Năm 2021 lĩnh vực điện mặt trời thế giới sử dụng 3,4 triệu lao động

Theo báo cáo mới vừa được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố trung tuần tháng 9/2022, lĩnh vực điện mặt trời đã tạo ra việc làm cho khoảng 3,4 triệu người trên toàn thế giới trong năm 2021.

Năm 2021, lĩnh vực điện mặt trời đã sử dụng 3,4 triệu lao động trên quy mô toàn thế giới. Nguồn: PMAC

Theo báo cáo IEA, trong số 3,4 triệu người có việc làm trong năm 2021 nhờ điện mặt trời thì gần một nửa làm việc ở Trung Quốc, khoảng 280.000 người ở Bắc Mỹ, hơn 260.000 người ở châu Âu và khoảng 50.000 người ở châu Phi. Phần lớn lao động được tuyển dụng làm việc trong lĩnh vực sản xuất và lắp đặt công suất mới, nhưng lương, bảo hiểm trong lĩnh vực năng lượng mặt trời (NLMT) thấp hơn so với các ngành công nghiệp năng lượng khác như điện hạt nhân, dầu hay khí đốt.

Cũng theo báo cáo nói trên, năm 2019, ngành năng lượng sử dụng hơn 65 triệu người, chiếm 2% tổng số việc làm toàn cầu. Một nửa lực lượng lao động này làm việc trong lĩnh vực năng lượng sạch, trong đó điện mặt trời sử dụng nhiều lao động hơn bất kỳ công nghệ phát điện nào khác.

Cụ thể, tổng số việc làm trong ngành sản xuất điện là 11,2 triệu người vào năm 2019, bao gồm 3 triệu lao động điện mặt trời, 2 triệu điện than và 1,9 triệu lao động thủy điện. Điện gió trên bờ và ngoài khơi sử dụng 1,2 triệu và điện hạt nhân 1 triệu. Tổng số việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khác khoảng 710.000 nhân viên.

Dự kiến sẽ có khoảng 14 triệu việc làm mới từ lĩnh vực năng lượng sạch sẽ được tạo ra vào năm 2030. Nguồn: Lightsource bp.

Theo báo cáo, khoảng 215 tỷ USD đã được đầu tư vào ngành điện mặt trời thế giới năm 2021, tăng trưởng trung bình hàng năm 5% so với thập kỷ trước. Tổng công suất lắp đặt trên toàn thế giới ở mức 740 GW vào năm 2019, bao gồm 425 GW lắp đặt quy mô tiện ích và 315 GW lắp đặt cho khu dân cư, thương mại và công nghiệp (C&I). Việc xây dựng các dự án mới, bao gồm sản xuất các bộ phận liên quan được cho là động lực chính tạo ra việc làm trong ngành năng lượng, sử dụng hơn 60% lực lượng lao động.

Theo kịch bản trung hoà cacbon hay Net Zero Emissions của IEA vào năm 2050, dự kiến sẽ có khoảng 14 triệu việc làm mới trong lĩnh vực  năng lượng sạch sẽ được tạo ra vào năm 2030, với 16 triệu công nhân khác chuyển sang các vai trò mới liên quan đến năng lượng sạch. Trong kịch bản này, khoảng 60% nhân viên mới sẽ yêu cầu ít nhất hai năm giáo dục sau trung học, khiến việc đào tạo công nhân trở nên cần thiết cho sự phát triển bền vững của ngành, chiếm 16% lực lượng lao động của ngành, so với 39% việc làm toàn cầu.

Tác giả: N.Nam
Nguồn:N.Nam (Theo PMAC - 9/2022) Sao chép liên kết
Tin liên quan