Thành lập 12 đoàn kiểm tra việc giải ngân hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi Covid-19

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung vừa ký Quyết định số 1191/QĐ-LĐTBXH (ngày 21/10) về việc thành lập 12 đoàn kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo Quyết định 1191, các đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra tình hình, kết quả và đôn đốc việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 (gói 26.000 tỷ); Nghị quyết số 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23; Nghị quyết số 116 về hỗ trợ lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quyết định số 28.

Chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19 tại Phú Xuyên, Hà Nội

Thời gian các đoàn tiến hành kiểm tra từ 21/10 đến hết ngày 3/11. Thành phần các đoàn kiểm tra bao gồm: Đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, lãnh đạo các đơn vị của Bộ LĐ-TB&XH.

Đoàn công tác sẽ kiểm tra các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP; chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg. Đoàn công tác cũng sẽ kiểm tra tình hình hỗ trợ gạo và các chính sách an sinh xã hội khác.

Ngoài ra, đoàn công tác cũng có nhiệm vụ nắm bắt thực trạng thiếu hụt lao động trong các ngành, nghề, lĩnh vực, trong các doanh nghiệp, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu công nghiệp, khu chế xuất; tình hình dịch chuyển lao động ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động tự do; đề xuất các giải pháp khắc phục, phục hồi, phát triển thị trường lao động và các kiến nghị.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 14/10, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là gần 21.890 tỷ đồng, hỗ trợ cho 24,26 triệu lượt đối tượng.​​​​​​​

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định xuất cấp tổng cộng 137.090 tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,41 triệu hộ với gần 9,14 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Kết quả triển khai nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg đến ngày 14/10 là đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 428.894 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 111.212 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, một số chính sách triển khai còn chậm, do thời gian vừa qua tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tại một số địa phương, người lao động không đi lại được để hoàn thiện thủ tục đề nghị hưởng chính sách.

Một số chính sách giải ngân chậm, như cho vay vốn trả lương ngừng việc, mới chi gần 566 tỷ đồng hỗ trợ hơn 1.000 lượt chủ sử dụng lao động trả lương cho khoảng 161.000 người.

Bên cạnh đó, cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ở các cấp địa phương còn có những cách hiểu khác nhau, hiểu chưa đầy đủ về chính sách, do đó, chưa linh hoạt trong việc xử lý. Đơn cử, tỉnh Quảng Ngãi quyết định không chi tiền cho 137.000 lao động tự do bởi ngân sách eo hẹp. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đề nghị lãnh đạo tỉnh này có văn bản báo cáo cụ thể tình hình lên Chính phủ.

Một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm. Việc bố trí kinh phí hỗ trợ còn khó khăn do phải tập trung vào các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong 3 tháng qua, khoảng 5 lần Bộ trưởng phải trực tiếp đốc thúc các tỉnh thành chi hỗ trợ cho người dân.

Sau gần 3 tháng triển khai, gói an sinh 26.000 tỷ đồng giải ngân được gần 21.900 tỷ đồng, hỗ trợ cho 24,26 triệu lượt lao động.

Tại 23 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng kinh phí thực hiện các chính sách là 17.750 tỷ đồng (chiếm 80% toàn quốc) hỗ trợ 16,8 triệu đối tượng (chiếm 69,5% toàn quốc). Riêng TP Hồ Chí Minh đã chi 10.130 tỷ đồng hỗ trợ 9,41 triệu lượt đối tượng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (1.965 tỷ đồng), Hà Nội (1.641,7 tỷ đồng), Đồng Nai (1.143,8 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (986 tỷ đồng).

Gói 38.000 tỷ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp triển khai ngày 1/10. Cơ quan chức năng dự kiến hỗ trợ 12,8 triệu lao động xong trong vòng 45 ngày. Đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chi tiền hỗ trợ cho 1,51 triệu người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 0,2 triệu người dừng đóng quỹ, tổng kinh phí hơn 4.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, hiện cơ bản đã hoàn thành việc xác định số giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 363.300 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.594,6 tỷ đồng.

Tác giả: M.C
Nguồn:petrotimes Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51