Cơn bão “hoàn hảo” đối với thị trường năng lượng, thế giới nên tiếp tục đầu tư vào NLTT?

Cuộc khủng hoảng này đã bộc lộ toàn diện từ tháng 9 vừa qua với nhiều “cơn sốt” tăng giá trên thị trường các nguồn năng lượng hóa thạch. Ai sẽ phải trả giá cho cuộc khủng hoảng này? Trang tin Oilcapital mới đây đã có bài viết phân tích về cuộc khủng hoảng giá năng lượng hiện nay.

Tình trạng thiếu năng lượng và giá cả tăng cao, mất cân bằng cung cầu trên thị trường dầu thô và khí đốt khiến nhiều doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp khác nhau buộc phải cắt giảm năng lực sản xuất hiện tại vì lợi nhuận thấp. Điều này bắt đầu xảy ra ở các mức độ khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung tại các quốc gia đang tích cực thúc đẩy chiến lược khử carbon.

Quát trình tăng giá nhiên liệu bắt đầu một cách rõ ràng kể từ mùa đông 2020 - 2021, thời điểm mà giá khí đốt trên sàn TTF (Hà Lan) được giao dịch ở mức 335 USD/1000 m3 (tháng 01/2021). Lúc đó, giá nhiên liệu LNG trên thị trường giao ngay ở châu Á đã lập kỷ lục lịch sử khi được giao dịch ở mức trên 800 USD/1000 m3. Giá khí đốt thiên nhiên tuy có giảm đôi chút sau đó, nhưng vẫn tiếp tục đà tăng tại thị trường châu Âu.

Song song với điều này, cuộc cạnh tranh về nguồn cung năng lượng bắt đầu gây ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu trên thị trường. Các quốc gia Đông Á đã bắt đầu nhập khẩu LNG kỷ lục vào mùa xuân năm 2021, thời điểm giá LNG đã ở mức cao. Ví dụ, vào tháng 4/2021, nguồn cung LNG cho Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 7,032 triệu tấn, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020, bất chấp giá khí đốt trên thị trường giao ngay tại thời điểm đó là 282 USD/1000 m3 (giá khí đốt ở thị trường EU thời điểm đó là khoảng 250 USD/1000 m3). Trên thực tế, giữa thị trường phương Đông và phương Tây đã bắt đầu nổ ra cuộc chiến tranh giành nguồn cung LNG trong năm 2021. Kết quả là Vương quốc Anh và các thị trường EU - những nước tiêu thụ dầu khí chính ở thế giới hậu công nghiệp, đang thua cuộc cho đến thời điểm hiện tại.

Nhìn chung, đến cuối mùa hè năm 2021, các vấn đề thiếu hụt nguồn cung năng lượng và giá năng lượng cao đã có những tác động sâu rộng, nhưng không phản ánh mạnh mẽ sản lượng sản xuất trên thế giới. Tuy nhiên, đến tháng 9 vừa qua, thị trường toàn cầu đã chứng kiến một sự chuyển đổi trạng thái từ trật tự sang hỗn loạn. Giá điện tại EU bắt đầu tăng với tốc độ kỷ lục, nhất là tại Pháp, Hà Lan, Đức và một số thành viên EU khác. Tại Vương quốc Anh cũng chứng kiến sự gia tăng giá điện. Và nếu tính chung trong vòng 2 năm qua, giá điện tại vương quốc này đã tăng gần 7 lần, lên mức 384 USD/MWh, cao nhất kể từ năm 1999.

Các vấn đề tương tự cũng được quan sát thấy tại thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác. Tất nhiên, do sự toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới, cuộc khủng hoảng năng lượng đang gây ra những thiệt hại ngay cả với những quốc gia đã tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng trong những năm gần đây.

