Độc quyền trong hoạt động truyền tải: Độc quyền đến đâu?

Góp ý cho Luật Điện lực sửa đổi, các bộ, ngành, tập thể và cá nhân đưa ra nhiều ý kiến đối với vấn đề độc quyền trong hoạt động truyền tải.

Nhà nước giữ vai trò độc quyền từ đầu tư xây dựng, quản lý vận hành lưới điện truyền tải quan trọng

Theo Bộ Công thương, Luật Điện lực được ban hành đã lâu (năm 2004) và đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, song nội dung sửa đổi bổ sung không nhiều (năm 2012 chủ yếu sửa đổi quy định về giá điện và phí, năm 2018 chủ yếu sửa đổi quy định về quy hoạch phát triển điện lực để phù hợp với Luật Quy hoạch).

Do đó, Bộ cho rằng cần tổng kết và đánh giá tổng thể các quy định tại Luật Điện lực so với sự phát triển thực tế của ngành năng lượng trong thời gian gần đây (có nhiều thay đổi lớn với sự tham gia nhiều hơn của các thành phần kinh tế tư nhân, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng như sự xuất hiện của các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng nhiều) để đảm bảo việc nghiên cứu đề xuất chính sách sửa đổi quy định tại Luật Điện lực phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công thương đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các Bộ, ngành, cơ quan, tập thể và cá nhân góp ý xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp là vấn đề độc quyền trong hoạt động truyền tải.

Trong đề cương Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Bộ Công thương đề nghị sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 4 Luật Điện lực về chính sách phát triển điện lực: Xác định các nội dung mà Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện và giao Chính phủ quy định chi tiết phạm vi Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện và nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.

Luật Điện lực sửa đổi, bổ sung khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện

Để đảm bảo tính minh bạch trong quy định độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải tại Luật Điện lực, đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách về thu hút và xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị phù hợp với thực tiễn thi hành trong lĩnh vực điện lực, đơn vị soạn thảo đề xuất 3 giải pháp:

Phương án 1: Giữ nguyên chính sách hiện tại

Phương án 2: Hoàn thiện quy định về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải điện theo hướng nhà nước giữ vai trò độc quyền từ đầu tư xây dựng, quản lý vận hành lưới điện truyền tải quan trọng, cụ thể: Bổ sung định nghĩa “Hoạt động truyền tải điện là hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải”.

Bổ sung quy định “Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động truyền tải điện phục vụ đấu nối nguồn điện” và quy định “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện có ý nghĩa quan trọng về an ninh hệ thống điện điện”.

Giao Chính phủ quy định chi tiết phạm vi nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện.

Phương án 3: Hoàn thiện quy định về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải theo hướng nhà nước chỉ độc quyền trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, cụ thể: Bổ sung định nghĩa “Hoạt động truyền tải điện là hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải”.

Quy định “Nhà nước độc quyền trong hoạt động quản lý, vận hành lưới điện truyền tải”.

Trên cơ sở đánh giá tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng khác có liên quan, Bộ Công thương nhận định, phương án 2 là phương án có nhiều tác động tích cực nhất, thu được lợi ích kinh tế và tác động xã hội tốt nhất. Do đó, Bộ đề xuất lựa chọn phương án 2 cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực. Thẩm quyền ban hành là Quốc hội.

Cần định nghĩa rõ...

Góp ý cho vấn đề này, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) cho biết, tại Phương án 2 điểm 1.3 mục 1 phần II báo cáo đánh giá tác động chính sách, đề xuất sửa đổi: “Nhà nước độc quyền trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư nhà nước sẽ quyết định đơn vị thực hiện công tác đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải”.

Lý do là: Nhà nước cần phải độc quyền trong lĩnh vực quản lý và vận hành lưới điện truyền tải để đảm bảo việc an ninh cung cấp điện trong mọi mặt của đời sống. Việc xã hội hóa quyền quản lý và truyền tải điện trong các lĩnh vực không phải “an ninh cung cấp điện” có thể ảnh hướng bất lợi đến việc cung cấp điện cho người dân và gây nên bất ổn xã hội.

Mặt khác, để chủ động trong công tác xây dựng mạng lưới truyền tải điện phù hợp với các kế hoạch đầu tư, xây dựng nhà máy điện, Nhà nước có thể quy định, hướng dẫn để các chủ đầu tư chủ động trong công tác xây dựng lưới truyền tải điện khi Nhà nước chưa đủ điều kiện đầu tư và có cơ chế bàn giao lại cho đơn vị được nhà nước giao nhiệm vụ về quản lý và vận hành hệ thống này.

Về góp ý này, Bộ Công thương đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì nội dung chính sách đề xuất về đầu tư lưới điện truyền tải đã quy định rõ hơn: khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động truyền tải đấu nối nguồn điện. Nhà nước chỉ độc quyền đối với phạm vi lưới điện truyền tải có ý nghĩa quan trọng về an ninh hệ thống điện.

