Giá điện 2 thành phần ở Việt Nam - Đề xuất của đơn vị tư vấn, EVN và góc nhìn chuyên gia

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản đề xuất Bộ Công Thương về triển khai cơ cấu giá điện 2 thành phần (giá công suất và giá điện năng). Trong bài viết dưới đây, chúng tôi tổng hợp một số nội dung về (1) lộ trình và quan điểm của đơn vị tư vấn - (2) đề xuất, kiến nghị của EVN - (3) một số phân tích, gợi ý ban đầu của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Theo quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP và Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Chính phủ, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt lộ trình áp dụng giá điện 2 thành phần (giá công suất và giá điện năng) cho các nhóm khách hàng. Trên cơ sở này, EVN và đơn vị tư vấn đã tiến hành nghiên cứu về giá điện 2 thành phần.

Đề xuất của đơn vị tư vấn:

Mục tiêu đề án là tính toán và đề xuất cơ cấu biểu giá bán lẻ điện 2 thành phần cho các đối tượng khách hàng dựa trên dữ liệu kinh tế, kỹ thuật, đồng thời xây dựng lộ trình áp dụng thử nghiệm và chính thức nhằm từng bước thay thế các biểu giá điện 1 thành phần trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện nay.

Trong thời gian qua, đơn vị tư vấn và EVN đã xây dựng 2 hệ thống biểu giá để áp dụng trong đề án, đó là hệ thống biểu giá cơ sở và hệ thống biểu giá cho nhóm khách hàng thuộc Nghị định 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

1. Hệ thống biểu giá cơ sở:

Hệ thống giá điện 2 thành phần này dựa trên nền tảng của chi phí biên dài hạn và điều chỉnh theo các đặc điểm hộ tiêu dùng. Phương án này phản ánh đầy đủ chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh điện, chỉ có 2 nhóm khách hàng sinh hoạt và ngoài sinh hoạt.

2. Hệ thống biểu giá áp dụng cho một số nhóm khách hàng cụ thể trong giai đoạn hiện nay:

Trước mắt, áp dụng cho các khách hàng theo Nghị định số 80/NĐ- CP ngày 3/7/2024 của Chính phủ về cơ chế DPPA. Bên cạnh đó, do giá bán lẻ điện bình quân hiện nay Chính phủ, bộ, ngành đang điều tiết nên cần phải điều tiết biểu giá 2 thành phần trong điều kiện đang tồn tại 2 hệ thống giá (giá hiện hành và giá 2 thành phần).

Lộ trình áp dụng giá điện hai thành phần được đề xuất qua hai giai đoạn là thử nghiệm và chuyển đổi (áp dụng chính thức thí điểm với khách hàng được lựa chọn).

Lộ trình triển khai và nhóm khách hàng áp dụng:

Thử nghiệm - là giai đoạn thử nghiệm trên dữ liệu thời gian thực với việc tiếp tục áp dụng biểu giá bán lẻ điện hiện hành để tính hóa đơn tiền điện đến hết năm 2024. Kết quả tính toán tiền điện theo cơ chế giá 2 thành phần trong giai đoạn thử nghiệm tiếp tục dùng để so sánh, đánh giá, tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để có những điều chỉnh phù hợp phục vụ mục tiêu hoàn thiện biểu giá sẵn sàng cho giai đoạn chuyển đổi áp dụng chính thức biểu giá điện 2 thành phần đối với nhóm khách hàng này.

Cùng với quá trình này là việc chuẩn bị đầy đủ các hành lang pháp lý (từ sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg đến hợp đồng mua bán điện...) nhằm sẵn sàng cho giai đoạn chuyển đổi - áp dụng chính thức giá điện 2 thành phần với nhóm khách hàng đã lựa chọn.

Giai đoạn đề xuất áp dụng chính thức giá 2 thành phần thí điểm cho khách hàng sản xuất bình thường trong tập khách hàng Nghị định số 80/2024/NĐ-CP: Dự kiến bắt đầu từ đầu năm 2025.