 

Đánh giá từ nhiều góc độ cho thấy, giá điện tăng mạnh là do giá khí đốt tăng. Đầu tháng 10/2021, giá khí trên sàn giao dịch TTF đã liên tiếp lập kỷ lục mới, có lúc lên tới 1.900 USD/1000 m3. Đồng thời, tình hình ở thị trường châu Á cũng không khả quan hơn. Hợp đồng tương lai khí đốt tháng 11 đang được giao dịch ở mức trên 1.220 USD/1000 m3. Giá dầu thô hiện nay cũng đang ở mức 80 USD/thùng. Khi quy đổi về mặt năng lượng thì khí đốt tại châu Á đang đắt hơn dầu thô khoảng 2,5 lần.

Cũng trong tháng 9 vừa qua, cuộc khủng hoảng giá năng lượng tại Anh đã ảnh hưởng đến các nhà máy lọc dầu. Lợi nhuận từ hoạt động tinh chế giảm do giá điện tăng cao. Kết quả là vào ngày 27/09, đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ xăng dầu ở Anh cho biết, có đến 50-90% số trạm xăng bị thiếu hụt nguồn cung. Bên cạnh đó, các công ty sản xuất điện của Anh cũng đang phải gánh chịu hậu quả. Do giá khí đốt tăng kỷ lục, hai công ty tiện ích là Avro Energy và Green Supplier (phục vụ cho khoảng 840.000 hộ gia đình) đã thông báo ngừng hoạt động. Đại diện của Green Supplier cho biết, tất cả các nhà cung cấp năng lượng trong nước đang bị thua lỗ trong mùa thu năm nay. Cũng chính bởi nguyên nhân này, hai nhà sản xuất điện khác là PFP Energy và Money Plus Energy (phục vụ cho khoảng 100.000 hộ dân) đã rút khỏi thị trường năng lượng Anh. Bộ trưởng năng lượng Anh Quasi Quarteng (9/2021) đã ra thông báo nhằm trấn an tình hình rằng, Chính phủ đang chuẩn bị các biện pháp khẩn cấp. Tuy nhiên, thị trường chưa rõ liệu Anh có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng giá năng lượng hiện nay hay không. Giá khí đốt nhập khẩu vẫn đang ở mức cao và dường như tình hình khủng hoảng sẽ không được cải thiện trong mùa đông này. Một lần nữa, thị trường năng lượng tại Anh cho thấy sự thiếu tin cậy từ các nguồn điện tái tạo. Cùng lúc đó, một trong hai tuyến cáp ngầm truyền tải điện từ Pháp đến Anh bị hư hỏng do xảy ra hỏa hoạn tại một trạm biến áp ở Anh. Dự kiến, tuyến cáp IFA-1 sẽ hoạt động trở lại vào nửa cuối tháng 10.

Tình hình khủng hoảng giá năng lượng tại EU cũng không sáng sủa hơn so với Vương quốc Anh. Văn phòng điều tiết năng lượng, mạng và môi trường (Arena) của Italia (9/2021) cảnh báo, giá điện và giá khí đốt sinh hoạt sẽ tăng lần lượt 29,8% và 14,4% trong tháng 10/2021.

Tại Bắc Âu, cuộc khủng hoảng giá năng lượng kết hợp với sự cạn kiệt tại các hồ chứa nước do mùa hè khô hạn cũng gây ra những cản trở cho sản xuất thủy điện. Nhà sản xuất phân bón Yara International tại Na Uy (chiếm ⅓ sản lượng amoniac toàn cầu) cho biết, chi phí năng lượng cao trong tháng 9 sẽ giảm 40% sản lượng amoniac cho thị trường châu Âu. Các nước trong khác trong khu vực Scandinavia cũng đang chịu cảnh thiếu nước cho các nhà máy thủy điện. Công ty năng lượng Thụy Điển Skelleftea Kraft AB cho biết, việc tăng giá năng lượng trong những tháng tiếp theo có thể đẩy lạm phát ở nước này vượt mốc 3%, mức cao nhất kể từ năm 2008.