Theo đơn vị soạn thảo, việc xây dựng quy định bàn giao tài sản là cần thiết, tuy nhiên, cần rà soát các quy định tài chính, kế toán hiện hành để áp dụng và chỉ thực hiện xây dựng mới chính sách trong trường hợp chưa có quy định. Phạm vi quy định này thuộc chính sách về lĩnh vực kế toán, tài chính, quản lý tài sản, quản lý vốn nhà nước, vì vậy, không đề xuất tại Luật Điện lực.

Trong khi đó, về chính sách liên quan đến truyền tải điện, Bộ Tư pháp cho rằng vấn đề “độc quyền truyền tải điện” có thể giải quyết bằng việc đưa ra nguyên tắc Nhà nước độc quyền trong quản lý, vận hành lưới truyền tải điện quốc gia, việc đầu tư xây dựng lưới truyền tải điện thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư, điện lực, xây dựng... Vì vậy, đề nghị Bộ Công thương cân nhắc đối với giải pháp giao Chính phủ quy định chi tiết phạm vi nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện.

Bộ Công thương đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì việc xác định phạm vi lưới điện truyền tải quốc gia mà Nhà nước độc quyền quy định tại Nghị định là phù hợp hơn quy định tại Luật Điện lực để đảm bảo các khung chính sách có tính dài hạn. Ngoài ra, quy định này cũng tương tự như đối với các nguồn điện lớn mà Nhà nước độc quyền trong xây dựng, vận hành đã được quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP.

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đề xuất phương án tối ưu hơn để tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân không chỉ tham gia đầu tư mà còn xây dựng và vận hành lưới điện để giảm bớt ánh nặng cho Nhà nước.

Trả lời GreenID, Bộ Công thương đề nghị giữ nguyên như dự thảo, vì: chính sách đề xuất (khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động truyền tải điện phục vụ đấu nối nguồn điện) đã cho phép tư nhân thực hiện: đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành lưới điện đấu nối nguồn điện.

Đối với lưới điện truyền tải quan trọng về an ninh hệ thống điện thì Nhà nước cần độc quyền từ khâu đầu tư đến quản lý vận hành để đảm bảo chất lượng, chi phí, đảm bảo an ninh hệ thống điện.

Thanh tra Chính phủ đề nghị đánh giá cụ thể về tác động của quy định này về chính sách phát triển (độc quyền nhà nước và khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo), trong đó cần lưu ý đánh giá tác động đến môi trường của pin mặt trời lắp đặt tại các nhà máy điện mặt trời sẽ là nguồn chất thải độc hại cao sau khi hết vòng đời sử dụng, nguy cơ gây tác hại môi trường khó lường. Đáng chú ý, đến nay hầu như chưa có phương án xử lý.

Tiếp thu bổ sung đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên, Bộ Công thương cho biết, về việc đánh giá tác động của pin mặt trời trong nhà máy điện mặt trời nêu tại Báo cáo là không phù hợp và không cần thiết. Trong quá trình đầu tư dự án điện mặt trời, chủ đầu tư dự án sẽ phải tuân thủ thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc lập kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định luật bảo vệ môi trường.

Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, nội dung, khái niệm “Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải có ý nghĩa quan trọng về an ninh cung cấp điện” là không rõ ràng, sẽ rất phức tạp vì chưa có định nghĩa và phạm vi, cách xác định thế nào là “có ý nghĩa quan trọng về an ninh cung cấp điện”.

Bộ Công thương đề nghị giữ nguyên như dự thảo, vì: Nội dung quy định phạm vi nhà nước độc quyền sẽ được quy định cụ thể tại Nghị định hướng dẫn Luât sửa đổi (tương tự như quy định đối với nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng).

Bộ KH – ĐT góp ý, nhu cầu đầu tư lưới điện truyền tải theo quy hoạch phát triển điện lực là rất lớn và và một trong các lĩnh vực được đầu tư theo hình thức PPP. Vì vậy, cần thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động phát điện, truyền tải điện chứ không bó hẹp hoạt động truyền tải điện trong phạm vi đấu nối nguồn điện.

Bộ KH - ĐT đề nghị sửa mục a Khoản 2 Điều 1 như sau: “ Xây dựng và phát triển...; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động phát điện, truyền tải điện phục vụ đấu nối nguồn điện và lưới điện phân phối, phân phối điện".

Bộ Công thương đề nghị giữ nguyên như dự thảo, vì: tại Khoản 2, Điều 4 Luật Điện lực đã quy định “thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động phát điện, hoạt động truyền tải điện phục vụ đấu nối nguồn điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực. Do đó, không cần thiết bổ sung “và lưới điện phân phối, phân phối điện“.

Ngoài ra, phạm vi Nhà nước độc quyền không bao gồm hoạt động phân phối điện, đầu tư lưới điện phân phối. Chỉ nên thu hút tư nhân tham gia đầu tư lưới điện đấu nối nguồn, đường trục đường dây truyền tải cần phải được Nhà nước nắm giữ để đảm bảo an ninh hệ thống điện quốc gia, tránh mọi hình thức độc quyền tư nhân.

Nguồn:Theo Đất Việt Sao chép liên kết
Tin liên quan