Đà Nẵng: Trao giải thưởng tiết kiệm điện ứng dụng công nghệ IoT
Chiều 13/8, Sở Công Thương Đà Nẵng đã tổ chức công bố và trao giải chương trình thí điểm thi đua tiết kiệm điện ứng dụng công nghệ IoT “Chinh phục thử thách - Thuận tiện sống xanh” trên địa bàn TP.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Văn Trừ trao giải đặc biệt cho khách hàng Trần Phước Luật (trái).
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Văn Trừ, chương trình thi đua tiết kiệm điện “Chinh phục thử thách - Thuận tiện sống xanh” trên ứng dụng EPoint do Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức với sự phối hợp của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại quốc tế ICOM và các đơn vị hữu quan.
Chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời khuyến khích ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) để tối ưu hóa việc sử dụng điện, góp phần thực hiện chương trình quốc gia về tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2020-2030.
Tại buổi công kết quả chương trình chiều 13/8, Ban tổ chức đã trao giải đặc biệt, nhất, nhì, ba và khuyến khích cho 9 khách hàng trúng giải thưởng chung cuộc. Ngoài ra, có 200 lượt khách hàng trúng thưởng mỗi tuần đã được Ban tổ chức trao thưởng qua mạng trước đó.
Ông Bùi Đỗ Quốc Huy - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) cho biết, chương trình này diễn ra từ ngày 10/6 đến 9/7 là khoảng thời gian thời tiết nắng nóng kỷ lục do hiện tượng El-Nino. PC Đà Nẵng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm cung ứng điện khi công suất cực đại Pmax toàn hệ thống đạt 668,5 MW, tăng đến 16% so cùng thời điểm năm 2023, vượt 8,7% so với công suất cực đại năm 2023; sản lượng ngày cực đại ghi nhận mức kỷ lục 13,75 triệu kWh, tăng đến 1 triệu kWh/ ngày so với năm 2023 (12,8 triệu kWh).
“Trong bối cảnh đó, với nhiều giải pháp tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, cùng sức lan tỏa và ý nghĩa thiết thực của chương trình “Chinh phục thử thách – Thuận tiện sống xanh”, đến thời điểm này PC Đà Nẵng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm cung ứng điện, phục vụ đời sống sinh hoạt người dân, an ninh chính trị, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn TP giai đoạn mùa khô 2024”, ông Bùi Đỗ Quốc Huy chia sẻ.
Theo đó, trong thời gian diễn ra chương trình đã lắp đặt được 284 thiết bị IoT, kết nối được 241 thiết bị, trong đó 181 thiết bị còn duy trì kết nối. Có 209 khách hàng đã cài đặt ứng dụng EPoint, trong đó có với 50% đạt hiệu suất tiết kiệm điện trên 40% so với cùng kỳ 2023 (đối với các thiết bị điện được cài đặt bộ điều khiển).
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Trừ, số lượng khách hàng tham gia chỉ đạt 284/500, thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu. Một số khó khăn gặp phải như không thể lắp đặt thiết bị do hộ dân thiếu kết nối wifi, thiết bị không tương thích, kích thước thiết bị lắp vào không phù hợp với thiết kế hệ thống điện có sẵn của người dùng hoặc không liên hệ được với chủ hộ (do chưa đi khảo sát trước từng hộ khách hàng mà chỉ đến khi có thiết bị thì mới liên hệ với chủ hộ để hẹn thời gian khảo sát và tiến hành lắp đặt luôn nếu phù hợp).
“Điều này cho thấy còn nhiều việc cần đánh giá khách quan tính hiệu quả, tương thích của các thiết bị điều khiển lắp đặt vào hệ thống điện của người dân và cần có sự cải thiện để có thể xem xét triển khai trong thời gian tới. Tiết kiệm điện không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh năng lượng”, ông Nguyễn Văn Trừ nhấn mạnh.