Thừa Thiên Huế: Nét mới trong quản lý, vận hành hệ thống lưới điện

Những tháng đầu năm 2022, ngành điện Thừa Thiên Huế có các buổi làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương các huyện trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện các dự án điện trọng điểm, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, công tác giải phóng mặt bằng… Đây được xem là nét mới trong quản lý, vận hành lưới điện, bởi lâu nay khi thực hiện công tác này ngành điện ít được phối hợp và gặp không ít khó khăn.

Tại buổi làm việc với chính quyền các huyện A Lưới, Phong Điền và Phú Vang, ông Nguyễn Đại Phúc - Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) - báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện năng trên các địa bàn và các dự án lưới điện sẽ được triển khai trong năm 2022, năm 2023.

Lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (bên phải) làm việc tại huyện Phong Điền

Theo ông Nguyễn Đại Phúc, hiện nay lưới điện trên địa bàn toàn tỉnh đã được đầu tư nhằm tự động hóa và điều khiển từ xa, do đó rất linh hoạt trong việc cấp điện trên các địa bàn. Đa số các công tơ mua bán điện là công tơ điện tử có chức năng đo đọc từ xa, tự động chốt chỉ số, kết nối với phần mềm chăm sóc khách hàng, hỗ trợ khách hàng truy vấn thông tin sử dụng điện. Do vậy, công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng ngày càng được nâng cao.

Trong năm 2022, ngành điện sẽ thực hiện đầu tư 10 công trình xây dựng với tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng, với quy mô các dự án là xây dựng mới và cải tạo 8,1km đường dây hạ thế, 19,7km đường dây trung thế và 16 TBA, tổng dung lượng 2.560kVA tại địa bàn huyện Phong Điền; 3 công trình đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 2,7 tỷ đồng với quy mô các dự án là xây dựng mới và cải tạo 2,27km đường dây trung thế, 0,82km đường dây hạ thế và cải tạo 3 TBA/460kVA tại địa bàn huyện A Lưới.

Riêng tại địa bàn huyện Phú Vang, ngành điện lực sẽ thực hiện 7 công trình đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 21,67 tỷ đồng với quy mô là xây dựng mới và cải tạo 22,76km đường dây trung thế; 9,9km đường dây hạ thế và đầu tư xây dựng mới, cải tạo 30 TBA với tổng công suất 9.000 kVA.

Ngoài ra, dự án Trạm biến áp 110kV Vinh Thanh và đấu nối, đầu tư trên địa bàn huyện Phú Vang, đang triển khai với tổng mức đầu tư 118,34 tỷ đồng. Quy mô 12,61km đường dây 110kV, 0,94km đường dây trung thế, 1 TBA 110/22kV công suất 2x40MVA (giai đoạn lắp 1 máy biến áp). Dự án này sẽ do Tổng công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022. Đây sẽ là nguồn cung lưới điện đảm bảo cho sự phát triển kinh tế địa phương gắn liền với dịch vụ - du lịch trên địa bàn các xã ven biển. Bên cạnh đó, hàng năm ngành điện cũng ưu tiên nguồn vốn hàng chục tỷ đồng để sữa chữa, nâng cấp cải tạo hệ thống lưới điện.

Theo kế hoạch, năm 2023 ngành điện dự kiến sẽ đầu tư trên 12 tỷ đồng để triển khai đầu tư trên địa bàn thị trấn Phong Điền, huyện Phú Vang (hơn 17 tỷ đồng), huyện A Lưới (11 tỷ đồng). Ngoài ra, PC Thừa Thiên Huế cũng đã báo cáo Tổng công ty Điện lực miền Trung và đang được xem xét triển khai đầu tư TBA 110kV Khu công nghiệp Phong Điền, với tổng mức đầu tư 137,8 tỷ đồng.

Ngành điện ưu tiên các nguồn vốn đầu tư hạ tầng lưới điện, đảm bảo cung cấp điện cho doanh nghiệp, khách hàng phát triển sản xuất, sinh hoạt

Ông Nguyễn Đại Phúc cho biết thêm, ngành điện đã và đang làm tốt nhiệm vụ là cơ sở hạ tầng, đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. “Do vậy, nhằm đảm bảo tiến độ các dự án về nguồn và lưới điện trên địa bàn các huyện, kiến nghị với lãnh đạo huyện ủy, UBND các huyện có chủ trương, cơ chế để hướng dẫn, vận động người dân, hỗ trợ ngành điện trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công các dự án điện trên địa bàn nhằm đảm bảo khả năng cung cấp điện kịp thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

"Ngoài ra, để lưới điện được vận hành an toàn, liên tục, ngành điện cũng đã đề nghị các cấp lãnh đạo chỉ đạo UBND các xã hàng quý, năm phối hợp cùng đơn vị kiểm tra giải quyết các vướng mắc về vi phạm hành lang tuyến lưới điện theo Nghị định 14 của Thủ tướng Chính phủ”, Giám đốc PC Thừa Thiên Huế cho biết thêm.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các huyện đã ghi nhận sự đóng góp của ngành điện đã quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, đóng góp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Đình Bách - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền - cho biết, thời gian tới địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của ngành điện trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện tại các dự án trọng điểm, các khu dân cư mới.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch cụ thể về lộ trình xây dựng, phát triển thị trấn Phong Điền trở thành thị xã Phong Điền vào năm 2024 và định hướng đến năm 2030, xây dựng Phong Điền là đô thị động lực phía Bắc của tỉnh, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến thân thiện môi trường… Do vậy, nhu cầu về nguồn cung điện năng trong thời gian đến sẽ rất lớn, đặc biệt tại Cụm khu công nghiệp Phong Điền.

Về các kiến nghị của PC Thừa Thiên Huế, lãnh đạo huyện nhất trí cao giao các phòng nghiệp vụ của UBND huyện, sớm có chỉ đạo UBND các xã trực thuộc tăng cường phối hợp, thực hiện tốt các vướng mắc về vi phạm hành lang an toàn lưới điện, đồng thời có cơ chế hỗ trợ ngành điện trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thi công các dự án.

Nguồn:Theo Công Thương Sao chép liên kết
Tin liên quan