Tăng cường các giải pháp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện

Ngày 4/3/2022, PC Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Giải pháp giảm thời gian mất điện năm 2022 do ông Nguyễn Đình Tuân – Phó giám đốc Kỹ thuật PC Đà Nẵng chủ trì. Các đại biểu tham dự Hội nghị đã phân tích, nhìn nhận những nguy cơ gây sự cố, bàn giải pháp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trong năm 2022.  Hội nghị được tổ chức qua hình thức trực tuyến tại PC Đà Nẵng và 6 điểm cầu các điện lực trực thuộc Công ty.

 

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu PC Đà Nẵng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Đình Tuân – Phó giám đốc Kỹ thuật PC Đà Nẵng cho biết, các đơn vị đã hoàn thành tốt hầu hết các chỉ tiêu đề ra năm trước. Theo đó, chỉ số SAIDI năm 2021 của Công ty là 142 phút/khách hàng/năm, giảm đến 40% so với kế hoạch giao; SAIFI là 1,26 lần, giảm 30% so với kế hoạch giao…

Chỉ số độ tin cậy cung cấp điện của PC Đà Nẵng thực hiện đạt kế hoạch được giao và đóng góp vào thành tích chung của Công ty trong năm qua với thành tích xếp thứ Ba phong trào thi đua toàn diện khối các công ty điện lực; xếp thứ Nhì công tác quản lý kỹ thuật.

Tại Hội nghị, đại diện Phòng Kỹ thuật, Phòng Điều độ và Điện lực Hải Châu đã báo cáo, đánh giá nội dung các chỉ tiêu độ tin cậy lưới điện, công tác kế hoạch, đầu tư xây dựng và những hạn chế của lưới điện Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đình Tuân – Phó giám đốc Kỹ thuật PC Đà Nẵng chủ trì Hội nghị

Qua phân tích đánh giá, PC Đà Nẵng nhận thấy nhiều yếu tố tác động khiến chỉ tiêu SAIDI cao hơn kế hoạch EVNCPC giao. Cụ thể: công tác bảo trì, bảo dưỡng lưới điện và công tác thi công để đầu tư xây dựng lưới điện thực hiện thời gian dài trên 6 giờ, các xuất tuyến còn ít thiết bị phân đoạn cũng như một số nhánh của xuất tuyến vẫn còn độc đạo (chưa đảm bảo tiêu chí nhận điện từ 2 nguồn); vi phạm hành lang an toàn lưới điện (do xây dựng công trình dân dụng, treo biển quảng cáo, cây cối trong hành lang lưới điện…); tình trạng sự cố do động vật xâm nhập và hư hỏng thiết bị (vận hành trong vùng nhiễm mặn, sương muối, khu vực bụi bẩn, thiết bị vận hành lâu năm…) vẫn đang còn xảy ra; khối lượng TBA công cộng có số lượng khách hàng trên 400 khách hàng/TBA vẫn còn nhiều (111 TBA chiếm 5,5% tổng số TBA công cộng)...

Do vậy, để giải “bài toán” nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung phân tích, đề ra các giải pháp và phương hướng thực hiện giảm thời gian mất điện năm 2022. Theo đó, PC Đà Nẵng sẽ tổ chức công tác đăng ký, duyệt phương thức thực hiện một cách khoa học, hợp lý nhằm đảm bảo thời gian công tác theo đúng kế hoạch tháng, năm đã đề ra (xây dựng công cụ tính toán chỉ số độ tin cậy SAIDI, SAFI cho từng công tác cụ thể, theo từng xuất tuyến cụ thể). Đồng thời, PC Đà Nẵng đảm bảo thời gian cắt điện công tác tối đa không quá 6 giờ. Đối với các công tác có ảnh hưởng đến SAIDI của Công ty > 2 phút thì yêu cầu phải có phương án thi công cụ thể và có sự đồng ý của lãnh đạo Công ty. Ngoài ra, PC Đà Nẵng sẽ tận dụng tối đa việc phân đoạn bằng thiết bị đóng cắt, tạo lèo để cô lập không điện vùng công tác; đối với các TBA trung áp, phân bố lịch công tác phù hợp, không xảy ra tình trạng mất điện kéo dài trên 2 lần/năm.

