Tối ưu vận hành công suất phản kháng trên lưới điện Đà Nẵng

Lãnh đạo PC Đà Nẵng nhận định việc vận hành tối ưu công suất phản kháng (CSPK) trên lưới điện phân phối sẽ góp phần quan trọng giảm tổn thất điện năng (TTĐN), cải thiện chất lượng điện áp; đồng thời, đảm bảo hệ số công suất lưới điện trung áp theo yêu cầu của Tổng công ty Điện lực miền Trung nên đây là công tác luôn được quan tâm sâu sát.

Quản lý vận hành các cụm tụ bù đã lắp đặt sao cho tốt và hiệu quả là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi CBCNV làm công tác quản lý phải có trình độ chuyên môn cũng như phải bỏ nhiều thời gian, công sức để theo dõi số liệu vận hành, kiểm tra định kỳ, hoán chuyển thiết bị bù, đảm bảo các cụm tụ bù phải thường xuyên vận hành hiệu quả, giảm tiêu thụ công suất phản kháng truyền tải trên đường dây về mức thấp nhất trong mọi thời điểm. Đứng trước những khó khăn và thử thách đó, PC Đà Nẵng đã đề ra nhiều giải pháp tích cực trong việc triển khai lắp đặt và quản lý tốt vận hành tụ bù công suất phản kháng trên lưới điện.

Ngay từ đầu năm 2022, PC Đà Nẵng đã chú trọng theo dõi biến động của phụ tải theo chu kỳ sản xuất, theo thời tiết hoặc thay đổi của phương thức vận hành để điều chỉnh linh hoạt trong công tác quản lý vận hành bù trên lưới điện trung hạ thế. Vì vậy, vấn đề đặt ra là ngoài việc tính toán, lựa chọn vị trí lắp đặt tụ bù trung hạ áp trên lưới điện mà yếu tố quan trọng là phải vận hành bù hợp lý dựa theo đặc điểm từng loại phụ tải đặc thù trong từng xuất tuyến trung áp để nhận định, tính chính xác dung lượng cần bù cho bù nền cố định và bù động theo các khoảng thời gian trong ngày nhằm tránh hiện tượng quá bù trong các giờ thấp điểm hoặc thiếu bù trong các giờ cao điểm.

PC Đà Nẵng thường xuyên theo dõi tình trạng phát ngược CSPK trên các chương trình DSPM, IFC… Đối với lưới điện hạ áp, Công ty thường xuyên theo dõi, giám sát tình trạng vận hành tụ bù tại TBA, tụ bù rãi trên đường dây hạ áp, để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp khi phụ tải biến động mạnh. Ngoài công tác kiểm tra TBA và đường dây hạ áp do ngành điện quản lý vận hành, PC Đà Nẵng cũng tiến hành kiểm tra tình hình vận hành các TBA của khách hàng, đặc biệt tập trung vào các TBA có lượng thiếu bù cao do tủ tụ bù đã phát sinh một số hư hỏng không đáp ứng được chế độ bù đầy đủ. Từ đó, kịp thời hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng về tình trạng trên để tránh tình trạng khách hàng phải trả thêm tiền CSPK cũng như làm ảnh hưởng đến chất lượng điện năng của hệ thống điện.

Công nhân quản lý vận hành kiểm tra tình hình vận hành các cụm tụ bù hạ áp trên lưới điện

Đối với lưới điện trung áp, trước đây phương thức bù chủ yếu dựa vào bù cố định. Qua nhiều năm theo dõi vận hành bù trên lưới điện, phương thức bù cố định chỉ tác dụng vào giờ cao điểm của phụ tải, còn vào giờ thấp điểm thường gây ra hiện tượng dư bù, làm tăng TTĐN, giảm hệ số cosφ. Nếu lắp đặt nhiều cụm tụ cố định cùng trên một xuất tuyến thì vào giờ thấp điểm hiện tượng dư bù sẽ càng trầm trọng hơn. Do đó, từ năm 2017 đến nay, PC Đà Nẵng đã chủ động đầu tư chuyển các cụm tụ bù cố định bằng các cụm tụ bù đóng cắt tự động theo thời gian và theo cosφ.

Tính đến nay, PC Đà Nẵng đã đưa vào vận hành 18 MVAr dung lượng bù tự động, chiếm 34% tổng dung lượng bù trung thế và theo kế hoạch dự kiến đến năm 2024 sẽ hoàn thành chuyển đổi 100% các cụm tụ bù đóng cắt tự động trên lưới điện, kết hợp với việc theo dõi tính chất phụ tải của từng xuất tuyến, điều chỉnh thông số cài đặt rơle, tự động đóng cắt tụ bù phù hợp với các khoảng thời gian trong ngày, theo tuần và theo từng mùa đã góp phần mang lại hiệu quả không nhỏ trong công tác quản lý vận hành tụ bù trên lưới điện.

Song song với đó, để hỗ trợ cán bộ kỹ thuật trong công tác quản lý vận hành, PC Đà Nẵng đã xây dựng “Chương trình quản lý theo dõi vận hành công suất phản kháng trên lưới điện”, chương trình giúp cho cán bộ quản lý kỹ thuật dễ dàng theo dõi tình trạng vận hành công suất vô công trên các xuất tuyến, đồng thời căn cứ vào các khuyến cáo từ chương trình có thể đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp và nhanh chóng. Qua đó, giảm đáng kể thời gian, xử lý kịp thời và hiệu quả trong việc theo dõi và vận hành công suất phản kháng trên lưới điện. Ngoài ra, định kỳ căn cứ vào tình trạng vận hành CSPK trên từng xuất tuyến, PC Đà Nẵng đã điều chỉnh kết lưới phù hợp nhằm tối ưu trong vận hành và mang lại hiệu quả cao.

Bằng việc thực hiện tốt công tác quản lý vận hành tối ưu công suất phản kháng đã và đang góp phần mang lại chất lượng điện năng cao hơn cho toàn bộ hệ thống điện, giảm tổn hao trên đường dây truyền tải, đem lại lợi ích to lớn về kinh tế và góp phần mang đến sự hài lòng của khách hàng PC Đà Nẵng.

Tác giả: Lê Hải
Tin liên quan