Không thể phụ thuộc vào nguồn điện “đỏng đảnh” gió và mặt trời

Đó là khẳng định của chuyên gia năng lượng Nguyễn Tài Sơn – nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 xung quanh chủ đề khủng hoảng năng lượng thế giới thời gian qua và bài học cho Việt Nam.

 

Chuyên gia năng lượng Nguyễn Tài Sơn

PV: Thưa ông, cuộc khủng hoảng năng lượng (cụ thể là điện) đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới? Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Tài Sơn: Các hệ thống năng lượng toàn cầu đang được kết nối với nhau, do đó khủng hoảng cũng đang được lan truyền trên nhiều quốc gia trên thế giới. Cuộc khủng hoảng đã gây ra những tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp, cản trở sản xuất, làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm và chuỗi cung ứng trở nên khó khăn.

Tại Hoa Kỳ, giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn đã tăng hơn gấp đôi trong năm nay, trước khi nhu cầu cao nhất đi kèm với cái lạnh mùa đông. Với 40% điện năng của Hoa Kỳ hiện được tạo ra từ khí đốt, những mức giá cao hơn chắc chắn sẽ đẩy hóa đơn tiền điện và sưởi ấm lên.

Ở Trung Quốc, ngay cả khi chính phủ thúc đẩy tăng cường năng lượng tái tạo, nền kinh tế công nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch: than đá, khí đốt và dầu mỏ. Và khi các nhà máy của họ bắt đầu hoạt động trở lại trong thời kỳ đại dịch bùng phát, đất nước chỉ đơn giản là không có đủ nhiên liệu, chi phí năng lượng tăng vọt đã trở thành cú sốc lớn nhất đối với nền kinh tế kể từ đầu đại dịch, các dự báo mới nhất nhận định do khủng hoảng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc từ 1,5 – 2,5%.

Khủng hoảng thiếu năng lượng đang diễn ra gay gắt tại châu Âu, Trung Quốc… giá gas, dầu, than đá đã tăng rất nhanh và cao, đây là những nguồn nhiên liệu chính để sản xuất điện ở các nước. Do thiếu nguồn nhiên liệu, nhiều nhà máy điện đã phải giảm công suất và đã có nhà máy phải đóng cửa, dẫn đến các nước đã phải áp dụng cắt điện hoặc tiết giảm điện ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Ngay tại Mỹ, trong năm 2021 cũng xuất hiện hiện tượng cắt điện do cung không đủ cầu cục bộ tại một số nơi, nhưng nguyên nhân lại do cơ cấu nguồn không hợp lý gặp tình trạng biến đổi khí hậu làm thời tiết lạnh cực đoan gây ra (bang Texas)…

Gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng và biến đổi khí hậu toàn cầu đã gây ra khó khăn cho sản xuất điện ở các khu vực nói trên.

PV: Theo ông, đâu là những nguyên nhân chính khiến cho các quốc gia này rơi vào khủng hoảng năng lượng?

Ông Nguyễn Tài Sơn: Từ các số liệu thực tế trong thời gian qua đã phản ánh một thực tế là các nguồn cung không đủ cho nhu cầu và có thể thấy các nguyên nhân sau đây:

Nguyên nhân trước mắt: do dịch COVID 19 ở các nước đã bắt đầu được kiểm soát, nhu cầu năng lượng tăng cao để khôi phục và phát triển sản xuất.

Nguyên nhân sâu xa do nguồn cung năng lượng trên toàn cầu là hữu hạn và phân bố không đều giữa các quốc gia; một số nước có nguồn tài nguyên dồi dào có thể xuất khẩu năng lượng, những nước còn lại sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Khi có yếu tố kinh tế - chính trị can thiệp vào công việc xuất – nhập khẩu tất yếu sẽ dẫn đến thiếu nguồn cung và dẫn đến khủng hoảng thiếu ở một số nước.

Chính sách năng lượng của các quốc gia đang rơi vào khủng hoảng có thể chưa hoàn toàn đúng đắn như vội vã chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…) với tỷ lệ chưa phù hợp và sự cân đối giữa các thành phần của nguồn điện (nhiệt điện than, khí, thủy điện, điện hạt nhân, gió, mặt trời). Tình hình khủng hoảng hiện nay của các nước châu Âu và Trung Quốc đang cho thấy các nước này đang giảm nguồn năng lượng truyền thống (các nhà máy nhiệt điện than) và tăng nhanh các nguồn năng lượng gió, mặt trời đã dẫn đến hệ thống điện không đáp ứng đủ nhu cầu khi khí hậu không thuận lợi cho năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, khi đồng thời nguồn cung và tỷ trọng thành phần các nguồn năng lượng trong một quốc gia có sự mất cân đối thì khủng hoảng năng lượng sẽ càng dễ xảy ra hơn. Phần lớn các nước châu Âu và Trung Quốc phụ thuộc nguồn cung cấp than và khí từ bên ngoài kết hợp nguồn cung hạn chế đã làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng.

