PC Đà Nẵng làm việc với Hiệp hội Tiểu đô thị sinh thái thông minh (Ba Lan)

Ngày 14/9/2022, PC Đà Nẵng đã làm việc với Đoàn cán bộ Hiệp hội Tiểu đô thị sinh thái thông minh (Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan) về lĩnh vực năng lượng tái tạo và lưới điện thông minh.

Đây là chương trình kết nối doanh nghiệp do Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng thực hiện với các sở, ban, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm thúc đẩy đầu tư vào thành phố Đà Nẵng, tập trung vào các lĩnh vực thành phố thông minh, năng lượng sạch, môi trường, công nghệ cao và công nghệ thông tin.

Tại cuộc họp, PC Đà Nẵng giới thiệu với Đoàn công tác tình hình lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trên địa bàn thành phố. Theo đó, tính đến hết tháng 8/2022 có 2.517 hệ thống ĐMTMN với công suất lắp đặt 81,67 MWp, bình quân sản lượng phát ngược lên lưới 7 triệu kWh/tháng. Hiện đây là nguồn năng lượng sạch được khai thác, tích hợp vào lưới điện do Công ty quản lý, là một phần của đề án phát triển lưới điện thông minh TP Đà Nẵng.

Quang cảnh buổi làm việc

Đối với dự án tự động hóa lưới điện phân phối DAS, đến nay, Công ty đã có 54 xuất tuyến được tự động hóa, dự kiến cuối năm 2022 thực hiện tự động hóa 60 xuất tuyến, cơ bản hoàn thành tự động hóa lưới điện phân phối của Công ty. Trong giai đoạn tiếp theo, PC Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống DAS với các thiết bị và xuất tuyến mới đầu tư trên lưới điện.

Qua trao đổi, đại diện Hiệp hội Tiểu đô thị sinh thái thông minh, bà Ewa Rekosz cho biết, thành phố Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển, trở thành thành phố “xanh” và thông minh, nhờ khai thác công nghệ mới và các nguồn năng lượng sạch. Đoàn công tác đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển lưới điện thông minh tại PC Đà Nẵng và mong muốn sẽ có dự án hợp tác với ngành điện trong thời gian đến.

Được biết, Tiểu đô thị sinh thái thông minh (GSSC) là một dự án do Liên minh châu Âu tài trợ, trong khuôn khổ chương trình Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự án GSSC nhằm mục đích phổ biến việc sử dụng các giải pháp công nghệ bền vững từ châu Âu đến các khu vực còn đang phát triển trên thế giới. Trong đó, 3 quốc gia mục tiêu ngoài châu Âu đã được xác định để hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình là Chile, Cape Verde và Việt Nam.

Tác giả: Yên Bình
Tin liên quan