EVN thực hiện đạt 98% mục tiêu về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2022

Đó là một trong những thông tin nổi bật tại phiên họp thứ nhất năm 2023 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cuộc họp do Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành chủ trì, diễn ra sáng 6/4 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo báo cáo của Ban Viễn thông và Công nghệ thông tin EVN, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2022 đã cơ bản hoàn thành ở mức cao (toàn tập đoàn đạt bình quân là 96,97%), cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo, các tổ công tác và sự tham gia hưởng ứng của CBCNV trong tập đoàn. Tính đến hết năm 2022, đã có 98% mục tiêu đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, lĩnh vực quản trị nội bộ hoàn thành đạt 99,9%, lĩnh vực đầu tư xây dựng hoàn thành 100%, lĩnh vực sản xuất hoàn thành 95,93%, lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng đạt 100%, lĩnh vực viễn thông công nghệ thông tin đạt 89%.

Phiên họp thứ nhất năm 2023 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được tổ chức trực tiếp tại TP Hồ Chí Minh và kết nối trực tuyến đến các đơn vị thành viên EVN - Ảnh: Ng.Tuấn.

Về triển khai tự đánh giá mức độ trưởng thành số theo bộ chỉ số do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tại Quyết định 1970/QĐ-BTTTT, EVN cơ bản đạt được xếp hạng chuyển đổi số trên mức 3 (mức "Hình thành") và gần tiệm cận mức 4 (mức "Nâng cao").

Trong EVN có 2 Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI) và TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã được đơn vị tư vấn của Bộ TT&TT đánh giá, trong đó EVNHANOI được xếp hạng chuyển đổi số mức 3 (mức "Hình thành"); EVNHCMCđược xếp hạng chuyển đổi số trên mức 3 (mức "Hình thành") và gần tiệm cận mức 4 (mức "Nâng cao").

Trong giai đoạn 2023-2025, EVN thực hiện tổng số 38 nhiệm vụ, 54 mục tiêu trên 5 lĩnh vực (quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, kỹ thuật sản xuất, KD&DVKH, VTCNTT). Đối với các nhiệm vụ đã hoàn thành hoặc triển khai tốt trong giai đoạn 2021 – 2022, sẽ tiếp tục duy trì và cải tiến để nâng cao hiệu quả mà quá trình chuyển đổi số đem lại, nâng cao chất lượng và có các chương trình để duy trì sử dụng. Đồng thời, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chưa hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2022. Song song, EVN cũng tổ chức thực hiện thêm một số nhiệm vụ, để triển khai chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2023 là "Dữ liệu số". 

Các nhiệm vụ chuyển đổi số của EVN đề ra trong đề án giai đoạn 2021 – 2022 đã cơ bản hoàn thành ở mức cao - Ảnh: Ng.Tuấn.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Ban Chỉ đạo và các tổ công tác đã nghiêm túc thực hiện quy chế làm việc và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công. Dù đã đạt được kết quả nổi bật, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số vẫn còn có những hạn chế, bất cập. Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành yêu cầu, thời gian tới, các đơn vị cần chủ động, tích cực khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số đã được Hội đồng thành viên EVN thông qua và định hướng chuyển đổi số của Chính phủ. 

Chủ tịch HĐTV EVN cũng yêu cầu, năm 2023 EVN cần hoàn thành xây dựng và ban hành bộ chỉ tiêu về doanh nghiệp số với những chỉ tiêu cơ bản như: tỷ lệ số hóa quy trình nghiệp vụ các hoạt động; khách hàng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ số; doanh thu từ các sản phẩm số và dịch vụ số; tỷ lệ ứng dụng thiết bị thông minh, cảm biến, điều khiển từ xa; tỷ lệ đầu tư các giải pháp công nghệ số cho chuyển đổi số; tiết kiệm chi phí sau khi áp dụng chuyển đổi số cũng như các tiêu chí đánh giá về an toàn thông tin.

Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2023 – 2025, Ban Chỉ đạo thống nhất cho phép thuê đơn vị tư vấn thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành số để xác định mức độ đạt được và có kế hoạch để thực hiện ở mức cao hơn; hiệu chỉnh tiến độ, phạm vi, quy mô các dự án có độ phức tạp cao, chi phí lớn để phù hợp với tình hình thực tế của EVN; xây dựng các chương trình tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế cho lực lượng kỹ thuật tại các doanh nghiệp năng lượng tiên tiến,...

Tác giả: Ngọc Tuấn
Nguồn:evn.com.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51