PC Thừa Thiên Huế ứng dụng Chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh

Với mục tiêu phấn đấu đưa PC Thừa Thiên Huế sớm trở thành một doanh nghiệp số theo lộ trình của EVNCPC, mọi lĩnh vực tác nghiệp SXKD được thực hiện và kiểm soát trên môi trường số.

         Theo đó, PC Thừa Thiên Huế đã xây dựng cho mình các nhóm mục tiêu hướng đến trong thời gian đến, cụ thể gồm: triển khai theo đúng kế hoạch và có chất lượng các nhiệm vụ chuyển đổi số theo kế hoạch Tổng công ty Điện lực miền Trung giao thực hiện; CBCNV được phổ biến, đào tạo để nhận thức đúng về chuyển đổi số cho CBCNV, đặc biệt là cán bộ quản lý các cấp; liên kết được với các cơ sở đào tạo KHCN uy tín để tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao về các giải pháp công nghệ chuyển đổi số; toàn thể CBCNV các đơn vị tích cực tham gia các phong trào thi đua, đề xuất ý tưởng chuyển đổi số và ứng dụng KHCN để nâng cao hiệu quả SXKD; triển khai được một số ứng dụng CNTT hỗ trợ các nghiệp vụ thường xuyên tại các đơn vị theo kế hoạch đề ra. Mặt khác, Chuyển đổi số phải thực sự là động lực, cơ hội để PC Thừa Thiên Huế thay đổi, nâng cao hiệu quả SXKD, khẳng định vị thế của đơn vị trong ngành điện cũng như trên địa bàn.

Các phiên họp về chuyển đổi số

Công ty thường xuyên tổ chức đào tạo để CBCNV nhận thức đúng về chuyển đổi số, đặc biệt là cán bộ quản lý các cấp, tổ chức các chương trình làm việc về nhận thức và nhu cầu về chuyển đổi số đối với từng đơn vị, cử các cán bộ lãnh đạo Công ty tham gia các hội nghị, hội thảo chuyên đề chuyển đổi số, để tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các đơn vị trong và ngoài ngành, triển khai có hiệu quả chuyển đổi số, tích cực thực hiện truyền thông nội bộ để tuyên truyền về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Công ty cũng chú trọng phát triển truyền thông chuyển đổi số trên các nền tảng mạng xã hội, phát động phong trào thi đua đề xuất ý tưởng chuyển đổi số, đưa vào quy chế đánh giá thi đua cho tập thể cá nhân có các ý tưởng thiết thực hiệu quả.

Ngoài ra, Công ty thường xuyên tăng cường ứng dụng các giải pháp CNTT, số hoá… nhằm nâng cao nâng cao chất lượng công tác SXKD. Trong công tác Kinh doanh và Dịch vụ khách hàng, Công ty triển khai hệ thống tự động cung cấp thông tin sản lượng điện sử dụng cho khách hàng, chủ động cung cấp đúng và kịp thời các thông tin cần thiết đến khách hàng theo đúng kênh giao tiếp khách hàng hay sử dụng, chuyển đổi thực hiện các dịch vụ điện theo phương thức điện tử, 12 dịch vụ điện trực tuyến cung cấp đa nền tảng, tiếp nhận và đáp ứng yêu cầu KH mọi lúc mọi nơi.

Đoàn công tác Đại sứ quán Anh thăm Trung tâm điều khiển của PC Thừa Thiên Huế

Song song đó, Công tác chăm sóc khách hàng được công ty thực hiện đa kênh, kịp thời cung cấp thông tin, dịch vụ khách hàng điện lực.

Theo đó, chỉ số tiếp cận điện năng được cải thiện, cấp điện hạ áp chỉ trong vòng 1 ngày, 100% hóa đơn điện tử được kết nối thanh toán trực tuyến, hiện đại qua Ngân hàng/Tổ chức trung gian, thanh toán QRCode, ví điện tử, 90% công tơ điện tử được thu thập dữ liệu công tơ tự động từ xa. Việc đăng ký cấp điện được thực hiện qua cổng dịch vụ công trực tuyến, website CSKH… Công ty cũng sử dụng ứng dụng Thông tin hiện trường để hỗ trợ khảo sát cấp điện, triển khai ký hợp đồng mua bán điện sử dụng mã OTP, chứng thư số, số hóa hợp đồng… Công ty đẩy mạnh sử dụng, lắp đặt công tơ điện tử và hệ thống đo xa, thu thập dữ liệu công tơ từ xa DSPM, RF-Spider, phát hành hoá đơn điện tử, ứng dụng mã QR code vào hoá đơn điện tử.