Các thợ điện làm việc tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, hôm 27/9. Ảnh: AFP.

PV: Từ cuộc khủng hoảng này ở các quốc gia trên thế giới, theo ông các nhà hoạch định chính sách cần làm gì để “tránh vết xe đổ” từ các quốc gia, nhất là trong quy hoạch điện VIII đang được thẩm định?

Ông Nguyễn Tài Sơn: Các nhà hoạch định chính sách xần phải đánh giá lại toàn bộ các nguồn cung trước mắt và lâu dài, xác định cơ cấu nguồn hợp lý về chi phí, sau đó tạo ra chính sách khuyến khích khai thác nguồn có chi phí hợp lý, ví dụ bằng chính sách giá mua điện để kích thích hoặc hạn chế đầu tư loại nguồn điện.

Cơ cấu nguồn hợp lý và lựa chọn thời điểm sử dụng loại nguồn mới là điều quan trọng, có thể nói đây là giải pháp tổng hợp liên quan đến khả năng của nguồn cung cấp, độ tin cậy của đối tác và chi phí của hệ thống. Khai thác tối ưu các nguồn năng lượng trong nước hiện có, bao gồm cả chính sách tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

PV: Có ý kiến cho rằng để tránh khủng hoảng năng lượng, đặc biệt lĩnh vực điện, bất cứ quốc gia nào cũng cần phải chủ động nguồn cung?

Ông Nguyễn Tài Sơn: Chủ động nguồn cung luôn là chiến lược để cung cấp năng lượng cho quốc gia, tuy nhiên đi vào chi tiết cụ thể hiện đang còn nhiều tranh cãi, theo tôi để chủ động nguồn cung, trước hết về mặt tổng quan cần đánh giá lại khả năng các nguồn cung trong và ngoài nước, sau đó là xác định chi phí khai thác tối ưu trong điều kiện đảm bảo an ninh năng lượng đối với từng nguồn và từng loại năng lượng. Việt Nam hiện nay là đất nước nhập khẩu năng lượng do các nguồn năng lượng trong nước không đủ cho nhu cầu, do đó xác định được nguồn cung ổn định là rất quan trọng.

Trong tình hình ở Việt Nam hiện nay, cần có nhận thức lại trong xã hội về các nguồn năng lượng hiện tại, tránh tư tưởng cực đoan khi đánh giá một nguồn năng lượng nào đó như chỉ có điện mặt trời, gió mới tốt, mới văn minh còn các các nguồn khác là không tốt. Mỗi nguồn năng lượng đều có hai mặt của nó, không loại trừ gió hay mặt trời.

PV: Vậy theo ông để Việt Nam chủ động nguồn cung thì cần có hướng phát triển nguồn điện nào?

Ông Nguyễn Tài Sơn: Có thể thấy rằng giai đoạn hiện nay, chúng ta vẫn phải cần thêm các nhà máy nhiệt than là nguồn phát điện rất ổn định với chi phí thấp. Mọi người thường nghĩ trở ngại chính là yếu tố phát thải Carbon, tuy nhiên cũng cần nhìn nhận lại, hiện nay tỷ lệ nhiệt điện than trong hệ thống của Việt Nam đang thấp so với các nước phát triển. Tuy nhiên vẫn cần thận trọng do phụ thuộc vào nguồn cung cấp than ngắn hạn (kinh nghiệm từ một số nhà máy nhiệt điện than của châu Âu và Trung Quốc phải đóng cửa do thiếu than).

Nguồn thủy điện có chi phí và ảnh hưởng môi trường thấp nhưng trữ năng không còn nhiều, tuy nhiên vẫn chưa được khai thác hết và còn lãng phí, lý do là trong xã hội còn nhiều định kiến vô căn cứ như thủy điện gây lũ lụt, hạn hán. Các định kiến này cần phải có chính sách truyền thông đúng đắn để khắc phục. Có thể thấy ở các nước phát triển hiện nay đều khai thác triệt để nguồn thủy điện, các thủy điện có hồ chứa lớn không những phát huy khai thác điện tốt mà còn là giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước.

