Khoảng trống về nguồn nhân lực ngành hạt nhân

Khoảng trống về nhân lực công nghệ hạt nhân là một trong những lý do quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Làm sao để có được nguồn nhân lực bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển, ứng dụng an toàn, an ninh năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước đang là đòi hỏi lớn hiện nay.

doan-cong-tac-cua-bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-tham-phong-thi-nghiem-cua-vien-lien-hiep-nghien-cuu-hat-nhan-lien-bang-nga-thang-9-2024..jpg

Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ thăm phòng thí nghiệm của Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân (Liên bang Nga), tháng 9-2024.

Bài toán lớn về sự hao hụt nguồn nhân lực

Năng lượng nguyên tử ngày càng có vai trò quan trọng, có thể tham gia giải quyết nhiều bài toán hóc búa ở nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội như: Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đánh giá tài nguyên nước, xử lý rác thải nhựa, địa chất thủy văn, xác thực chất lượng, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ xử lý sâu bệnh, chọn lọc tạo giống cây trồng; sản xuất các dược chất phóng xạ hỗ trợ chẩn đoán, điều trị ung thư… Tuy nhiên, các kết quả ứng dụng năng lượng nguyên tử ở nước ta vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, triển vọng và đòi hỏi của thực tiễn.

Hiện nay, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) có khoảng 800 nhân sự, trong đó hầu hết làm việc tại các đơn vị nghiên cứu và triển khai trực thuộc. Trước năm 1990, nhân lực trong ngành được tuyển chọn từ những học sinh giỏi, hầu hết đều được đào tạo từ nước ngoài nên có chất lượng cao. Bài toán lớn mà VINATOM đang phải đối mặt là sự hao hụt nguồn nhân lực, khi những lớp cán bộ lớn tuổi lần lượt nghỉ hưu nhưng không kịp bổ sung các cán bộ trẻ có đam mê và năng lực chuyên môn.

Báo cáo tổng kết của VINATOM năm 2022 đã nêu rõ: “Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam không có kinh phí đào tạo nguồn nhân lực cho ngành năng lượng nguyên tử, trong khi số cán bộ chuyên gia giỏi ngày càng ít hơn do đến độ tuổi nghỉ hưu và những học sinh khá/giỏi các môn tự nhiên theo học ngành hạt nhân thì rất hiếm hoi, dẫn đến tình trạng đội ngũ chuyên gia giỏi của ngành đang giảm đi nhanh chóng”.

Tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM cho biết, vai trò của ngành năng lượng nguyên tử tăng lên nhưng vấn đề khó khăn là nguồn nhân lực. Đặc thù của ngành khó, chế độ đãi ngộ và thu nhập không thể bằng nhiều ngành nghề khác nên không đủ sức hấp dẫn nguồn nhân lực chất lượng cao, vì thế việc đào tạo nhân lực không dễ dàng.

Theo Tiến sĩ Trần Chí Thành, vấn đề nhân lực đang đặt ra cấp thiết hơn khi thời gian tới, nhiều dự án trọng điểm đang được xúc tiến như: Dự án Trung tâm Nghiên cứu Khoa học công nghệ hạt nhân tại Long Khánh (tỉnh Đồng Nai); Dự án xây dựng mạng quan trắc phóng xạ quốc gia... Nếu phát triển chương trình điện hạt nhân nữa thì càng cần chuẩn bị thêm nguồn nhân lực.

Do vậy, cần xem xét bài toán nhân lực một cách nghiêm túc và xây dựng chương trình đào tạo bài bản để đào tạo mới, đào tại lại, đào tạo được đội ngũ chuyên gia hàng đầu.

“Nếu Nhà nước không có chính sách khuyến khích và không có các chương trình đào tạo chuyên gia để đào tạo nâng cao, bổ sung cán bộ có năng lực cho ngành, thì chắc chắn 5-10 năm sau, ngành năng lượng nguyên tử của Việt Nam sẽ suy yếu và khó có thể phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Tiến sĩ Trần Chí Thành nêu rõ.

Tăng tốc đào tạo

Một trong những nguyên nhân thiếu hụt nguồn nhân lực ngành hạt nhân là do những hạn chế trong đào tạo. Mặc dù số lượng cơ sở đào tạo đại học liên quan đến ngành năng lượng nguyên tử hiện nay khá nhiều, nhưng chương trình đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, vẫn còn nặng về lý thuyết, thiếu thực hành và các môn công nghệ cần thiết. Điều này dẫn đến việc sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế.

Bên cạnh đó, các nguồn lực phục vụ cho đào tạo như đội ngũ giảng viên, công nghệ, phòng thí nghiệm và các thiết bị lớn vẫn rất hạn chế. Các thiết bị sử dụng cho đào tạo chủ yếu là các thiết bị ghi đo bức xạ đơn giản, chủ yếu dùng trong ứng dụng kỹ thuật hạt nhân hoặc nghiên cứu môi trường. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và một số phòng thí nghiệm được sử dụng hỗ trợ sinh viên của các trường đến thực tập, nhưng thời gian và kinh phí khá hạn chế, nên hầu hết các hoạt động chỉ mang tính tham quan kiến tập.

Để phục vụ cho Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân, cuối tháng 9 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm Liên bang Nga, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân (JINR). Vấn đề trọng tâm được đề cập với các đối tác Liên bang Nga là đẩy mạnh hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên gia cho từng lĩnh vực của ngành năng lượng nguyên tử.

Hiện nay, VINATOM cũng đang tích cực thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và gửi cán bộ sang làm việc tại JINR để đào tạo đội ngũ chủ chốt cho dự án.“Thời gian tới, VINATOM sẽ có kế hoạch về đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ trẻ, cũng như tiếp tục động viên, truyền lửa để các cán bộ trẻ phấn đấu, cống hiến cho khoa học và nghiên cứu”, Tiến sĩ Trần Chí Thành thông tin thêm.

Nguồn:Theo Hà Nội mới Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51