Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024

Sáng 19/9, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến năm 2024, định hướng và đẩy mạnh các hoạt động thuộc Chương trình năm 2025 và những năm tiếp theo.

Tham dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương; ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương; ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng; lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, TP Đà Nẵng, Tiền Giang, Cà Mau, Đồng Nai; đại diện các trung tâm khuyến công, trung tâm tiết kiệm năng lượng các tỉnh/thành phố, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên toàn quốc.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN; ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban Kinh doanh EVN.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu. Trong khi đó, việc đầu tư phát triển các dự án nguồn và lưới điện đỏi hỏi nguồn lực rất lớn của xã hội. Các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành còn cao, cũng như bị giới hạn về tỉ trọng công suất trong hệ thống điện do các rào cản kỹ thuật trong việc vận hành ổn định hệ thống. Vì vậy, việc sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện, bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) với mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).

Ngày 08/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Chỉ thị đề ra mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ cũng như xác định các giải pháp mà các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng sử dụng điện phải thực hiện để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra.

Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: “Các chương trình, chỉ thị đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về vai trò quan trọng mang tính chiến lược việc của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong việc phát triển bền vững nền kinh tế đất nước giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai". 

Chia sẻ về một số kết quả triển khai Chương trình VNEEP3 đến năm 2024, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, hiện đã có 60/63 tỉnh thành ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình của địa phương giai đoạn 2020-2025 và giai đoạn đến năm 2030; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, hoặc ban hành Chỉ thị của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, Chương trình tiết kiệm điện đã đạt kết quả tỷ lệ tiết kiệm điện toàn quốc > 2% hàng năm trong giai đoạn 2020-2023.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm tham dự Hội nghị

Một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Luật đã được Chính phủ ban hành năm 2010, có hiệu lực từ năm 2011. Sau hơn 10 năm thực thi, cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc, làm rõ các cơ chế ưu đãi, khuyến khích.

Tại hội nghị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố đã chia sẻ kết quả thực hiện, triển khai Chương trình VNEEP3 và Chỉ thị 20 của Thủ tưởng Chính phủ.

Trong đó, Phó Trưởng ban Kinh doanh EVN Trần Viết Nguyên cho biết, thời gian qua, EVN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện các chỉ tiêu tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, bào gồm: hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR). 

Cụ thể, EVN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức chính trị, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương và các cơ quan truyền thông, báo chí để tổ chức các chương trình tuyên truyền về tiết kiệm điện, như "Giờ Trái đất", "Gia đình tiết kiệm điện", "Tiết kiệm điện trong trường học", và các cuộc thi về sáng kiến tiết kiệm điện; Sử dụng truyền thông đa kênh như: Call Center, báo giấy, báo điện tử, phát thanh - truyền hình, website và mạng xã hội (Fanpage, Youtube, Tiktok, Zalo) để tuyên truyền về tiết kiệm điện; đồng thời thực hiện truyền thông qua các hình thức treo băng rôn, phát tờ rơi, diễu hành, tổ chức các cuộc thi, và tư vấn trực tiếp về tiết kiệm điện.

Bên cạnh đó, EVN cũng phối hợp tổ chức các cuộc thi và sự kiện về tiết kiệm điện như "Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm", "Giải thưởng hiệu quả năng lượng", "Giải thưởng báo chí về tiết kiệm điện”, các chương trình do Bộ Công Thương và cơ quan thông tấn báo chí phát động; Ký cam kết thực hiện đạt tối thiểu các chỉ tiêu tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20 với các nhóm khách hàng: hành chính sự nghiệp (tối thiểu 5%); chiếu sáng công cộng (tối thiểu 30%), sản xuất công nghiệp (tối thiểu 2%) và kinh doanh dịch vụ (tối thiểu 2%); Ký thỏa thuận với các khách hàng sản xuất công nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ ≥ 1 triệu kWh/năm tham gia chương trình DR và thực hiện dịch chuyển phụ tải điện khỏi giờ cao điểm của hệ thống điện trong các tháng nắng nóng (từ tháng 4 đến tháng 7)..

Phó Trưởng ban Kinh doanh EVN Trần Viết Nguyên trình bày tham luận về Chương trình tiết kiệm điện năm 2024 của EVN tại Hội nghị

Riêng tại các đơn vị thành viên, EVN đã áp dụng triệt để mọi biện pháp tiết kiệm điện (TKĐ) tại trụ sở, cơ quan làm việc của các đơn vị, tối thiểu bằng 10% điện năng tiêu thụ hàng năm; thành lập bộ phận quản lý năng lượng, kiểm tra và đánh giá việc tiết kiệm điện hàng tháng; phổ biến các quy định tiết kiệm điện cho CBCNV và phát động phong trào tiết kiệm cho gia đình CBCNV; áp dụng các mô hình tiết kiệm điện như ISO 50001, hệ thống quản lý tòa nhà thông minh, thiết bị tiết kiệm; đưa tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá công việc, khen thưởng các đơn vị làm tốt.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có các đề xuất, kiến nghị để thực hiện công tác này tốt hơn trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Hội nghị, triển lãm sản phẩm, công nghệ hỗ trợ tiết kiệm năng lượng đã được Sở Công Thương Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Nguồn:Theo evn.com.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51