Luôn chú trọng bảo vệ hành lang an toàn lưới điện tại Đà Nẵng

Các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện là rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình lưới điện, công trình dân dụng cũng như sự an toàn của nhân dân. Do đó, PC Đà Nẵng luôn chú trọng đến công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn quản lý. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thái Hùng – Trưởng phòng An toàn (PC Đà Nẵng) về vấn đề này.

PV: Thời gian qua, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã xảy bao nhiêu vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện, thưa ông?

Ông Nguyễn Thái Hùng – Trưởng phòng An toàn (PC Đà Nẵng)

Ông Nguyễn Thái Hùng: Trong năm 2021, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã xảy ra 9 trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây sự cố, làm gián đoạn quá trình cung cấp điện và ảnh hưởng đến an toàn của nhân dân. Các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện chủ yếu do người dân trong quá trình thi công xây dựng công trình đã để thiết bị, vật liệu xây dựng chạm vào đường dây gây sự cố làm hư hỏng thiết bị của ngành điện và gây nguy hiểm cho những người xung quanh.

PV: Xin ông nêu một vụ việc điển hình mà PC Đà Nẵng đã phát hiện và xử lý trong thời gian gần đây?

Ông Nguyễn Thái Hùng: Đó là trường hợp sự cố xảy ra vào ngày 2/11/2021 tại 260 Hà Huy Tập. Mặc dù đã được chúng tôi cảnh báo an toàn nhiều lần và treo biển cảnh báo an toàn ngay tại công trình nhưng người dân vẫn vi phạm. Khi họ kéo sắt xây dựng đã vướng vào đường dây gây nhảy MC 476 Xuân Hà và làm khuyết dây 3 pha tại vị trí 45, có nguy cơ làm đứt dây trung thế gây nguy hiểm cho người dân sinh sống trong khu vực. 

PV: Theo ông, hiện nay nhận thức của nhân dân trên địa bàn TP Đà Nẵng về an toàn điện là như thế nào, có cải thiện so với trước không?

Ông Nguyễn Thái Hùng: Hành lang an toàn lưới điện được xem là “lá chắn” để bảo vệ công trình điện, tài sản và sức khỏe của nhân dân. Thời gian gần đây, nhận thức của nhân dân về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện trên toàn TP Đà Nẵng đã được cải thiện một cách rõ rệt.

Qua theo dõi của PC Đà Nẵng từ năm 2017 đến nay, tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp hầu như không xảy ra. Công ty cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tự tháo dỡ các trường hợp vi phạm khoảng cách an toàn; đã thực hiện cải tạo 17 vị trí vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp nhằm góp phần giảm thiểu nguy cơ mất an toàn.

PV: PC Đà Nẵng có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Thái Hùng: Để nhân dân trên địa bàn thành phố chú ý hơn đối với công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, PC Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp và mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch truyền thông chuyên đề về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Tùy vào đặc điểm tình hình riêng của từng đơn vị cơ sở mà lựa chọn phương tiện truyền thông phù hợp để nâng cao hiệu quả truyền thông; sử dụng các kênh truyền thông mà người dân địa phương có thể dễ dàng tiếp cận như: loa truyền thanh xã, phường; đài phát thanh truyền hình địa phương; các chuyên mục địa phương của một số báo truyền thống.

Bên cạnh đó, tại các kỳ làm việc với Đoàn Đại biểu quốc hội và lãnh đạo địa phương, PC Đà Nẵng luôn chuẩn bị chi tiết nội dung về hành lang an toàn lưới điện để báo cáo, đề xuất các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tăng cường phối hợp trong công tác này. Chúng tôi cũng đã kết hợp truyền thông mạng xã hội về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện như: phản ánh các trường hợp vi phạm; tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo vệ hành lang an toàn lưới điện; phản hồi, giải đáp các thông tin liên quan đến nội dung này mà nhân dân có vướng mắc…

Một trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện tại Đà Nẵng khi xây dựng công trình

PC Đà Nẵng đã nghiên cứu xây dựng thống nhất nội dung tờ rơi đơn giản, dễ hiểu kèm theo hình ảnh để các đơn vị cơ sở thực hiện truyền thông bằng các hình thức trực quan; phát tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, treo pano tại các vị trí xung yếu để cảnh báo người dân, phổ biến các hình ảnh hậu quả do tai nạn điện gây ra. Đối với các điểm nóng thường xuyên xảy ra vi phạm, đơn vị cơ sở sẽ làm việc với lãnh đạo địa phương cấp xã/phường chủ trì tổ chức họp thôn/tổ dân phố để tuyên truyền, vận động nhân dân, thông báo các quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Trong trường hợp cần thiết, PC Đà Nẵng báo cáo Sở Công Thương phối hợp kiểm tra các vị trí còn tồn tại để giải quyết dứt điểm các điểm nóng vi phạm.

PV: Xin ông cho biết, chế tài nào để xử lý các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện?

Ông Nguyễn Thái Hùng: Tại Điều 15, Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nêu rõ, phạt tiền từ 1 - 50 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định an toàn điện. Cụ thể là các hành vi: trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện; lắp đặt ăng-ten ti vi, dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo tại vị trí khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào lưới điện; thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện; sử dụng bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không vào mục đích khác vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp; xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không không thực hiện đúng các thỏa thuận để bảo đảm an toàn trong quá trình xây dựng, cải tạo nhà ở, công trình với đơn vị quản lý vận hành đường dây; trồng cây, thả neo tàu thuyền trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm; thi công các công trình trong đất hoặc nạo vét lòng sông, hồ, ao trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm; chặt và để cây đổ vào lưới điện; xây nhà, công trình trên hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm; đào hố, đóng cọc vào trong hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm; điều khiển thiết bị, dụng cụ, phương tiện hoặc các hoạt động khác vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp…

Ngoài hình thức phạt tiền thì cá nhân, tổ chức vi phạm hành lang an toàn lưới điện còn phải bồi thường thiệt hại, khôi phục lại hiện trạng ban đầu và chấm dứt hành vi vi phạm. Đối với những hành vi vi phạm có tính chất và mức độ nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự với mức án cao nhất là phạt tù đến 10 năm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Lê Hải (thực hiện)
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51