Ông Võ Văn Phương – Phó phụ trách phòng Kỹ thuật trình bày báo cáo

Về công tác vận hành, toàn Công ty quyết tâm và thực hiện triệt để công tác giảm sự cố theo các giải pháp đã nêu tại Hội nghị tổng kết chương trình sự cố năm 2021 và phương hướng giảm sự cố năm 2022. PC Đà Nẵng tiếp tục theo dõi chặt chẽ vận hành hệ thống DAS và thường xuyên tổ chức huấn luyện nhằm nâng cao kỹ năng thi công đối với công nhân quản lý vận hành và thi công đường dây trung áp; quán triệt các đơn vị phải xử lý khiếm khuyết còn tồn tại trên lưới điện sau những lần kiểm tra định kỳ.  

Bên cạnh đó, PC Đà Nẵng quyết tâm đảm bảo các công trình đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo lưới điện năm 2022 vào đúng tiến độ giao. Đồng thời, PC Đà Nẵng sớm lập kế hoạch tạo lèo, lắp đặt bổ sung thiết bị phân đoạn và kết nối mạch vòng với các xuất tuyến trung áp khác nhằm đảm bảo số khách hàng trên 1 xuất tuyến không quá 5.000 khách hàng, vận hành Imax dưới 200A; xuất tuyến trung áp xây dựng mới có thể liên lạc với 2 - 3 xuất tuyến khác nằm trong các phân đoạn khác nhau và có thể nhận điện ít nhất từ 2 nguồn điện khác nhau; số khách hàng trên mỗi phân đoạn giữa LBS và LBS hoặc LBS và Recloser không quá 1.000 khách hàng...

Đối với TBA công cộng, PC Đà Nẵng định hướng phân bổ lại lượng khách hàng trên mỗi TBA công cộng, đảm bảo tiêu chí số khách hàng tối đa trên mỗi trạm biến áp công cộng không quá 300 khách hàng và phấn đấu không có TBA công cộng có trên 400 khách hàng trong năm 2022; triển khai, nghiên cứu kết nối mạch vòng hạ áp giữa TBA công cộng nhằm đảm bảo chuyển tải linh hoạt. Đối với lưới điện ngầm, trong quá trình thiết kế cần xây dựng các điểm nút, các mạch vòng chính, mạch vòng nhánh đảm bảo tính liên kết và dự phòng N-1. Bên cạnh đó, PC Đà Nẵng cũng rà soát và đảm bảo có tối đa nguồn nhân lực, vật lực trong phạm vi công tác đã được phê duyệt.

Các điểm cầu tham dự Hội nghị

PC Đà Nẵng cũng sẽ tăng cường công tác vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao và khai thác triệt để công tác hotline để thực hiện các giải pháp giảm thiểu sự cố trung áp, các công tác sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, công tác tạo lèo phục vụ CBM Tier 2, xử lý các hiện tượng bất thường, sự cố… Ngoài ra, PC Đà Nẵng tăng cường sử dụng máy biến áp (MBA) lưu động kết hợp với công tác sửa chữa nóng lưới điện (hotline) nhằm rút ngắn thời gian tạm ngừng cấp điện khi thi công, bảo dưỡng lưới điện.

Được biết, năm 2021, PC Đà Nẵng là đơn vị thực hiện chỉ số độ tin cậy cung cấp điện xếp thứ 31/107 trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cụ thể: chỉ số SAIDI thực hiện 142 phút/280 phút; chỉ số MAIFI là 0,147 lần/0,76 lần; chỉ số SAIFI là 1,26 lần/1,81 lần.

Có thể khẳng định rằng thành quả đã đạt được trong năm 2021 là vinh dự và động lực thúc đẩy cán bộ công nhân viên PC Đà Nẵng tiếp tục cố gắng hơn nữa trong năm 2022; phấn đấu thực hiện các thông số của bộ chỉ số độ tin cậy cung cấp điện năm 2022 đạt hoặc giảm sâu so với kế hoạch EVNCPC giao.

 

Tác giả: Yên Bình
Tin liên quan