Chi phí tài nguyên năng lượng cao đã buộc chính quyền Pháp phải “đóng băng” giá nhiên liệu hóa thạch trong 6 tháng, kể từ tháng 9 năm nay, thông qua hai công cụ điều tiết giá là công ty năng lượng Engie và tập đoàn điện lực Pháp (EDF). Câu hỏi đặt ra là biện pháp cấp bách này sẽ ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến doanh thu của hai công ty và ngân sách nhà nước. Tại Đức, nhà sản xuất điện lớn nhất Steag GmbH (với tổng công suất 7.200 MW) đã phải đóng cửa nhà máy điện Bergkamen-A do không đủ nhiên liệu than do giá cao. Trên sàn giao dịch liên lục địa ICE (Anh), giá hợp đồng than giao tháng 11 đã tăng lên 225 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 2008.

Trong bối cảnh này, một số nước thành viên EU kém phát triển hơn đã bắt đầu công khai chỉ trách các ý tưởng chuyển đổi năng lượng do Ủy ban châu Âu thúc đẩy. Phía Bulgaria cho rằng, kế hoạch nhằm giảm 80% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 của Ủy ban châu Âu là hành động tự sát về kinh tế. Một động thái khác đến từ Estonia. Sau khi giá điện tăng từ 164 USD/MWh lên 186 USD/MWh trên sàn giao dịch Nord Pool (9/2021), công ty năng lượng nhà nước Eesti Energia đã quay trở lại sử dụng đá phiến dầu để sản xuất năng lượng, bất chấp cam kết từ bỏ đá phiến dầu trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh châu Âu.

Ở phía bên kia đông bán cầu, chính phủ các nước châu Á hiện nay cũng không tuân theo chương trình nghị sự về khí hậu. Một mùa hè khô nóng cộng với giá dầu và giá khí đốt tăng cao đã buộc Trung Quốc, Ấn Độ, và một số quốc gia khác phải tăng cường nhập khẩu than, mặc dù trước đó đã có những cam kết từ bỏ nhiên liệu này để theo quá trình chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh là giá than cũng đang tăng lên và các doanh nghiệp sản xuất điện than cũng không có lợi nhuận trong điều kiện thị trường như vậy.

Gần một nửa số địa phương tại Trung Quốc đã buộc phải hạn chế tiêu thụ năng lượng bằng cách cắt điện luân phiên. Các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông - ba trung tâm công nghiệp chiếm 1/3 nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo thông tin từ Bloomberg, hơn một nửa số địa phương tại Trung Quốc bắt đầu cắt điện luân phiên trong tháng 9 vừa qua, gây ảnh hưởng đến khoảng 100 triệu dân. Tình hình đặc biệt khó khăn đối với các hộ gia đình ở các địa phương như Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh. Trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn chứng khoán Thượng Hải đã có lúc giảm 1,83%.

Trong tháng 9 vừa qua, sản lượng than dự trữ cho các nhà máy nhiệt điện than lớn nhất Trung Quốc chỉ ở mức trung bình 15 ngày, thấp hơn nhiều so với định mức 2 tháng vào mùa đông. Trữ lượng than khai thác tại 6 công ty năng lượng chính hiện thấp hơn 31,5% so với cùng cùng năm ngoái. Điều này khiến Chính phủ Trung Quốc phải tăng cường mua sản lượng than lên mức 50-80 triệu tấn vào cuối năm nay, bất chấp giá than nhiệt trong nước đang được giao dịch ở mức 151,63 USD/tấn, phá kỷ lục mức giá 100 USD/tấn vào năm 2018.

Thực tế cho thấy, chính quyền Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác khi mà hơn 50% sản lượng điện của nước này đến từ các nhà máy nhiệt điện than (sản lượng điện than năm 2020 đạt 5.174 tỷ KWh). Các doanh nghiệp sản xuất điện nhà nước và người tiêu dùng buộc phải chia sẻ những thiệt hại kinh tế do tình trạng thiếu điện. Trong một số ngành công nghiệp đã xảy ra gián đoạn nghiêm trọng. Ví dụ trong tháng 9 vừa qua, sản lượng nhựa polypropylene và polyethylene tại các nhà máy địa phương đã giảm lần lượt 287.000 tấn và 235.000 tấn. Tại tỉnh Thiểm Tây, một số nhà máy hóa chất lớn (chiếm 25% sản lượng polymer trong nước) đã phải tạm dừng hoạt động do thiếu nhiên liệu than đầu vào.