Sau khi giai đoạn thử nghiệm kết thúc, quá trình hoàn thiện biểu giá 2 thành phần, chuẩn bị đầy đủ hành lang pháp lý và các điều kiện liên quan khác, triển khai áp dụng chính thức giá điện 2 thành phần thí điểm toàn bộ khách hàng sản xuất bình thường của Nghị định số 80, thay thế cho biểu giá điện hiện tại. Các nhóm khách hàng khác tiếp tục thực hiện biểu giá hiện hành.

Trong quá trình áp dụng chính thức giá điện 2 thành phần cho nhóm khách hàng này, một mặt cần tiếp tục thực hiện việc vi chỉnh các cơ cấu biểu giá điện hiện hành (đặc biệt là các nhóm hộ sản xuất, kinh doanh) để từng bước giảm bớt sự khác biệt về giá, làm căn cứ mở rộng việc áp dụng giá điện 2 thành phần.

Việc mở rộng đối tượng khách hàng áp dụng giá điện 2 thành phần là cần thiết để tiến tới áp dụng cho phần lớn khách hàng ở các giai đoạn áp dụng chính thức tiếp theo. Tuy nhiên, quá trình này cần triển khai bài bản, kỹ lưỡng, tránh các tác động không mong muốn làm sai lệch mục tiêu thay thế hệ thống giá bán lẻ điện hiện hành bằng hệ thống giá điện 2 thành phần.

Nhận xét và kiến nghị của EVN:

1. Theo quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP, Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg việc áp dụng giá điện hai thành phần, lộ trình thực hiện và đối tượng áp dụng cần được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ Công Thương hướng dẫn.

2. Việc thay đổi cơ chế tính giá điện như hiện nay là 1 thành phần thành cơ chế giá điện 2 thành phần cần được xem xét kỹ lưỡng, có lộ trình phù hợp. Thực tế giai đoạn vừa qua đối với cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) áp dụng cho một số đối tượng khách hàng, chưa thực hiện cho toàn bộ hệ thống. Do đó, việc lựa chọn nhóm khách hàng thuộc cơ chế DPPA tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP là thận trọng, có thể xem xét trong giai đoạn hiện nay.

3. Theo đề xuất đơn vị tư vấn về giá cố định sẽ điều chỉnh theo CPI và giá biến đổi sẽ điều chỉnh theo mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo cơ chế quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, nên việc giá cố định hàng năm tự động điều chỉnh là chưa phù hợp. Do đó, đề nghị xem xét theo hướng giá công suất và giá điện năng sẽ điều chỉnh bằng với tỷ lệ điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và phạm vi điều chỉnh là ± 2% so với tỷ lệ tại biểu giá điện 2 thành phần (tương tự như tại Quyết định số 28/2014/QĐ- TTg).

4. Về lộ trình áp dụng:

- Giai đoạn thử nghiệm sẽ tính toán để so sánh với biểu giá điện hiện hành, thực hiện công tác truyền thông, hoàn thiện các văn bản pháp lý, chưa thực hiện thanh toán theo biểu giá 2 thành phần mà vẫn thực hiện theo biểu giá điện hiện hành. Trường hợp chỉ đạo khác của Chính phủ, Bộ Công Thương thì sẽ thực hiện theo chỉ đạo.

- Giai đoạn chính thức khi đầy đủ các văn bản pháp lý, hoặc theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ áp dụng và thanh toán chính thức.

5. Việc cải cách cơ chế giá bán lẻ điện nhìn chung cần được xem xét trong thời điểm Việt Nam đang chuyển đổi sang cơ chế thị trường phát điện, bán buôn, bán lẻ điện. Việc áp dụng giá điện 2 thành phần sẽ tác động đến các nhóm khách hàng, các hộ sử dụng điện trong đó có thể tăng, hoặc giảm so với cơ chế giá 1 thành phần hiện nay.

Một số đánh giá và gợi ý ban đầu của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam:

Trên thế giới, việc tính giá điện 2 thành phần đã được nhiều nước thực hiện gồm giá công suất (tính theo kW) và giá điện năng (tính theo kWh), phần lớn áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh và có một số nước áp dụng cho cả điện sinh hoạt. (Hầu hết các nước ASEAN đã áp dụng dưới dạng phí công tơ). Việc áp dụng giá điện 2 thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ, cũng như sử dụng nguồn lực hợp lý.

