Đức tắt đèn, khóa nước nóng nơi công cộng nhằm chạy đua trước lo ngại khủng hoảng năng lượng vào mùa đông

Nhiều thành phố tại Đức công bố các biện pháp tiết kiệm năng lượng, bao gồm tắt nước nóng trong các tòa nhà công cộng và hệ thống thắp sáng với lo ngại về thiếu hụt năng lượng mùa đông.

• Thành phố Hanover của Đức đã cắt nước nóng trong các tòa nhà công cộng, bể bơi, phòng thể thao và phòng tập thể dục trước lo ngại về khủng hoảng năng lượng mùa đông.

• Hanover cũng sẽ tắt các đài phun nước công cộng và ngừng thắp sáng các tòa nhà lớn vào ban đêm, vì thành phố đặt mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng xuống 15%, theo Thị trưởng Hanover Belit Onay.

Thành phố Hanover về đêm (Ảnh: Moritz Frankenberg/Getty Images)

Thành phố Hanover, thành phố ở tây bắc của Đức, trở thành thành phố lớn đầu tiên công bố các biện pháp tiết kiệm năng lượng, bao gồm tắt nước nóng trong các tòa nhà công cộng, bể bơi, phòng tập thể thao và phòng tập thể dục với lo ngại về thiếu hụt năng lượng mùa đông.

Theo thị trưởng Belit Onay của Hanover, thành phố này cũng sẽ tắt các đài phun nước công cộng và ngừng chiếu sáng các tòa nhà lớn vào ban đêm, với mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng xuống 15%. Ông Belit Onay cho rằng đây là một trong những hành động cấp thiết để đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng sắp xảy ra, mỗi kilowatt giờ lúc này đều có giá trị”.

Mục tiêu tiết kiệm 15% của Hanover là phù hợp với đề xuất của Ủy ban Châu Âu đưa ra trong tuần trước nhằm hối thúc các quốc gia thành viên EU chuẩn bị ứng phó trong trường hợp Nga cắt hoàn toàn khí đốt. Là quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu khí đốt Nga so với các nước Châu Âu khác, Đức đang chịu áp lực hàng đầu. 

Các tòa nhà thành phố ở thủ phủ bang Lower Saxony sẽ chỉ được sưởi ấm từ ngày 1.10 đến 31.3 ở nhiệt độ phòng không quá 20 độ C, đồng thời chuyển đổi toàn bộ đèn chiếu sáng sang đèn LED, cấm điều hòa không khí di động, quạt sưởi hoặc bộ tản nhiệt và cấm lắp đặt thiết bị cảm biến chuyển động thay cho ánh sáng thường xuyên tại các nhà vệ sinh công cộng, nhà để xe đạp, hành lang và bãi đậu xe. Riêng các nhà trẻ, trường học, nhà chăm sóc và bệnh viện sẽ được miễn trừ khỏi các biện pháp tiết kiệm.

Vào 22/7/2022, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã thông báo về việc ngừng hoạt động thêm một tuabin khác tại trạm nén khí Portovaya thuộc hệ thống đường ống Nord Stream 1 tới Đức để phục vụ mục đích bảo trì. Việc cắt giảm cung cấp năng lượng liên tục như vậy đồng nghĩa với việc dòng khí đốt, vốn chỉ hoạt động với 40% công suất, giảm xuống chỉ còn 20%, khiến châu Âu không khỏi hoang mang, nghi ngờ.

Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck gọi việc biện minh bảo trì này là một "trò hề" và các nhà lãnh đạo EU đã cáo buộc Điện Kremlin sử dụng tài sản thuộc sở hữu của nhà nước như một vũ khí để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc chiến của Nga tại Ukraine.

Hannover không phải thành phố duy nhất thực hiện biện pháp phòng ngừa trước mùa đông. Nhiều thành phố xung quanh như Munich, Leipzig, Cologne và Nuremberg, nơi phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng khí đốt của Nga, cũng đã bắt đầu áp dụng các biện pháp tương tự như Hanover.

Theo đó, thành phố Munich ở miền nam nước Đức thông báo sẽ tắt đèn chiếu sáng trên tòa thị chính ở quảng trường Marienplatz, nơi thường được thắp sáng đến 23h. Ngoài ra, các văn phòng thành phố sẽ chỉ có nước lạnh, các đài phun nước cũng tắt vào ban đêm. 

Nuremberg sẽ đóng cửa 3 trong số 4 hồ bơi trong nhà do thành phố quản lý và mở các hồ bơi ngoài trời tới ngày 25 tháng 9. 

Đầu tháng này, các hãng truyền thông Đức đưa tin người dân đã giảm thời gian tắm trong bối cảnh chính phủ liên tục kêu gọi thắt lưng buộc bụng. Bộ trưởng Kinh tế Đức và Phó thủ tướng Robert Habeck trước đó kêu gọi người dân giảm sưởi ấm, tắm hơi và tắm vòi sen để giúp nước này giảm phụ thuộc năng lượng Nga.

Có thể nói, Đức đang phải tìm mọi cách chống đỡ cho cuộc khủng hoảng năng lượng để chuẩn bị cho nhu cầu sử dụng cao vào mùa đông nhưng giá khí đốt đã tăng gần gấp 4 lần trong năm nay, gánh nặng đè lên vai cư dân Đức ngày càng lớn về chi phí sử dụng năng lượng phục vụ cho hoạt động thường ngày.

Hi vọng rằng ngoài những biện pháp tiết kiệm, quốc gia này sẽ có những hướng đi mới, tích cực và bền bững hơn để đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân nói riêng và nên kinh tế của quốc gia nói chung.

 

Tác giả: Nguyễn Mai
Nguồn:Theo CNBC, BBC, the Guardian Sao chép liên kết
Tin liên quan