EU nhất trí cắt giảm nhu cầu khí đốt xuống 15%

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận chính trị về việc tự nguyện giảm 15% nhu cầu khí đốt tự nhiên so với mức trung bình giai đoạn 2017 – 2021.

Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Séc Jozef Sikela đã chủ trì một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng EU về năng lượng vào ngày 26/7 trong bối cảnh khối này phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt trong mùa đông.

Theo thông cáo báo chí từ Hội đồng châu Âu, "các quốc gia thành viên đã đồng ý giảm nhu cầu khí đốt của họ xuống 15% so với mức tiêu thụ trung bình trong 5 năm qua, trong khoảng thời gian từ ngày 1/8/2022 đến ngày 31/3/2023, với các biện pháp do họ lựa chọn". “Các biện pháp khả thi bao gồm giảm tiêu thụ khí đốt trong ngành điện, các biện pháp khuyến khích chuyển đổi nhiên liệu trong công nghiệp, các chiến dịch nâng cao nhận thức quốc gia, các nghĩa vụ giảm nhiệt có mục tiêu và làm mát và các biện pháp dựa trên thị trường như đấu giá giữa các công ty" – thông cáo báo chí cho biết thêm.

Tuy nhiên, có một số trường hợp miễn trừ đối với mục tiêu 15%, đặc biệt là có lợi cho các quốc đảo như Malta, Cyprus và Ireland, được miễn vì các quốc gia này không được kết nối với mạng lưới khí đốt của EU.

Những nước có khả năng nhất định trong việc xuất khẩu khí đốt sang các nước EU khác có thể yêu cầu một mục tiêu thấp hơn, miễn sao họ xuất khẩu số khí đốt mà họ chia sẻ được. Nhóm này có thể bao gồm Tây Ban Nha - nước không dựa vào nguồn khí đốt Nga và ban đầu phản đối kế hoạch của EU. “Mọi người đều hiểu rằng khi ai đó đề nghị bạn giúp đỡ, bạn nên giúp họ” – Bộ trưởng Bộ Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera cho biết.

Những nước đã đạt mức dự trữ khí đốt cao hơn mục tiêu mà EU đề ra cho thời hạn tháng 8 cũng có thể hạ mức cắt giảm tiêu thụ khí đốt. Mức cắt giảm vì thế sẽ không quá khắc nghiệt đối với khoảng hơn một chục nước hiện đã có dự trữ tương đối đầy, như Đức và Italy.

Các quốc gia EU cũng có thể miễn cắt giảm đối với nhu cầu khí đốt của những ngành công nghiệp chủ chốt, như sản xuất thép - một ngành sử dụng nhiều năng lượng. Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi sinh thái của Italy, ông Roberto Cingolani, nói rằng mục tiêu bắt buộc của Italy nên là 7% thay vì 15%, nếu tính đến việc cắt giảm nhu cầu khí đốt mà nước này đã thực hiện trong những năm trước.

Ngoài ra, theo Hội đồng châu Âu, "cảnh báo của Liên minh" có thể được kích hoạt bởi Ủy ban châu Âu nếu họ nhận thấy "nguy cơ đáng kể về tình trạng thiếu khí nghiêm trọng hoặc nhu cầu khí đốt đặc biệt cao", hoặc "nếu 5 hoặc nhiều quốc gia thành viên đã tuyên bố ở cấp quốc gia, yêu cầu Ủy ban làm như vậy".

Trước đó, các nước thành viên EU đã thẳng thừng từ chối đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc trao quyền cho Brussels áp đặt việc cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ trong trường hợp khẩn cấp. Họ muốn chính 27 quốc gia thành viên - chứ không phải cơ quan điều hành EU có trụ sở tại Brussels - quyết định thời điểm và cách thức thực hiện các mục tiêu ràng buộc.

Châu Âu đã đối mặt với cuộc khủng hoảng nhiên liệu sau khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga do chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine. Điều này đã dẫn đến sự gián đoạn về nguồn cung khí đốt và giá năng lượng tăng vọt./.

Nguồn:Theo DCSVN Sao chép liên kết
Tin liên quan