không đảm bảo đúng tiến độ cam kết. Lưới điện không theo kịp tăng trưởng phụ tải dẫn đến đầy, quá tải đường dây, TBA..., kéo theo đó, TTĐN của các đơn vị sẽ tăng.
Năm 2023, EVN đặt mục tiêu tổn thất điện năng giảm còn 6,15%. Đây là một mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh quá nhiều khó khăn về vận hành hệ thống điện. Thực tế, TTĐN đã giảm thấp sát ngưỡng kỹ thuật, nên các biến động về nguồn, tải so với dự báo hay chậm tiến độ công trình đều ảnh hưởng đến kết quả giảm TTĐN của đơn vị.
Ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN cho biết, đối với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Nam là hai Tổng công ty chưa đạt chỉ tiêu về TTĐN năm 2022, trong năm nay, EVN đã có chỉ đạo, các đơn vị cần tăng cường quản lý giảm sự cố dẫn đến phương thức vận hành bất lợi, thực hiện xử lý các đường dây, máy biến áp tải cao, vận hành quá tải; chủ động có phương án san tải, nâng cấp hợp lý để đảm bảo vận hành.
Với kinh nghiệm giảm TTĐN trong nhiều năm, EVN sẽ tiếp tục đúc rút kinh nghiệm xây dựng kế hoạch giảm TTĐN hợp lý, tập trung thực hiện tối đa các giải pháp quản lý vận hành, quản lý kinh doanh giảm TTĐN; tập trung thực hiện mục tiêu đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội và không ngừng nâng cao chất lượng điện cung cấp cho khách hàng.