Tập đoàn Orsted muốn làm điện gió ngoài khơi hơn 12 tỷ USD tại Hải Phòng

Tập đoàn Orsted đang đề xuất nghiên cứu khảo sát dự án điện gió ngoài khơi tại Hải Phòng công suất 3.900MW, với tổng mức đầu tư từ 11,9 - 13,6 tỷ USD.

Điện gió ngoài khơi đang là một trong những lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm tới săn đón cơ hội

Làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng, Tập đoàn Orsted đã trình bày đề xuất về một dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn.

Cụ thể, dự án Orsted đề xuất nghiên cứu khảo sát có tổng công suất 3.900MW, chia làm ba giai đoạn. Sản lượng gió dự kiến khoảng hơn 13,6MWh/năm, tuabin gió dự kiến lắp đặt công suất khoảng 20MW, chiều cao trụ từ 150 đến 200m.

Vị trí dự án ở vùng biển ngoài khơi, phía Đông Nam cách đảo Bạch Long Vỹ 14km, phía Tây Bắc cách quần đảo Long Châu 36km, cách đảo Cát Bà 88km, cách huyện Tiên Lãng 76km, cách huyện Kiến Thụy 74km, cách quận Đồ Sơn 70km. Tổng mức đầu tư dự án ước tính trong khoảng 11,9 - 13,6 tỷ USD.

Lãnh đạo TP. Hải Phòng khẳng định sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai. Dự án phù hợp với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, với quan điểm ưu tiên khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo... 

Để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai, nghiên cứu quy hoạch sau này, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đề nghị nhà đầu tư cung cấp thêm các tài liệu bổ sung về dự án.

Đồng thời, yêu cầu tập đoàn rà soát, làm rõ các nội dung liên quan đến vị trí khảo sát, khoảng cách bố trí các tuabin gió phù hợp để kết hợp và phát triển hợp lý không gian biển một cách khoa học, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành, việc phân kỳ đầu tư, không làm tác động ảnh hưởng đến luồng hàng hải, vấn đề an ninh quốc phòng…

Tại chương trình hành động 01 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, thành phố nêu rõ ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và điện gió ngoài khơi gắn với việc triển khai chiến lược kinh tế biển Việt Nam. 

Theo đó, tập trung phát triển điện gió tại các khu vực có tiềm năng như: khu vực huyện đảo Bạch Long Vĩ, khu vực phía bắc Thủy Nguyên (khu vực núi Sơn Đào) và khu vực ven biển Bàng La, quận Đồ Sơn…

Orsted là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi do Chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối. Năm 2020, doanh thu của tập đoàn này đạt 8,6 tỷ USD, lợi nhuận lên tới 3 tỷ USD.

Mới đây, Orsted đã thể hiện rõ quyết tâm đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam bằng việc ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) với Tập đoàn T&T về việc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Quan hệ hợp tác chiến lược này hứa hẹn đem lại nguồn cung lớn về năng lượng tái tạo thông qua các dự án điện gió ngoài khơi đầu tư mới tại Bình Thuận và Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD (dự kiến được phân kỳ đầu tư trong thời gian 20 năm).

Tới nay, sự cạnh tranh giữa các bên tại một số dự án điện gió ngoài khơi cho thấy sức hút mạnh mẽ của lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đơn cử, tại khu vực ngoài khơi biển Bình Thuận, tập đoàn đến từ Đan Mạch đang đối mặt với việc giằng co không gian mặt biển với một số doanh nghiệp khác, khi dự án điện gió ngoài khơi Tuy Phong tại đây có hàng chục nghìn hecta biển chồng lấn với các dự án cùng loại.

Cụ thể, điện gió ngoài khơi Tuy Phong với tổng công suất dự kiến 4.600MW, gồm 3 giai đoạn (hoàn thành lần lượt vào các năm 2029, 2032 và 2034), do Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) đề xuất đầu tư. Sản lượng điện phát lên lưới khoảng 20.148GWh/năm, tổng mức đầu tư khoảng 368.800 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu khoảng 110.650 tỷ đồng còn lại là huy động từ tập đoàn mẹ và các tập đoàn thành viên).

Điện gió ngoài khơi Bình Thuận công suất 5.000MW, nhà đầu tư Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình, tổng vốn khoảng 287.100 tỷ đồng. Điện gió ngoài khơi Biển Cổ Thạch 2.000MW do Công ty CP Đầu tư HLP đăng ký đầu tư, tổng vốn khoảng 4,4 tỷ USD.

Hiện cả 3 dự án này đều đã xuất hiện trong dự thảo Quy hoạch điện VIII (danh mục các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng). Trong trường hợp cả 3 dự án đều được bổ sung vào Quy hoạch điện VIII sẽ là cú bứt phát mạnh mẽ đối với Bình Thuận trong việc thu hút đầu tư nói chung và lĩnh vực năng lượng nói riêng.

Điện gió ngoài khơi Tuy Phong đòi hỏi khảo sát trên vùng biển khoảng 50.000ha (trong đó, diện tích sử dụng đất và mặt nước có thời hạn khoảng 1.200ha), chồng lấn khoảng 40.471ha với điện gió ngoài khơi Bình Thuận và điện gió ngoài khơi Biển Cổ Thạch.

Sở Công thương Bình Thuận cho biết, từ đầu năm 2021, sở đã nhiều lần có văn bản góp ý về việc chồng lấn và các nội dung có liên quan gửi Tập đoàn Orsted. 

Thậm chí, sở cũng đã nhiều lần tổ chức làm việc với các đơn vị liên quan để giải quyết đề xuất của Orsted (trong đó có việc hai bên cùng ngồi lại với Công ty TNHH Xuân Thiện – Ninh Bình để trao đổi về các vấn đề vướng mắc). 

Tuy nhiên, Tập đoàn Orsted vẫn không thống nhất điều chỉnh ranh dự án đề xuất ra khỏi khu vực chồng lấn, do đó, vướng mắc này đến nay vẫn chưa thể giải quyết.

Tác giả: Nguyễn Cảnh
Nguồn:theleader.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51