Tiềm năng điện gió ở Việt Nam là rất lớn

Dịch Covid-19 khiến cho kế hoạch vận hành thương mại (COD) vào ngày 31/10/2021 của hàng loạt nhà máy điện gió đứng trước nguy cơ không còn được hưởng cơ chế giá ưu đãi (giá FIT) theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nếu không có hướng giải quyết phù hợp kịp thời, Việt Nam có thể sẽ mất đi cơ hội đầu tư điện gió từ các nhà đầu tư nước ngoài...

Hàng chục dự án điện gió lỡ hẹn

Số liệu mới nhất của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5.655,5 MW đăng ký vận hàng thương mại (COD) thì đến ngày 22/10/2021, mới có 28 nhà máy điện gió với tổng công suất 1.247,4 MW đã được công nhận COD.

Nguyên nhân chính do dịch Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của các dự án điện gió, do giãn cách xã hội đã hạn chế sự di chuyển và đi lại. Như vậy, chỉ còn khoảng 1 tuần nữa, hàng chục dự án còn lại sẽ phải hoàn thành để hưởng giá FIT được xem khó khả thi

Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều dự án điện gió tại Việt Nam

Theo số liệu tính toán của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), Việt Nam sẽ có khoảng 4.000 MW dự án điện gió bỏ lỡ cơ hội vận hàng thương mại (COD), dẫn đến tổn thất rất lớn về đầu tư và việc làm trong tương lai. Với rủi ro tài chính ước tính ở mức 6,51 tỷ USD chi phí tài sản cố định, và 151 triệu USD chi phí vận hành hàng năm. Do phần lớn những khoản đầu tư này sẽ được đưa vào Việt Nam thông qua các hoạt động xây dựng và dịch vụ tại địa phương, tổn thất đối với nền kinh tế nội địa sẽ rất rõ rệt.

Năng lượng gió đóng góp mạnh mẽ vào tương lai năng lượng của Việt Nam. Các hỗ trợ trong lĩnh vực này là cần thiết để bảo vệ sức hấp dẫn của đất nước với tư cách là một điểm đến FDI.

Trước thực trạng trên, GWEC và ngành điện gió toàn cầu kiến nghị Chính phủ cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, như một biện pháp cứu trợ Covid-19 cho ngành điện gió Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam Mai Duy Thiện cho rằng việc xem xét gia hạn áp dụng giá FIT điện gió thêm một thời gian là rất cần thiết. Nếu không được gia hạn thì trong số hàng trăm dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN sẽ có rất nhiều dự án gặp khó.

Trước hết là vấn đề vốn, bởi vì suất đầu tư dự án điện gió khá cao. Suất đầu tư 1 MW điện gió khoảng 2 triệu USD. Tiếp đến, các dự án sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tài chính cũng như giá bán điện sau khi hết hạn giá FIT, nên các nhà đầu tư sẽ đối mặt nhiều rủi ro.

Trả lời về đề xuất gia hạn cơ chế giá FIT cho những dự án điện gió chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết Cục nhận được khá nhiều đề xuất của UBND các tỉnh, chủ đầu tư với nhiều lý do khác nhau sẽ có thể không kịp tiến độ để hưởng giá FIT. Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm nghiên cứu và đề xuất phương án đấu thầu, xác định giá đối với các dự án điện gió.

Sự hỗ trợ không ngừng của Chính phủ và khung chính sách năng lượng sạch dài hạn sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn cầu. Ông Dũng thông tin thêm, đối với các dự án đang thực hiện dở dang, Bộ Công Thương đang xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét những án này có thể không kịp đưa vào vận hành trước 31/10/2021, sẽ có những cơ chế để xử lý trên cơ sở chi phí các vốn đầu tư, bảo dưỡng, đặc tính kỹ thuật của nhà máy thương thảo giữa chủ đầu tư với bên mua điện để xác định giá mua điện.

Tiềm năng đầu tư điện gió ở Việt Nam rất lớn

Theo các chuyên gia hơn một năm trước, Việt Nam chỉ có khoảng 400 MW công suất phát điện từ gió được lắp đặt, thì nay, cả nước đã có hơn 2.000 MW dự án điện gió đang hoạt động hoặc đang được xây dựng. Việt Nam đã nhanh chóng trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về năng lượng tái tạo, dự báo sự tăng trưởng này sẽ còn tiếp tục.

Với suất đầu tư từ 2,5 - 3 tỷ USD/GW điện gió ngoài khơi, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút hàng trăm tỷ USD trong thập niên tới.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 năm qua dòng vốn FDI tập trung vào ngành năng lượng tái tạo khá cao. Đáng chú ý, năm 2020, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện thu hút tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư đăng ký, cao gấp 38 lần so với thời kỳ 5 năm trước đó. Cũng trong năm 2020 có 35% các dự án đăng ký FDI mới là trong lĩnh vực năng lượng (5,081 tỷ USD, với 20 dự án mới), đứng vị trí số 2 chỉ sau ngành công nghiệp sản xuất.

Đánh giá về đầu tư FDI vào năng lượng tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các dự án năng lượng tái tạo lớn chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư FDI tại Việt Nam, chỉ sau công nghiệp chế biến chế tạo. Điều này cho thấy, Việt Nam đang chứng kiến một “làn sóng” đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt đối với lĩnh vực điện gió.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho biết, với suất đầu tư từ 2,5 - 3 tỷ USD/GW điện gió ngoài khơi, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút hàng trăm tỷ USD trong thập niên tới. Tỷ lệ nội địa hóa tới trên 50% còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong lĩnh vực này.

Chính phủ cũng nhìn nhận điện gió sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi lớn của thế giới và thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ biển và tương lai là xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang khu vực ASEAN và vùng lân cận.

Điều này được thể hiện tại công văn số 795/TTg-CN ngày 25/6/2020 về việc bổ sung danh mục các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung thêm 7.000 MW từ các dự án điện gió mới vào quy hoạch tổng thể ngành điện của Việt Nam trên cơ sở báo cáo và đề nghị của Bộ Công Thương tại các công văn số 1931/BCT-ĐL ngày 19/03/2020 và số 3299/BCT-ĐL ngày 08/05/2020 về việc xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện gió.

Có thể nói rằng, điện gió không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Xuất phát từ kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới, các công ty tư vấn quốc tế cũng đã có những khuyến nghị Việt Nam nên cho phép triển khai một số dự án đủ lớn theo giai đoạn để khởi động cho lĩnh vực này.

Cơ chế, thủ tục lựa chọn dự án, nhà đầu tư và các vấn đề pháp lý liên quan là các nội dung cần được các cơ quan hữu quan hướng dẫn sớm để tạo môi trường thu hút đầu tư, phát triển nguồn điện gió ngoài khơi đầy tiềm năng mang tầm cỡ thế giới của Việt Nam.

Tác giả: Minh Châu
Nguồn:Theo PetroTimes Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51