Giá điện công thương ở Thái Lan, áp dụng từ ngày 1/5/2023:

Cấp điện áp

Phí công suất (nhu cầu) (baht/kW)

VNĐ/kW

Chi phí điện năng (baht/kWh)

Chi phí bao gồm FT và VAT (baht/kWh)

VNĐ/kWh

3,1,1 Điện áp 69 kV trở lên

175,70

121.233

3,1097

4,3031

2.969

3,1,2 Điện áp 12-24 kV

196,26

135.419

3,1471

4,3431

2.997

3,1,3 Điện áp dưới 12 kV

221,50

152.835

3,1751

4,3731

3.017

Giá điện 1 thành phần (chỉ tính phần điện năng) hiện đang được áp dụng tại nước ta có ưu điểm là đơn giản, nhưng không phản ánh đúng chi phí người tiêu dùng gây ra cho hệ thống. Việc áp dụng thêm giá công suất (bên cạnh việc tính lượng điện năng tiêu thụ) sẽ góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, từ đó nâng cao hệ số phụ tải điện, tiết kiệm được tiền điện, giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện. Đặc biệt, đối với những khách hàng đăng ký công suất lớn hơn so với nhu cầu sử dụng thực tế, ngành điện sẽ thu hồi được cả chi phí đầu tư.

Trong bối cảnh các công ty điện lực đã áp dụng công tơ điện tử, đặc biệt là khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh, thì việc triển khai giá bán điện theo công suất và điện năng là cần thiết nhằm đảm bảo giá điện phản ánh đúng, đủ chi phí.

Xuất phát từ quan điểm này, cơ chế giá điện hai thành phần được xem như biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên.

Việc triển khai giá bán điện theo công suất và điện năng là cần thiết nhằm đảm bảo giá điện tạo tín hiệu phản ánh đúng, đủ chi phí (về mặt công suất) tới khách hàng sử dụng điện. Theo đó, khách hàng có nhu cầu công suất cao sẽ trả phí cố định cao hơn khách hàng có nhu cầu công suất thấp. Do đó, cùng sản lượng điện sử dụng theo tháng (tính bằng kWh), nhưng có hệ số phụ tải (load factor) thấp thì phải trả nhiều hơn hơn khách hàng có hệ số phụ tải cao. Việc áp dụng giá điện theo 2 thành phần kết hợp với quy định giá điện TOU hiện hành sẽ góp phần cân bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống và giảm bớt nhu cầu đầu tư nguồn, lưới điện để đáp ứng công suất sử dụng điện trong giờ cao điểm.

Việc áp dụng cơ chế giá điện 2 thành phần cho khách hàng sử dụng điện là bước đi đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ, cũng như sử dụng nguồn lực hợp lý, giúp cân bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống và giảm bớt nhu cầu đầu tư nguồn, lưới điện. Giá điện 2 thành phần sẽ đem lại sự công bằng cho người sử dụng điện (khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh), thúc đẩy khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Đối với khách hàng sinh hoạt, giá công suất dưới dạng phí công tơ sẽ loại bỏ sự phiền toái do công ty điện lực cắt điện khi không sử dụng điện một thời gian dài.

Để thử nghiệm, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam gợi ý: EVN có thể áp dụng giá công suất hàng tháng thấp hơn chi phí thực cho đầu tư cấp điện mỗi kVA cho khách hàng, sao cho giá điện năng không cần giảm nhiều so với khách hàng chưa áp dụng giá 2 thành phần. (Bạn đọc có thể tham khảo giá công suất của các nước ASEAN có trình độ phát triển tương đương Việt Nam trong bài “Cách điều hành giá điện trong khu vực ASEAN - Lựa chọn nào cho Việt Nam?”).

Với xu thế phát triển năng lượng tái tạo ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ quan trọng trong cơ cấu nguồn điện toàn hệ thống, khi áp dụng giá điện 2 thành phần, ngoài việc các khách hàng sử dụng điện (khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh) sẽ cơ cấu lại nhu cầu sử dụng điện hợp lý, tạo sức hút các nhà đầu tư tham gia phát triển điện LNG, thủy điện tích năng, đem lại lợi ích cho nền kinh tế./.

Nguồn:Theo nangluongvietnam.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51