Tình hình cũng không khả quan hơn ở Ấn Độ, nơi hơn 50% sản lượng năng lượng phụ thuộc vào nhiên liệu than đá. Theo Financial Times, dự trữ loại nhiên liệu này đảm bảo đủ cho nhu cầu vào đầu mùa thu này. Tuy nhiên, Bộ năng lượng Ấn Độ (9/2021) cho biết, khoảng 135 nhà máy nhiệt điện than trong nước chỉ đủ lượng than dự trữ trong vòng 3 ngày.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giá năng lượng đang ngày càng lan rộng trên thế giới, các nhà đầu tư lớn nhất toàn cầu tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự “xanh”. Trong năm 2020, thời điểm mà thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, quy mô vốn hóa của tất cả các công ty có chính sách ESG (for Environmental, Social, and Governance) lên tới khoảng 1000 tỷ USD. Giờ đây, khi cuộc khủng hoảng giá năng lượng gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư lớn nhất như BlackRock tiếp tục kêu gọi mạnh mẽ các đối tác của mình đầu tư vào các dự án ESG. Vì vậy, các quỹ dành cho ESG trong thời gian đại dịch và sau đại dịch cho thấy khả năng phục hồi tốt. Các dự án NLTT và các công ty triển khai chính sách ESG đang nhận được vốn từ các nhà đầu tư lớn như BlackRock, Fidelity International, Federated Hermes hoặc Pacific Investment Management. Trước đó vào đầu năm 2021, lãnh đạo BlackRock Larry Fink cho biết, tập đoàn sẽ gây áp lực lên các đối tác từ chối giảm phát thải khí hoặc đi ngược lại quá trình chuyển đổi năng lượng.

Theo Bloomberg, chỉ trong vòng 1 năm, ban lãnh đạo BlackRock đã bỏ phiếu không bổ nhiệm lại 255 thành viên hội đồng quản trị và 79% trong số này là lãnh đạo các công ty năng lượng, công ty sản xuất không cam kết chuyển đổi năng lượng. Bất chấp, cuộc khủng hoảng giá năng lượng đã kéo dài nhiều tháng nay, lãnh đạo BlackRock tiếp tục duy trì cách tiếp cần của mình. Phía BlackRock cho rằng, than, dầu thô và khí đốt đang trở nên đắt đỏ hơn. Tại nhiều thị trường lớn nhất, người tiêu dùng các loại nhiên liệu này đang phải chịu mức giá cao. Do đó, đầu tư vào NLTT mang tính bền vững và an toàn hơn. Chi phí điện khí, điện than tăng cao sẽ giúp các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời gia tăng khả năng cạnh tranh của mình.

Năng lượng “xanh” đang được ưu tiên tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc và EU. Theo một báo cáo của BloombergNEF (BNEF), thế giới đã ghi nhận khoản đầu tư kỷ lục 174 tỷ USD vào các dự án NLTT. Trong đó, các khoản đầu tư vào năng lượng mặt trời lập kỷ lục 78,9 tỷ USD. Để rồi đến hôm nay, chính Đức và Trung Quốc (những quốc gia thúc đẩy NLTT hàng đầu) buộc phải “chiến đấu” vì nhiên liệu than. Liệu EU có đủ tự tin vào cam kết các khoản đầu tư vào NLTT sẽ giúp ổn định giá năng lượng trong tương lai?

Tình hình hiện tại cho thấy, cuộc khủng hoảng giá năng lượng đang tăng lên và một lượng lớn đầu tư có thể giúp ổn định thị trường dầu, khí đốt, than đá đang được cho các dự án điện tái tạo, có rủi ro cao về sự ổn định và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng đã và đang phải trả giá cho điều này.

Tác giả: Tiến Thắng
Nguồn:nangluongquocte.petrotimes.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật
01_nhat_tan87 02_pa_uon65 03_phu_my65 04_quay_song_han49 05_rong93 06_thuan_phuoc27 07_can_tho80 08_thi_nai98 09_tran_thi_ly30 10_long_bien51