Nguồn năng lượng hạt nhân có ưu điểm là nguồn phát điện rất ổn định, tuy nguồn cung là nhập khẩu nhưng thời gian nạp nhiên liệu rất dài cho nên khó bị động trong việc cung cấp nhiên liệu, vấn đề còn lại là nâng cao văn hóa an toàn hạt nhân.

Theo chuyên gia Nguyễn Tài Sơn để đảm bảo an ninh năng lượng tại Việt Nam, không thể phụ thuộc vào nguồn điện “đỏng đảnh” gió và mặt trời

Nhiệt điện khí cũng có ưu điểm là nguồn phát điện ổn định nhưng cũng phụ thuộc vào nguồn cung ngắn hạn từ bên ngoài.

Năng lượng gió và mặt trời nếu sử dụng đúng nghĩa là một nguồn điện thì hiện nay sẽ có chí phí tương đối đắt vì phải bao gồm đầu tư cho nhà máy và hệ thống tích trữ năng lượng, khi đó chí phí cho môi trường cũng rất lớn. Hiện nay năng lượng gió và mặt trời ở Việt Nam đang được khai thác chưa phải là một nguồn điện hoàn chỉnh mà là giải pháp tiết kiệm năng lượng thì đúng hơn. Có nghĩa là phải có nguồn khác để dự phòng cho nó khi vào những giờ không thể phát. Khi đó tỷ trọng các nguồn gió, mặt trời trong hệ thống cần xác định đúng và phụ thuộc vào năng lực thay thế của các nguồn khác, kinh nghiệm của các nước đã xảy ra khủng hoảng nói trên có thấy tỷ lệ của các nguồn NLTT chỉ nên dưới 10% trong giai đoạn hiện nay.

PV: Để đảm bảo chất lượng nguồn điện và an ninh năng lượng trong bối cảnh nhiều nguồn NLTT, nguồn thủy điện tích năng và mở rộng các NMTĐ hiện hữu có phải là giải pháp quyết định?

Ông Nguyễn Tài Sơn: Đúng vậy! Nguồn năng lượng gió, mặt trời trong thời gian qua đã phát triển ồ ạt và đang chiếm một tỷ lệ rất lớn trong hệ thống điện (hơn 30% công suất) có thể nói là rất dễ mất kiểm soát và gây ra các hệ lụy không tốt khi vận hành. Cụ thể, làm giảm hiệu quả của toàn hệ thống điện: Khi các nguồn NLTT phát, thường không ổn định, các nguồn khác sẽ không thể vận hành tối ưu vì phải phụ thuộc vào chế độ thực tế của các nguồn gió và mặt trời.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, do đó nguồn lực để phát triển nguồn điện còn hạn chế, trong khi đó nguồn lực xã hội để phát triển nguồn điện trong thời gian qua ở Việt Nam đã bị thu hút và tập trung đầu tư vào công suất nguồn cho gió và mặt trời mà thực chất là có chất lượng kém (sản lượng thấp chỉ bằng 1/3 -1/5 sản lượng của các nguồn khác có cùng công suất lắp và không ổn định) nhưng chi phí cao (chi phí cho dự phòng lớn, các nguồn khác vận hành trong chế độ không tối ưu), do đó làm mất cơ hội phát triển các nguồn khác và chi phí hệ thống sẽ tăng cao.

Trong bối cảnh có rất nhiều nguồn nhà máy gió và mặt trời với tỷ trọng lớn như hiện nay thì cần có giải pháp khắc phục bằng xây dựng các hệ thống tích trữ năng lượng đó là hệ thống pin hoặc các nhà máy thủy điện tích năng, sử dụng giải pháp nào cũng phải cân nhắc đến chi phí đầu tư cũng như tác động đến môi trường, khi sử dụng giải pháp này sẽ khắc phục được nhược điểm làm việc không ổn định của các nhà máy điện gió và mặt trời.

Một giải pháp bổ sung cho hệ thống điện vào giờ cao điểm của hệ thống điện và dự phòng cho trường hợp không ổn định của các nhà máy điện gió và mặt trời là mở rộng các nhà máy thủy điện có hồ điều tiết, giải pháp này sẽ hạn chế nhược điểm cho các nhà máy điện gió và mặt trời trong hệ thống điện.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Tác giả: Minh Anh
Nguồn:Theo PetroTimes Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51