Công tác tiếp nhận và giải đáp dịch vụ được Công ty thực hiện thông qua tổng đài Chăm sóc khách hàng 19001909, ứng dụng hệ thống CRM, thông tin đến khách hàng qua các kênh SMS, Email, Zalo, Website, ứng dụng EVNCPC CSKH, thực hiện đẩy mạnh thu không tiền mặt, thu qua ngân hàng.

“Quầy giao dịch số” cũng đã được công ty triển khai tại Điện lực Nam Sông Hương nhằm giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận thông tin điện lực, thực hiện các giao dịch dịch vụ điện một cách trực tuyến, trực quan, thuận tiện.

Với thông điệp “khách hàng là trung tâm của mọi hoạt động, mang lại sự hài lòng cao nhất cho khách hàng sử dụng điện”.

Ngoài ra, công ty cung cấp 4 dịch vụ điện cơ bản gồm cấp điện mới, thay đổi thông tin hợp đồng, định mức và mục đích sử dụng điện cũng như tư vấn, giải đáp các thông tin điện lực. Qua một thời gian thực hiện, đây được xem là một kênh giao dịch phục vụ khách hàng mới, song song với các kênh thông tin đã triển khai, giúp đa dạng hóa các kênh thông tin, dịch vụ chăm sóc khách hàng, tăng cường các hoạt động trải nghiệm của khách hàng trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại.

Đến thời điểm hiện tại, PC Thừa Thiên Huế đã áp dụng triển khai CBM đối với các thiết bị chính trên lưới điện; cơ bản hoàn thành việc khởi tạo số liệu và đã thực hiện chấm điểm CHI đối với MBA, thiết bị đóng cắt tại TBA 110 kV; khởi tạo đầy đủ số liệu cho các thiết bị trên lưới điện trung áp, trên cơ sở đó phân loại được thiết bị theo tình trạng vận hành và lập kế hoạch SCBD phù hợp.

Việc thực hiện ứng dụng công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 đã được PC Thừa Thiên Huế nhằm thực hiện các nhiệm vụ được EVNCPC giao. Công ty đã triển khai và đưa vào vận hành thành công các chức năng chính của chương trình DMS: chức năng quản lý cấu trúc lưới điện (Network Topology), chức năng tính toán trào lưu công suất (Load flow calculator), chức năng tính toán và phân tích ngắn mạch (Short-circuit calculator) và chức năng dự báo phụ tải (Load forecast).

Nhân viên Điện lực Nam Sông Hương hướng dẫn khách hàng thao tác tại Quầy giao dịch số

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu để thực hiện một số công cụ nhằm nâng cao công tác khai thác chương trình DMS như: cập nhật bản đồ nền từ Bản đồ vệ tinh và bản đồ giao thông, báo cáo số liệu tổn thất và ước lượng phụ tải ngắn hạn, báo cáo TBA và khách hàng mất điện… Những nghiên cứu trên đã góp phần nâng cao chất lượng quản lý vận hành lưới điện phân phối tại đơn vị. Đồng thời chương trình DMS sẽ cung cấp các thông tin hỗ trợ cho cán bộ Kỹ thuật trong việc tính toán và phân tích lưới điện nhằm sớm nhận biết các điểm yếu của lưới điện, từ đó xây dựng các phương án xử lý, đầu tư kịp thời, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, tin cậy.

Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã thực hiện hoàn thiện cơ sở dữ liệu trên chương trình PMIS. Theo đó, 100% các thiết bị, vị trí, dây dẫn được cập nhật đủ thông tin, đảm bảo cho việc khai thác, ứng dụng các cơ sở dữ liệu trong công tác quản lý kỹ thuật, vận hành lưới điện, triển khai công tác số hóa hồ sơ, lý lịch đường dây, trạm biến áp, thiết bị lên chương trình quản lý kỹ thuật, số hóa công tác kiểm tra hiện trường đường dây bằng ứng dụng kiểm tra hiện trường.

Đặc biệt, PC Thừa Thiên Huế đã triển khai thí điểm mô hình TBA kỹ thuật số tại TBA 110kV Phú Bài. Triển khai thành công dự án nâng cấp hệ thống bảo vệ điều khiển TBA 110kV Phú Bài theo công nghệ kỹ thuật số đã khẳng định được năng lực và định hướng đúng đắn trong việc nghiên cứu làm chủ khoa học công nghệ ứng dụng tại PC Thừa Thiên Huế nói riêng và trong toàn EVNCPC nói chung.

