Hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII: 10GW cho điện gió có khả thi?

Góp ý cho dự thảo Quy hoạch Điện VIII, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi. "10GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi", một chuyên gia nhận định...

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã phát thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện lại dự thảo Quy hoạch Điện VIII, đồng thời lấy ý kiến các chuyên gia để góp ý cho dự thảo này.

Cần học hỏi bài học từ Nam Phi

Góp ý cho dự thảo Quy hoạch Điện VIII, TS Hoàng Xuân Lương - đại diện Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) - cho biết, dù bản mới cập nhật đã có cải tiến, nhưng ước tính vẫn tăng thêm khoảng 18.000 MW điện than mới trong giai đoạn 2020-2030 và thêm khoảng 3.500 MW trong giai đoạn 2030-2045.

"Điều này là hoàn toàn đi ngược với cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050" - ông Lương nói.

Theo ông Lương, Việt Nam đang đứng trước thời cơ, có thể nói là duy nhất để chuyển dịch với nguồn tài chính quốc tế đang chuyển dịch mạnh mẽ sang năng lượng sạch. Cam kết net zero của Thủ tướng tại COP26 đã tạo được uy tín quốc tế và tạo đà để Việt Nam thu hút được hỗ trợ quốc tế này.

Một ví dụ tham khảo là Nam Phi, một quốc gia với 85% nguồn điện dựa vào than, đã chuẩn bị một kế hoạch và thành công trong huy động được 8,5 tỉ USD từ các quốc gia phát triển để đẩy nhanh chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch.

Nhìn lại Việt Nam, chúng ta có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo phong phú, với tổng công suất 377 GW gió, 434 GW mặt trời. Chính vì vậy, cần tham khảo bài học từ Nam Phi để đi tắt đón đầu.

Theo các chuyên gia, dự thảo Quy hoạch Điện VIII cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: GWEC 

 

Ông Lương cho rằng, công nghệ năng lượng sạch liên tục cải tiến và ngày càng có nhiều đột phá. Ông dẫn dự báo của tổ chức RethinkX, một tổ chức nghiên cứu khoa học của Mỹ - dự báo về sự phát triển năng lượng tái tạo.  Theo đó, giá điện mặt trời năm 2030 sẽ giảm 72% so với mốc 2020, giá điện gió sẽ giảm 43% so với năm 2020, giá pin tích trữ sẽ giảm trung bình 15%/năm trong thập kỷ này và tới năm 2030 sẽ giảm 80% so với năm 2020.

"10 GW cho điện gió ngoài khơi là khả thi"

Góp ý dự thảo Quy hoạch Điện VIII, ông Mark Hutchinson - Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) cho biết, đẩy mạnh phát triển năng lượng gió là giải pháp then chốt giúp Việt Nam triển khai các cam kết về chống biến đổi khí hậu cũng như xây dựng Quy hoạch Điện VIII phù hợp với xu thế của tương lai.

"Chúng tôi ủng hộ việc đưa ra mục tiêu công suất 17GW cho điện gió trên bờ vào năm 2030. Mục tiêu công suất cho điện gió ngoài khơi vào năm 2030 trong Quy hoạch Điện VIII vẫn đang được xem xét, nhưng chúng tôi tin rằng 10GW là hoàn toàn khả thi" - ông Mark Hutchinson nói.

Theo vị này, điện gió là nguồn năng lượng sạch, đáng tin cậy, có tính đoán định cao, và có khả năng bổ trợ và củng cố cho hệ thống năng lượng Việt Nam.

"Trong bối cảnh điện than có nhiều khả năng sẽ bị cắt giảm đáng kể trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới, điện gió là nguồn điện lý tưởng bổ sung cho lượng công suất còn thiếu.

"Điện gió ngoài khơi sử dụng nguồn tài nguyên gió bản địa và vô tận. Do đó, việc triển khai nguồn năng lượng này sẽ bảo vệ ngành năng lượng của Việt Nam khỏi các rủi ro của thị trường nhiên liệu thế giới nhiều biến động" - ông Mark cho hay.

Đại diện Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), bà Virginia B.Foote đánh giá cao cam kết của Việt Nam tại COP26, việc xây dựng Quy hoạch Điện VIII cũng như mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp.

"Chúng tôi tán thành việc mở rộng các dự án năng lượng tái tạo trong những thập niên tiếp theo. Chúng tôi cũng thống nhất phương hướng hạn chế dần các dự án nhiệt điện than mới trong Quy hoạch Điện VIII" - bà Virginia cho biết.

Bà Virginia B.Foote đề nghị có giải pháp tiến cận nguồn vốn linh hoạt bởi các tiến bộ công nghệ diễn ra hằng ngày; có kế hoạch thu xếp vốn tài chính nhanh chóng vào các dự án.

Cùng quan điểm, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM) góp ý cần có chính sách để mở rộng khả năng tham gia của tư nhân vào các dự án điện, như cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp.

 

Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51