Ngày đăng: 29/01/2022 - 19:45
Không biết từ bao giờ làng bánh Tân An được thành lập, nhưng cũng đã ngót trăm năm những con người nơi đây đã dùng sự khéo léo, tỉ mẩn để biến những nguyên liệu thân quen thành loại bánh giòn tan, thơm nồng đặc trưng cái nắng, cái gió của vùng đất Quảng Bình.
Làng Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nằm nép mình bên dòng sông Gianh thơ mộng. Làng quê này nổi tiếng với món bánh tráng giòn tan, thơm nồng đặc trưng cái nắng, cái gió của vùng đất Quảng Bình.
Không ai biết nghề làm bánh ở Tân An có từ bao giờ, ngay cả những người làm bánh cao tuổi ở trong làng, chỉ biết rằng nghề đã gắn chặt với tên làng từ hàng trăm năm nay. Cũng ngần ấy thời gian, nghề làm bánh tráng đã nuôi sống biết bao người dân ở làng quê ven dòng sông Gianh.
Để gìn giữ thương hiệu làng bánh Tân An mà các thế hệ cha ông truyền lại, những con người ơi đây vẫn cố gắng vượt qua bao thăng trầm của thời gian, để luôn tạo nên vị mặn mà đặc trưng của chiếc bánh đa mè xát. Hiện tại, làng có hơn 260 hộ sản xuất, mỗi năm tiêu thụ hơn 300 tấn gạo nguyên liệu. Bánh làm quanh năm nhưng vụ Tết là được kỳ vọng nhất.
Đến Tân An vào thời điểm giáp Tết, không khí sản xuất bánh tráng nhộn nhịp hơn lúc nào hết. “Thường ngày, chúng tôi phải dậy từ 4 giờ sáng để bắt đầu làm việc, mỗi ngày cơ sở sản xuất được 3 mẻ bánh với khoảng từ 6.000 - 7.000 chiếc bánh. Giá thành mỗi bánh rơi vào từ 2.000 - 3.000 đồng. Chúng tôi làm quần quật suốt ngày nhưng vẫn không đủ để giao cho thương lái đến thu mua”, bà Phan Thị Cẩm Tú, chủ một cơ sở sản xuất bánh tráng tại làng Tân An cho biết.
Bánh tráng Tân An có 2 loại, loại bánh tráng truyền thống và bánh ram. Nguyên liệu để làm bánh truyền thống gồm bột gạo pha trộn bột sắn và các loại gia vị. Bánh tráng có màu trắng, điểm thêm lấm chấm những hạt mè đen, mè vàng. Bánh ram được làm từ bột gạo pha lẫn bột bắp, bánh có màu vàng cam.
Để làm ra những chiếc bánh tráng ngon, phải trải qua khá nhiều công đoạn phức tạp và đòi hỏi có sự khéo léo, công phu, tỉ mỉ. Nguyên liệu được ngâm trong nước và sàng lọc, vo kỹ trước khi đem xay nhuyễn thành bột.
Chất lượng và vẻ ngoài hấp dẫn của mỗi chiếc bánh mè xát phụ thuộc rất nhiều vào lớp mè đã xát vỏ. Nếu trộn mè vào bột nước đậm quá thì chiếc bánh làm ra sẽ không kết hợp hài hòa được giữa mùi thơm ngào ngạt của lúa gạo và vị bùi ngậy của hạt mè. Còn tỉ lệ mè trong bánh quá nhạt thì cho ra vẻ ngoài không bắt mắt và còn ảnh hưởng đến mức độ hài hòa của bánh.
Trong quy trình làm bánh, mỗi chiếc bánh được tráng lên nguyên vẹn chỉ mới thành công được phân nửa. Công đoạn phơi bánh mới thực sự công phu. Bánh đủ nắng là loại bánh vừa khô vừa dai, dậy mùi thơm của gạo, của vừng. Bánh quá nắng sẽ bị khô giòn, dễ vỡ. Ngược lại, bánh thiếu nắng sẽ không có mùi thơm, ỉu và dễ bị hỏng khi bảo quản.
Vào những ngày giáp Tết, thời tiết nắng, khắp đường làng, ngõ xóm, sân nhà chất đầy những phên bánh tráng cong tròn khoe mình dưới nắng.
Những ngày cận Tết, nhiều hộ gia đình chuyên sản xuất bánh tráng làng Tân An lại tất bật để kịp thời cung ứng ra thị trường. Sức mua tăng, người dân phải làm công suất nhưng vẫn “cháy hàng” .
Nguồn: giadinh.net.vn Sao chép liên kết