Công ty cũng đã ứng dụng cở sở dữ liệu GIS, chủ động khai thác và cập nhật thông tin biến động lưới điện trên bản đồ. Bên cạnh đó, CSDL lưới điện đã được đồng bộ trên hệ thống phần mềm dùng chung của CPC đồng thời chuyển đổi ứng dụng trên các chương trình bản đồ khác (Google Earth) cho phép khai thác đa dạng trên các môi trường Website cũng như trên di động.

Trong các công tác khác, Công ty cũng đã tích cực triển khai như phòng họp không giấy, các tài liệu được gửi trên môi trường điện tử, triển khai hệ thống liên thông văn bản điện tử với chính quyền địa phương, toàn bộ các văn bản đều được gửi/nhận trên môi trường số với các đơn vị tham gia hệ thống liên thông văn bản của Tỉnh, đẩy mạnh tổ chức hội thảo, chương trình đào tạo, giới thiệu công nghệ BigData, AI, Block Chain, RCM, CBM, BI,…, đào tạo qua hệ thống bài giảng trực truyến E-learning đa dạng về hình thức và nội dung để CBCNV có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện các hình ảnh hiện trường để tự động kiểm tra, phát hiện các bất thường, tự động kiểm tra hình ảnh, để đánh giá chất lượng trong các bước thi công trong công tác Đầu tư xây dựng.

Đầu tư hạ tầng Công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số được PC Thừa Thiên Huế rất chú trọng, với mục tiêu sẵn sàng, đảm bảo hạ tầng số đáp các ứng yêu cầu về “di động hóa, hiện trường hóa” của chuyển đổi số.

Đảm bảo hạ tầng số phục vụ các hoạt động liên quan công tác Chuyển đổi số tại PC Thừa Thiên Huế

Trong giai đoạn 2021 – 2022, PC Thừa Thiên Huế xây dựng song song 5 nhóm giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, qua đó rút ngắn thời gian lao động trực tiếp, tăng năng suất lao động, từ đó làm nền tảng để rút ngắn quá trình chuyển đổi thành doanh nghiệp số trong tương lai.

Cụ thể, 5 nhóm giải pháp Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đang chú trọng triển khai như sau:

Một là, Tăng cường nhận thức về chuyển đổi số. Bằng các chương trình làm việc cụ thể, tham gia các hội nghị đào tạo nhận thức hay phát động các cuộc thi về CĐS, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế là đơn vị tiên phong đi đầu trong 13 Công ty Điện lực trong việc phổ biến thay đổi nhận thức của người lao động về Chuyển đổi số hiện nay.

Hai là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xét về khía cạnh đào tạo, hàng năm, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế luôn bố trí một phần chi phí để tổ chức các lớp học  kỹ năng tin học văn phòng, nhận thức an toàn thông tin, sử dụng hiệu quả phần mềm nghiệp vụ, khai phá dữ liệu dùng chung phục vụ phân tích và báo cáo để sẵn sàng nguồn nhân sự đáp ứng về yêu cầu Chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay

Ba là hoàn thiện, số hóa các quy trình nghiệp vụ. Trong thời gian đến, TTHPC sẽ phối hợp các đơn vị liên quan để chuẩn hóa cơ sở dữ liệu và thường xuyên cập nhật dữ liệu trên nền tảng các chương trình ứng dụng để từng bước thực hiện các quy trình nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu hoạt động của Tổng công ty Điện lực miền Trung.

Bốn là Triển khai các giải pháp công nghệ để thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực công tác. Với phương châm nâng cao chất lượng dịch điện, TTHPC đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ bằng cách triển khai xây dựng các công cụ số nhằm nâng cao công tác QLĐH SXKD như xây dựng hệ thống báo cáo tập trung tại địa chỉ portal.pctth.vn, xây dựng hệ thống quản lý tài sản lưới điện trên nền bản đồ GIS, xây dựng công cụ điều động và quản lý phương tiện …

Năm là sẵn sàng hạ tầng số. Thời gian đến, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế chú trọng triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng CNTT đáp ứng các yêu cầu về Chuyển đổi số như: Xây dựng hệ thống WAN/LAN đảm bảo tính dự phòng và độ tin cậy cao,  đáp ứng tốc độ 10Gbps theo định hướng chung của EVN; Xây dựng lộ trình nâng cấp, thiết lập mạng truyền dẫn viễn thông dùng riêng trên nền tảng TCP/IP thay thế cho nền tảng SDH đáp ứng yêu cầu về lưới điện thông minh.

 

Tác giả: Nguyễn Anh Tuấn
Tin liên quan