Sẽ thay đổi tiêu chí đánh giá tình hình dịch Covid-19

Ngày 25-11, tại hội nghị trực tuyến sơ kết điều trị Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong đợt dịch thứ 4, công tác hướng dẫn, điều trị Covid-19 đã có nhiều thay đổi. Việt Nam đã thử nghiệm lâm sàng nhiều loại thuốc, ứng dụng các phác đồ điều trị Covid-19 hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giảm thiểu tử vong. 

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại hội nghị

Trước tình hình số ca mắc Covid-19 và tử vong tăng cao gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, khi mở cửa các hoạt động, nếu người dân không thực hiện nghiêm túc 5K, chắc chắn số ca mắc sẽ tăng cao. Bộ Y tế sẽ cử đoàn công tác của Cục Quản lý khám chữa bệnh làm đầu mối cùng các cục, vụ liên quan đến các nơi có tình hình dịch phức tạp để khảo sát.

Sau khi đoàn hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ các tỉnh tăng cường năng lực điều trị. Khi số ca mắc tăng, điều quan trọng là tăng cường cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế một cách nhanh nhất, sử dụng các loại thuốc đúng chỉ định sớm nhất để giảm bệnh nhân nặng và tử vong.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã thống nhất với một số địa phương huy động lực lượng quân đội tham gia theo dõi điều trị F0 tại nhà; đồng thời có văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin điều chỉnh điều 56 của Luật Dược để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho Bộ Y tế cấp phép nhanh các loại thuốc kháng virus đường uống phục vụ điều trị F0.

Tới đây sẽ có thay đổi tiêu chí đánh giá dịch bệnh của các địa phương theo hướng không quá chú trọng về tiêu chí số ca mắc trên 100.000 dân/tuần. Đánh giá ca mắc không dựa trên xét nghiệm diện rộng, không xét nghiệm cộng đồng nữa mà dựa trên những trường hợp nghi ngờ hoặc khi truy vết F1 liên quan đến F0.

Việc quan tâm nhất là giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, bệnh nhân nhập viện và giảm bệnh nhân tử vong. Có thể thời gian tới sẽ lấy những mục tiêu này làm tiêu chí đánh giá mức độ dịch.

Đến nay, Bộ Y tế đã xây dựng phiên bản 7 về phác đồ điều trị, trong đó thử nghiệm lâm sàng nhiều loại thuốc, biện pháp điều trị Covid-19 tiên tiến. Đã xây dựng được gói thuốc A ở TPHCM như thuốc hạ nhiệt, ho, thuốc bổ để cấp cho F0 điều trị tại nhà. Gói thứ 2 là thuốc kháng viêm, kháng đông. Gói thứ 3 là thử nghiệm thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị bệnh nhân thể nhẹ, thí điểm có kiểm soát trong cộng đồng.

Việt Nam đã cấp khoảng 250.000 liều thuốc Molnupiravir cho nhiều đơn vị, địa phương. Kết quả điều trị rất khả quan khi có 72% - 93% người chuyển sang âm tính khi sử dụng Molnupiravir sau 5 ngày, giảm tỷ lệ tử vong khoảng 50% so với nhóm không sử dụng. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ có thêm 1 triệu liều thuốc Avigan kháng virus điều trị Covid-19 từ Nhật Bản và sớm phân bổ cho các địa phương đưa vào điều trị bệnh nhân nhẹ, đảm bảo không bị gián đoạn điều trị.

Tác giả: Theo: SGGP
Tin liên quan