PC Hà Tĩnh làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh về việc góp ý xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Để góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả dự án Luật Điện lực (sửa đổi) khi được thông qua, hôm nay 16/9, PC Hà Tĩnh đã có buổi làm việc với Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh về việc góp ý xây dựng dự án Luật Điện lực.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Tĩnh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Lãnh đạo PC Hà Tĩnh báo cáo đoàn công tác về tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai nhiệm vụ SXKD 3 tháng cuối năm 2024.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, dưới sự chỉ đạo sâu sát của EVNNPC; sự quan tâm, giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh, PC Hà Tĩnh đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, cấp điện ổn định cho các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh nhà.
Sản lượng thương phẩm 9 tháng đầu năm thực hiện đạt 1.228,260 triệu kWh, tăng 12,07% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 79,5% kế hoạch năm 2024. Trong 9 tháng đầu năm, lưới điện Hà Tĩnh xảy ra 143 sự cố lưới điện trung hạ áp, giảm 34 vụ tương đương giảm 6,54% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 68,8% kế hoạch năm 2024; 02 sự cố lưới điện 110kV, đạt 100% kế hoạch giao.
Trong 3 tháng cuối năm 2024, Công ty phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu cụ thể: điện thương phẩm >1.545 triệu kWh; tổn thất điện năng: < 6,55%; tỷ lệ thu nộp đạt 100%; khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ >86,34%. Cung cấp các dịch vụ điện theo phương thức điện tử cho 100% khách hàng và hoàn thành đạt và vượt 4 chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ khách hàng…
Tại hội nghị, đại biểu PC Hà Tĩnh cơ bản nhất trí với các nội dung nêu trong dự thảo luật Điện lực. Và để góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu quả dự án Luật Điện lực(sửa đổi) khi được thông qua, PC Hà Tĩnh đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 11 ý kiến nhằm đảm bảo tính chất lượng và phát huy hiệu quả của luật Điện lực khi áp dụng vào thực tiễn.
Ông Trần Đức Sơn- Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Công ty phát biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị.
Được biết, Dự thảo Luật Điện lực(sửa đổi) gồm 9 chương, 121 điều quy định về: Quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động mua bán điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia...
Sau 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, Luật Điện lực đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, đáp ứng nhu cầu, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, Luật Điện lực còn tồn tại một số bất cập, hạn chế cần sửa đổi. Do đó, việc sớm ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) là cần thiết nhằm cụ thể hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển điện lực, xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh cung cấp điện, an ninh quốc gia, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển KT-XH, phục vụ Nhân dân và đòi hỏi của thực tiễn; khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Điện lực năm 2004, đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn tới.