Tâm sự của một an toàn vệ sinh viên giỏi, tiêu biểu
Anh Lê Mạnh Hưng – Công nhân Điện lực Phú Hòa là một trong những An toàn vệ sinh viên giỏi, tiêu biểu được Công đoàn EVN khen thưởng năm 2019.
Công nhân Lê Mạnh Hưng được biểu dương tại Lễ Tuyên dương CNLĐ, ATVSV giỏi, tiêu biểu năm 2019.
Năm 2018, anh được EVNCPC tặng giấy khen cá nhân xuất sắc qua kết quả bình chọn của nhóm facebook EVNCPC - Kết nối đồng nghiệp về thành tích công nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây là một động lực để khuyến khích, động viên anh cố gắng phát huy và giành những thành tích cao hơn nữa đóng góp chung vào thành tích chung của đơn vị.
Dưới đây là những lời tâm sự mộc mạc của anh Lê Mạnh Hưng về công việc hiện tại tại Lễ tuyên dương CNLĐ, ATVSV giỏi, tiêu biểu của PC Phú Yên năm 2019.
Ngành điện là một trong những ngành kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Riêng bản thân tôi, đã chọn sự nghiệp thợ điện là sự nghiệp mà mình sẽ gắn bó suốt cả cuộc đời. Chính vì thế mà ngay từ khi bước chân vào nghề, tôi luôn đặt cho mình mục tiêu phấn đấu học tập tu dưỡng, rèn luyện trở thành một người thợ giỏi để cống hiến cho ngành điện.
Từ kinh nghiệm của bản thân trong 13 năm làm nghề, tôi tự nhận thức và xác định cho mình rằng: Điều cần thiết đầu tiên đối với người thợ điện là phải có đạo đức nghề nghiệp và tâm huyết với nghề, tận tuỵ với công việc. Bởi vì, người thợ có đạo đức nghề nghiệp, sống đúng mực, chuyên môn tốt thì mới có thể làm tốt nhất công việc được giao và được đồng nghiệp gửi gắm niềm tin và làm theo. Tôi hiểu một điều không thể thiếu là người thợ điện muốn làm giỏi phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, kiến thức xã hội sâu sắc, cả bề rộng và bề sâu, có phương pháp làm việc khoa học, phù hợp với từng công việc. Xác định rõ điều đó, bản thân tôi đã không ngừng trau dồi, học tập để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn. Đặc biệt là việc vận dụng các sáng kiến vào công việc.
Năm 2017, tôi nhận thấy công tác phát quang hành lang lưới điện là công việc có khối lượng lớn và thường xuyên, chiếm nhiều thời gian và nhân lực ở Đội Quản lý đường dây và trạm và Đội Quản lý tổng hợp Bắc Phú Hòa. Qua tìm hiểu trên internet và nhiều nguồn tin liên quan khác, tôi phát hiện trên thị trường có loại máy cắt cành cao, có thể cắt cây, cành ở phạm vi cao tới 6,5 mét rất phù hợp cho công tác phát quang ở điện lực. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn đề xuất với Ban Giám đốc Điện lực mua và sử dụng tại đơn vị. Kết quả sử dụng máy cắt cành cao trong công tác phát quang mang lại nhiều hiệu quả, giúp đơn vị tiết kiệm nguồn nhân lực trong công tác phát quang, nâng cao năng suất lao động và được PC Phú Yên biểu dương cho sáng kiến sử dụng máy cắt cành cao trong công tác phát quang hành lang tuyến.
Tháng 4/2018, tôi chuyển sang làm công tác an toàn vệ sinh viên (ATVSV). Tại các buổi sinh hoạt đầu giờ, tôi luôn phổ biến và nhắc nhở quy trình an toàn điện, phổ biến các công văn về an toàn của cấp trên cho anh em trong đội, đồng thời phân tích, giải thích các trường hợp mất an toàn và cùng anh em rút ra các bài học kinh nghiệm. Tôi thường xuyên kiểm tra các trang cụ an toàn và dụng cụ đồ nghề tại Đội sản xuất, kịp thời khắc phục và báo cáo cấp trên khắc phục hoặc thay thế nếu bị hỏng hóc không đảm bảo an toàn trong công việc. Trong quá trình làm việc tại hiện trường, tôi luôn chấp hành nghiêm túc và nhắc nhở anh em trong nhóm công tác chấp hành qui trình an toàn điện, những chú ý để làm việc an toàn để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công việc.
Năm 2017, Phú Hòa xảy ra cơn bão số 12, toàn bộ huyện Phú Hòa bị mất điện. Sau bão, đơn vị đã kiểm tra và thống kê khối lượng thiệt hại rất lớn, là một trong những đơn vị thiệt hại nặng nề nhất của PC Phú Yên. Nhiệm vụ trọng tâm lúc này là phải nhanh chóng khôi phục lại lưới điện nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Tôi cùng các ATVSV khác, cán bộ an toàn và lãnh đạo các cấp luôn bám sát hiện trường, kịp thời nhắc nhở, động viên anh em cố gắng trong công việc và tuân thủ nghiêm túc quy trình an toàn để đảm bảo an toàn cho tất cả anh em không chỉ ở đơn vị mà nhiều anh em ở các đơn vị khác đến hỗ trợ. Tất cả công nhân dù rất mệt mỏi do làm việc nhiều ngày ở cường độ cao nhưng vẫn luôn cố gắng hoàn thành tiến độ lãnh đạo Công ty đề ra. Kết quả, đơn vị đã khôi phục nhanh chóng lưới điện sau bão và điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho tất cả công nhân của nhiều đơn vị tham gia.
Công việc của một ATVSV với tôi cũng thường hay va chạm. Một số anh em trong đội đôi khi còn có tâm lý chủ quan trong công tác an toàn. Một số cán bộ trong đơn vị vì áp lực chạy theo tiến độ công việc có lúc, có nơi còn xem nhẹ công tác an toàn. Tôi luôn dứt khoát và chấp nhận va chạm để bảo vệ an toàn cho đội công tác. Anh em rồi cũng hiểu vì nhiệm vụ chung và vì lợi ích lớn nhất của anh em là được làm việc an toàn để trở về với gia đình. Áp lực tiến độ công việc được giải quyết bằng làm việc khoa học, bằng công tác quản lý hiệu quả, bằng áp dụng công nghệ và bằng kỹ năng làm việc. Tôi dứt khoát không đem việc an toàn ra đánh đổi.
Xác định bản thân là một trong những thành viên chăm lo cho công tác an toàn tại đơn vị, vì thế tôi luôn cố gắng học hỏi nhiều hơn nữa những kiến thức cần cho công việc. Trong công việc tôi luôn chịu khó, trong công tác an toàn tôi luôn chấp hành nghiêm túc. Tôi luôn cố gắng thưc hiện làm sao để mọi người trong đội tôi nói riêng và đơn vị nói chung không chủ quan trong công tác an toàn, xem việc làm việc an toàn là văn hóa.
Nguồn:Thành Long/Icon.com.vn Sao chép liên kết