Quy hoạch Khu trụ sở làm việc của các Bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây sẽ như thế nào?
Cuộc thi tuyển Ý tưởng quy hoạch - kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc của các Bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây đã được Bộ Xây dựng tổ chức triển khai thực hiện từ tháng 12/2020 theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 658/QĐ-TTg ngày 19/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ...
Chiều 8/10/2021, Bộ Xây dựng đã tổ chức trao giải cuộc thi Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các Bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết đây là cuộc thi quốc tế dành cho các tổ chức tư vấn thiết kế trong nước và nước ngoài có đủ năng lực chuyên môn. Yêu cầu ý tưởng quy hoạch, kiến trúc khu trụ sở làm việc phải đáp ứng yêu cầu đồng bộ, hiện đại; hình thành cụm công trình kiến trúc đặc sắc không chỉ của Thủ đô mà của cả nước, xứng đáng là biểu tượng cho kỷ nguyên phát triển của Việt Nam, hướng tới là một nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Khu vực trụ sở bộ ngành gồm 12 tòa nhà, với tổng diện tích sàn nổi 407.000m2, gồm các khối công năng bổ trợ cho khối trụ sở cơ quan như sàn khách sạn, tổ hợp giải trí, phức hợp thể thao và hội nghị hội thảo, khách sạn văn phòng.
Trên cơ sở đánh giá, xếp hạng của Hội đồng Chấm tuyển, Bộ Xây dựng đã phê duyệt kết quả và trao giải cho 5 phương án ý tưởng gồm Hạng A, Hạng B, Hạng C và 2 giải Khuyến khích. Trong đó, ý tưởng thiết kế "Dải ngân hà xanh chốn Thăng Long - Thang Long Green Galaxy" của liên danh Nikken Sekkei Ltd và Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC) đã giành chiến thắng đạt giải A.
Được biết, CDC là đơn vị tư vấn thiết kế hàng đầu của Việt Nam thuộc tổ hợp Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VC group) với hơn 30 năm kinh nghiệm. Các dự án trọng điểm mà CDC đã thực hiện như: Nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Văn phòng Chính Phủ, Bộ Ngoại giao ….
Đồng hành cùng CDC tại Cuộc thi tuyển Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở các Bộ ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội, lần này là Liên danh Công ty Nikken Sekkei Ltd (Nhật Bản), một trong những tên tuổi quen thuộc trên thị trường tư vấn thiết kế tại Việt Nam và trên toàn thế giới. CDC cũng là đối tác chiến lược trong nhiều năm cùng Nikken Seikkei triển khai các dự án, tiêu biểu như: Bảo tàng lịch sử Quốc gia đến công trình trụ sở Cục Viễn thông, Tháp truyền hình quân đội, Bảo tàng lịch sử Quân đội
Phương án ý tưởng Quy hoạch lấy ý tưởng "Dải Ngân Hà Xanh Thăng Long" đạt giải Nhất của Liên danh Công ty Nikken Sekkei Ltd (Nhật Bản) và Công ty CP Tư vấn đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam (CDC*) với mong muốn truyền tải thông điệp về một Quy hoạch xanh, bền vững và có tính kết nối cộng đồng cao khi đề xuất tất cả các khu vực của dự án đều được kết nối hữu cơ, cho phép người lao động, du khách và cư dân địa phương tiếp cận miễn phí và dễ dàng đến thông qua các phương tiện như tàu điện ngầm, xe buýt, ô tô,…".
Theo thiết kế, sự tầng bậc của các khối hình học được lấy cảm hứng từ những thung lũng xanh đồng bằng Bắc Bộ, tạo ra những thung lũng xanh trong lòng phố thị, khối văn phòng sẽ được đẩy lên cao giao hòa trên những thảm xanh.
Các trụ sở có diện tích sàn lớn tới nhỏ được bố trí theo một trật tự thống nhất, chiều cao các tòa nhà được xác định tương đối theo trật tự hình thành đường chân trời thấp ở trung tâm và cao dần ra hai bên thống nhất toàn bộ khu vực quy hoạch. Đường chân trời này kết hợp với các lượn sóng cảnh quan tạo thành điểm đặc biệt để nhận biết cho khu vực.
Quảng trường được chia thành 3 khu vực chính bao gồm: Quảng trường Dân chủ được bao bọc trong trụ sở cơ quan các bộ ban ngành; Quảng trường Sân ga được bao bọc bởi các tổ hợp bán lẻ, khách sạn và các công trình văn hóa, công cộng; Quảng trường gia đình; Quảng trường văn hóa; Quảng trường Lối vào được hình thành bởi khu bán lẻ chiếm tỉ lệ chính.
Phương án thiết kế tăng cường các dịch vụ vui chơi giải trí như: Khách sạn, Trung tâm giáo dục, Trung tâm y tế, Rạp chiếu phim, Khu phức hợp thể thao, Không gian nghỉ dưỡng, tiếp xúc với thiên nhiên; Trung tâm hội nghị; Khu vực triển lãm.
Theo phương án thiết kế, kết nối toàn bộ khu Tây Hồ Tây sẽ thông qua vành đai xanh 3 chiều và 3 tuyến đường giao thông phân tách rõ ràng: Giao thông tầng trệt cho dân cư khu vực, sẽ có các con hẻm thông tầng dẫn cư dân và cán bộ, nhân vi từ các khu vực lân cận vào trục cây xanh trung tâm và tâm điểm của sự phát triển. Giao thông sàn nổi cho khách di chuyển trên Metro, đảm bảo lưu thông liền mạch cho người đi bộ bằng sàn deck, được kích hoạt bởi ki-ốt / quán cà phê và các gian hàng. Trong tương lai, tuyến sàn deck có thể được thiết kế và đầu tư xe buýt điện tự động, không người lái và xe điện đưa đón giúp kết nối xuyên suốt bảo tàng - nhà ga - nhà hát opera. Giao thông công cộng. Dự án được kết nối vô cùng thuận tiện qua các tuyến xe buýt, tuyến Metro và taxi.
Được định hướng trở thành "trục xanh" và trung tâm hành chính cấp quốc gia mới, giảm tải cho khu vực nội đô hiện tại theo Quy hoạch Hà Nội tầm nhìn 2030-2050, Khu trụ sở các Bộ ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây hứa hẹn sẽ trở thành công trình tầm cỡ không chỉ có ý nghĩa biểu tượng, công trình điểm nhấn mà còn mang lại giá trị về Chính trị - Kinh tế.
Với vị trí đắc địa, giàu tiềm năng, nằm trên tuyến đường Vành đai 2 kết nối khu vực trung tâm thẳng tới sân bay quốc tế, tiếp giáp với Hồ Tây, sông Hồng, song song là tuyến đường sắt đô thị UMRT 2A, xung quanh là chuỗi các dự án nổi bật của thành phố như khu nhà ở, thương mại với mật độ cao, nhà hát được quy hoạch ở phía Đông và công viên Bảo tàng nằm ở phía Tây khu đất, dự án sẽ là trung tâm tập trung nhiều tuyến giao thông trọng yếu cũng như nhiều cảnh quan nổi bật của Hà Nội.